Trường mầm non tư thục, nhóm trẻ sau dịch bệnh: Phụ huynh… đứng ngồi không yên

GD&TĐ - Trường học đóng cửa, học sinh mầm non, đặc biệt là lớp Lá phải chịu nhiều thiệt thòi. Việc học của trẻ sắp tới cũng gặp khó khi nhiều trường tư thục, nhóm trẻ giải thể vì dịch bệnh…

Con công nhân, người lao động gặp khó vì không có nơi học trong khi cha mẹ bắt đầu đi làm trở lại.
Con công nhân, người lao động gặp khó vì không có nơi học trong khi cha mẹ bắt đầu đi làm trở lại.

Phụ huynh rơi vào thế khó

Trong khi các khối lớp khác có thể dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình thì khối mầm non không thể triển khai. Đây là bậc học quan trọng, nền tảng bước vào cấp tiểu học nên nhiều phụ huynh sốt ruột khi nghỉ học kéo dài.

Làm công nhân ở Khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), vợ chồng chị Lê Ngọc Mỹ đang tìm chỗ gửi con nhưng không nơi nào nhận. Trong khi nội, ngoại đều ở xa, dịch bệnh cũng không thể đến Cần Thơ để trông giữ cháu. “Trường tư thục nơi con tôi học đã giải thể vì dịch bệnh, các cô giờ chuyển nghề hết rồi. Năm tới, con tôi vào lớp 1, việc học ở lớp Lá rất quan trọng nhưng dịch bệnh thế này tôi lo quá”, chị Mỹ lo lắng.

Quận Bình Thủy tập trung khu công nghiệp cùng nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất trọng điểm của TP Cần Thơ. Trong khi hàng chục nghìn công nhân bắt đầu trở lại làm việc, nhu cầu gửi trẻ tăng cao nhưng nhóm trẻ giải thể, trường học còn đóng cửa nên phụ huynh rơi vào thế khó.

Theo bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, quận có hơn 50 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, trong đó có 4 nhóm trẻ phải giải thể do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Sau gần 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở giáo dục tư thục, đặc biệt là trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gặp khó do phải tạm ngừng hoạt động. Không có nguồn thu, nhiều cơ sở đã buộc phải ngừng trả lương giáo viên, thậm chí đứng trước nguy cơ đóng cửa...

Theo chia sẻ của các chủ trường tư thục, nhóm trẻ, dù rất thương trẻ, thương các cô giáo và hiểu khó khăn của phụ huynh nhưng dịch bệnh kéo dài, trường không còn khả năng hoạt động. Chi phí thuê mặt bằng, thuế, chi trả lương, bảo hiểm, chế độ… cho giáo viên đều từ học phí, nhưng nghỉ học đồng nghĩa với thất thu.

“Thời gian nghỉ dịch quá lâu, các giáo viên gặp khó khăn nên chuyển nghề khác để mưu sinh hoặc trở về quê nhà ổn định cuộc sống. Thời gian qua, nhà trường cố gắng cầm cự, đồng hành cùng toàn bộ giáo viên, hỗ trợ mỗi cô 500 nghìn đồng/tháng. Mất nguồn thu, đơn vị cũng gặp khó khăn nên không thể tiếp tục hỗ trợ nữa. Việc dạy trẻ lớp Lá và độ tuổi khác vì thế cũng dừng lại từ khi có dịch”, bà Lâm Hồng Đào, chủ Nhóm trẻ Búp Sen Hồng, phường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) bùi ngùi.

Một trường mầm non tư thục quy mô lớn ở quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đóng cửa nhiều tháng do dịch bệnh.
Một trường mầm non tư thục quy mô lớn ở quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đóng cửa nhiều tháng do dịch bệnh.    

Trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 thế nào?

Điều khiến nhiều phụ huynh lo lắng nhất là trẻ mầm non chuẩn bị vào lớp 1 năm học 2022 - 2023 nhưng phải nghỉ dịch quá dài nên kiến thức, kỹ năng “tiền lớp 1” gần như chưa được tiếp nhận. Dù nhà trường nỗ lực kết nối với phụ huynh để giáo dục, chăm sóc trẻ nhưng kết quả không thể bằng học trên lớp.

Dự định gửi con ở nhà người quen trong khu dân cư nhưng vợ chồng chị Mai Xuân Thảo, ngụ xã Trung An, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) không yên tâm. Chị Thảo cho biết: Con đang học lớp Lá, năm tới vào lớp 1 nên vợ chồng tôi quan tâm đến việc học.

Dịch bệnh bùng phát, bé nghỉ học từ tháng 5 đến nay nên chúng tôi phải thay phiên ở nhà trông bé. “Cô giáo có lập nhóm Zalo để hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, dạy bé lớp Lá nhưng vợ chồng làm công nhân không có nhiều thời gian. Đem bé đi gửi người khác thì lo vấn đề dịch bệnh. Gia đình có tìm hiểu một số gia sư dạy học cho bé lớp Lá nhưng rất ngại vì hiện nay dịch đang phức tạp, còn lớp học online tiền lớp 1 cũng không yên tâm”, chị Thảo băn khoăn.

Theo chia sẻ của một giáo viên mầm non, hiện các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, không tổ chức dạy học trực tuyến với trẻ. Giải pháp là phối hợp với phụ huynh để chăm sóc, giáo dục trẻ.

Đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, lựa chọn những nội dung cốt lõi, cần thiết, hướng dẫn phụ huynh tổ chức giáo dục trẻ em ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình, nhằm chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào học lớp 1. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có thời gian và đủ kỹ năng để dạy bé. Chưa kể bé học tại nhà rất khó tập trung, việc gửi bài, clip hướng dẫn phụ huynh chỉ là giải pháp tình thế vì trẻ nhỏ không thể tiếp xúc nhiều với màn hình…

Chị Thanh Hà (ngụ Quận 8, TPHCM, có con học lớp Chồi tại một trường tư) phải ở nhà giữ con trong suốt thời gian giãn cách xã hội. Khi mọi thứ dần ổn định trở lại điều mà chị lo lắng là đăng ký cho con học ở đâu, vì trường con chị học trước đây đã giải thể.

“Tôi ở nhà hơn 5 tháng nay. Công ty đã hoạt động lại nhưng chồng tôi cũng đi làm, mà trường con học đã giải thể. Giờ tôi chưa biết gửi con ở đâu để phù hợp với kinh tế gia đình…”, chị Thanh Hà chia sẻ.

Tương tự, chị Nguyễn Bích Ngọc (ngụ Quận 7, TPHCM) thời gian qua đưa con lớp Lá về Bình Định tránh dịch. Gia đình chị Ngọc đang tính trở lại TPHCM để làm ăn và cho con đi học tiếp. Tuy nhiên, trường con chị học có thông báo ngưng hoạt động và chưa có thời gian mở cửa trở lại.

“Tôi dự tính xin trường tư khác cho con học tiếp lớp Lá. Tuy nhiên cho con đi học chỗ mới cũng khiến tôi đắn đo, không biết có phù hợp với con, phụ huynh và cô giáo tương tác sẽ thế nào và sĩ số lớp học có đông không... Nói chung, trường lớp quen thuộc sẽ đỡ lo hơn là bắt đầu ở trường mới”, chị Ngọc bộc bạch.

Dù không nỡ bỏ giáo viên, học sinh giữa chừng nhưng chia sẻ về khả năng mở cửa trường trở lại, chị Hồng Hạnh, chủ cơ sở Lớp mẫu giáo Sao Biển (Quận 12, TPHCM) còn nhiều băn khoăn. Vì khi hoạt động lại có nhiều thứ lo, do hoạt động phòng chống dịch phức tạp, giáo viên phần lớn còn ở quê. “Mong cơ quan chức năng, phòng GD&ĐT quận, huyện quan tâm đến tình hình thực tế của các cơ sở trên địa bàn có hỗ trợ, chung tay để chúng tôi vững tinh thần vượt qua mọi khó khăn”, chủ cơ sở Lớp mẫu giáo Sao Biển (Q.12, TPHCM) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.