Trường mầm non tư thục, nhóm trẻ sau dịch bệnh: Nhiều trẻ mất chỗ học

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến ngành Giáo dục, nhất là các trường mầm non ngoài công lập.

Học sinh Trường Mầm non Phùng Xá chăm sóc vườn rau.
Học sinh Trường Mầm non Phùng Xá chăm sóc vườn rau.

Hàng loạt trường mầm non, nhóm trẻ không còn hoạt động khiến nhiều gia đình lo lắng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trẻ sẽ không còn chỗ học.

Nỗi lo sau dịch

Do không có điều kiện đưa đón nên chị Nguyễn Mai Anh, trú tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) phải gửi con tại một trường mầm non tư thục gần nhà. “Gửi con trường tư có thể đón muộn hơn so với trường công, cô giáo chăm sóc tốt hơn và cũng có cả camera để theo dõi hoạt động của con hàng ngày”, chị Mai Anh nói.

Tuy nhiên, trường mầm non này sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 không còn hoạt động. Nhiều cô giáo không còn đủ kiên nhẫn để gắn bó với nghề, bỏ trường làm nhân viên bán bảo hiểm, bán hàng online, giúp việc gia đình, trông trẻ tại nhà. Cùng với đó, cô hiệu trưởng - chủ trường mới đây cũng chính thức cắt hợp đồng thuê nhà và giải thể, thanh lý trường.

Trước thông tin thành phố cho phép trường dần mở cửa trở lại, chị Mai Anh băn khoăn khi chưa tìm được chỗ gửi con. Sang trường mới, lớp mới sợ con không quen với việc học. Chưa kể trường mới sẽ xa nhà hơn, bố mẹ mất nhiều thời gian đưa đón.

Còn chị Nguyễn Thị Bình, công nhân một công ty tại Khu công nghiệp Đông Anh, cho biết: Những tháng vừa qua, nhiều trường mầm non phải đóng cửa, không ít cô giáo phải bỏ nghề. Ít trường sẽ khiến học phí các trường tư thục tăng lên.

Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (huyện Thạch Thất và Quốc Oai, Hà Nội) có gần 3.000 công nhân lao động, nhưng mỗi xã, thị trấn ở gần khu công nghiệp chỉ có một trường mầm non công lập. Theo chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân Công ty Điện tử Meiko, dù là người địa phương nhưng do các lớp ở trường công quá đông nên chị vẫn phải gửi con ở trường tư.

Qua đợt dịch lần này, nhiều trường tư phải đóng cửa khiến học sinh không còn chỗ học và phải chuyển trường, chuyển lớp. Ngoài mong muốn con sẽ sớm đi học trở lại, chị Hoa đề xuất thành phố có những hỗ trợ kịp thời để trường mầm non tư thục không bị đóng cửa và các cô giáo vẫn có thể đến lớp dạy học trò.

Chia sẻ về tương lai của hệ thống trường mầm non tư thục, nhóm trẻ, cô Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục tại quận Hà Đông (Hà Nội), cho rằng, nhu cầu của phụ huynh gửi con tại các trường tư thục rất lớn vì thời gian đưa đón thoải mái, phù hợp với nhu cầu công việc, các cô giáo cũng chăm sóc tốt hơn. Trường mầm non tư thục còn nhận trẻ nhỏ tuổi, chưa đủ điều kiện vào trường công. Hai năm nay do dịch diễn biến phức tạp, nhiều trường phải giải thể nhưng chắc chắn sẽ hoạt động trở lại khi dịch được kiểm soát. 

Nhiều phụ huynh có nhu cầu gửi con tại trường mầm non tư thục.
Nhiều phụ huynh có nhu cầu gửi con tại trường mầm non tư thục. 

Trường công sẵn sàng tiếp nhận

Theo đại diện Phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội, thành phố hiện có 1.145 cơ sở giáo dục mầm non, với hơn 525.000 trẻ theo học. Trong đó, trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục là hơn 158.000 trẻ, chiếm 30%.

Để giảm bớt khó khăn cho các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết “Quy định chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp của thành phố Hà Nội”.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định, có từ 30% trẻ em là con người lao động làm việc tại các khu công nghiệp. Các cơ sở được hỗ trợ cơ sở vật chất một lần để trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.

Bà Phạm Thị Lan Hương - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn (Hà Nội) - cho biết: Với việc được hỗ trợ 20 triệu đồng hoặc 40 triệu đồng (tùy quy mô) là một “cú hích” để các cơ sở giáo dục mầm non tư thục nâng chất lượng. Sự hỗ trợ kịp thời này giúp các đơn vị có thêm nguồn lực chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, cũng là động lực giúp các trường vượt qua khó khăn thời kỳ hậu Covid-19.

Trước thực trạng giáo viên mầm non tư thục phải nghỉ không lương, theo bà Lê Thị Nga - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội), phòng đã rà soát, lập danh sách những cán bộ, giáo viên và các cơ sở giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn để đưa vào đối tượng được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 15/NQ-HĐND về quy định một số chính sách đặc thù của Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 bùng phát, nhiều trường mầm non tư thục phải đóng cửa khiến trẻ không có chỗ học, cô Trần Thị Ngân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) - cho bết: Nhà trường cũng như các trường mầm non trong quận đã chuẩn bị phương án để đón trẻ vào học. Cơ sở vật chất nhà trường đủ đáp ứng nhu cầu của học sinh trên địa bàn, trong đó có cả học sinh từ các trường tư thục, nhóm trẻ độc lập.

Tương tự, “Trường Mầm non Phùng Xá (huyện Quốc Oai) sẵn sàng nhận học sinh đang sinh sống trên địa bàn xã theo học, trong đó có cả con em công nhân các khu công nghiệp. Sau đợt dịch này, nếu phụ huynh có nhu cầu có thể gửi con theo học tại trường”, cô Chu Thị Hồng Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Nguy cơ thiếu trường học, điểm nhóm giữ trẻ, thiếu giáo viên mầm non là điều có thể xảy ra ở nhiều địa phương thời gian tới. Đề nghị, Chính phủ và các địa phương cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập khôi phục hoạt động, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non, tư thục, các nhóm trẻ gia đình. Đồng thời, nghiên cứu chính sách tiền lương hợp lý cho nhà giáo, nhất là giáo viên mầm non, vốn là lĩnh vực hoạt động đặc thù nhưng hiện nay lương đang thấp nhất. - Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.