(GD&TĐ) - Cuối năm 2009, một cán bộ Nhà in Báo nhân dân tại Đà Nẵng cho chúng tôi biết, anh bị mắc bệnh ung thư phổi, sau khi đã gõ cửa nhiều nơi vẫn không có hi vọng, chợt nhớ cách đây 4 năm, một nữ đồng nghiệp bị khối u trong não đã chiến thắng tử thần nhờ được điều trị bằng dao Gamma tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, anh liền tìm đến bệnh viện này. Quả nhiên, sau khi được các y bác sỹ của Bệnh viện Trường Đại học Y Dược tận tình điều trị, anh đã nhanh chóng hồi phục và cho đến nay rất lạc quan với sức khỏe của mình. Câu chuyện nghe như huyền thoại đã thôi thúc chúng tôi tìm gặp Bác sỹ chuyên khoa 2-PGS.TS Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng của Trường Đại học Y Dược, Giám đốc của Bệnh viện Trường. Và cuộc trò chuyện, trao đổi đã diễn ra khá thú vị, bổ ích.
P.V: Xin chúc mừng Bác sỹ Cao Ngọc Thành, chúc mừng đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện Trường Đại học Y Dược, vì với ngành Y, không có vinh dự nào hơn là được chính bệnh nhân khám chữa bệnh tin tưởng, phó thác số phận của mình. Xin ông vui lòng cho biết thêm đôi nét về Bệnh viện của Trường?
PGS.TS Cao Ngọc Thành: Bệnh viện có quy mô hiện tại 400 giường, định hướng phát triển đến 2012 có 800 giường, là một trung tâm nghiên cứu, khám chữa bệnh và đào tạo của Trường Đại học Y Dược Huế. Bệnh viện triển khai khám chữa bệnh, cấp cứu và phẫu thuật tất cả các chuyên khoa, đặc biệt đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, hiện đại trong điều trị các bệnh lý: thần kinh, sọ não, khối u, ung thư vùng đầu mặt, cổ và bụng, phẫu thuật nội soi phần bệnh lý tiết liệu, lồng ngực, tiêu hóa, sản phụ khoa,…ứng dụng các kỹ thuật điều trị tán sỏi tiết liệu ngoài cơ thể, điều trị vô sinh và các kỹ thuật hiện đại về chuẩn đoán hình ảnh và huyết thanh học, miễn dịch học. Hiện tại số lượng bệnh nhân đến khám chữa bênh hàng ngày rất đông, tất cả các phòng khám, phòng điều trị đều có các giáo sư, PGS, bác sỹ giỏi, nhiều kinh nghiệm, đã được tu nghiệp ở nước ngoài.
Chân dung BS Cao Ngọc Thành |
P.V: Một bệnh viện thuộc trường ắt phải có đặc trưng riêng so với các bệnh viện khác, thưa ông?
PGS.TS Cao Ngọc Thành: Bệnh viện Trường Đại học Y Dược được xây dựng trên suy nghĩ của nhà trường về một ngôi trường dành cho học sinh ngành Y được đào tạo theo mô hình chuẩn, nhà nước chưa có sự đầu tư. Bệnh viện là cơ sở thực hành cho SV đại học và sau đại học của Trường, trung bình 4000 lượt SV/ năm, thực hiện nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu y học tiên tiến của thế giới và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ Y tế. Những bệnh viện không thuộc trường làm việc thiên về tính chất hành chính, sự vụ và chức năng điều trị; còn bệnh viện trường phải lồng ghép chức năng đào tạo con người phục vụ con người; ngoài chức năng đào tạo và chức năng điều trị phải đặt con người lên trên hết.
P.V: Như vậy, với việc thành lập Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, Trường Đại học Y Dược-ĐH Huế đã đi trước một bước trong “ Đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội”? Xin ông vui lòng tiết lộ những kinh nghiệm đào tạo sinh viên Y khoa “ đặt con người lên trên hết” tại Trường Đại học Y Dược-ĐH Huê?
PGS.TS Cao Ngọc Thành: Đào tạo sinh viên ngành Y phải đặt vấn đề nhân bản lên trên hết, đó là Y đức. Y đức phải được hiểu trọn vẹn là vừa nhân ái, vừa phải có kiến thức. Sinh viên Y khoa phải được học về con người, phải yêu quý, trân trọng bệnh nhân và không thể điều trị sai. Ngay cả việc ghi trên phiếu đánh giá bệnh nhân, các bác sỹ của bệnh viện trường cũng phải ghi rất đúng, thận trọng vì đó là bài học cho các SV. SV được đào tạo tất cả các chuẩn kỹ năng trên cơ thể bệnh nhân. Thực tế ở các bệnh viện, khoảng thời gian trao đổi giữa người thầy thuốc và bệnh nhân rất ít nên nhà trường đã tập cho SV tiếp xúc với bệnh nhân, từ biết ứng xử đầu tiên của người thầy thuốc với bệnh nhân là gì đến dạy cho người thầy thuốc trưởng thành.
P.V: Thưa PGS.TS, chắc chắn để làm được những điều đó không đơn giản. Ví như người chèo thuyền tay lái có thuận hay không thì còn phải phụ thuộc vào bờ bãi, thác ghềnh, thời tiết…?
PGS.TS Cao Ngọc Thành: Vâng, đào tạo Y Khoa hiện tại đang đứng trước thách thức rất lớn của mặt trái cơ chế thị trường. Người thầy thuốc nào khi mới vào nghề cũng đều mong muốn làm những điều tốt cho bệnh nhân. Song những tác động của môi trường xung quanh như bệnh viện quá tải, bệnh nhân đông và sự cám dỗ về lợi nhuận kinh tế ở nhiều khía cạnh khác nhau sẽ dần dần làm bản thân người thầy thuốc thay đổi; có những cái buộc phải thay đổi và lại có những cái dẫu không muốn nhưng lặp lại đi lặp lại dần dần cũng làm người thầy thuốc thay đổi cả về quan niệm và hành vi. Trong khi đó thì các sinh viên vào một môi trường đào tạo, ban dầu như một tờ giấy trắng, nếu môi trường không trong sáng, tờ giấy trắng rất dễ bị hoen ố. Như tôi vừa nói về vấn đề đào tạo sinh viên Y khoa ở trên, nếu không tạo dựng một môi trường chuẩn cả về đạo đức, kiến thức và kỹ năng thì khó mà tạo nên hiệu quả như ý muốn.
Sinh viên thực hành trên lâm sàng |
P.V: Thưa PGS.TS Cao Ngọc Thành, theo cách nói về môi trường đào tạo ngành Y của ông thì yếu tố người thầy vẫn đóng đóng vai trò quan trọng trên hết. Được biết Trường Đại học Y Dược từ nhiều năm qua đã tạo được “ thương hiệu” về đội ngũ cán bộ giảng dạy trong đó có nhiều chuyên gia y tế nước ngoài có tê tuổi. Xin ông vui lòng cung cấp thêm thông tin về đội ngũ của Trường?
PGS.TS Cao Ngọc Thành: Nhà trường đã đầu tư tập trung sức mạnh của đội ngũ cán bộ giảng dạy cơ hữu, cán bộ giảng dạy kiêm nhiệm và mời giảng trên cơ sở đạt chuẩn về giảng dạy, đưa số cán bộ giảng dạy quy chuẩn là 600 người, với lực lượng này, Trường có thể đào tạo được 600 giáo viên quy chuẩn. Việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế là những giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng đội ngũ. Hầu hết cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Y Dược đều tham gia hoặc chủ trì thực hiện các đề tài từ cấp cơ sở trở lên, tiến độ thực hiện các đề tài được đảm bảo. Trường đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị khoa học, đào tạo lại, đào tạo chuyên sâu với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài; đã cung cấp cho cán bộ, học viên Sau Đại học và Sinh viên nhiều phương pháp, kỹ thuật mới, nhiều thông tin mới trong đào tạo khám chữa bệnh. Qua hợp tác quốc tế riêng trong năm học 2008-2009, Trường đã cử hơn 100 lượt cán bộ đi tham quan, hội thảo học tập ở nước ngoài.
P.V: Chúng tôi được nghe thông tin, năm 2009, Đại học Huế đã trao tặng danh hiệu Giáo sư danh dự cho 3 chuyên gia đều có đóng góp to lớn cho Trường Đại học Y Dược –ĐH Huế nói riêng và ngành Y nói chung. Xin ông cho biết rõ hơn về những đóng góp của họ?
PGS.TS Cao Ngọc Thành: Đó là Tiến sĩ Schneider Richatrd (Luxembourg), Giáo sư Riero Cappuccinelli (Ý) và Giáo sư Michael Runge (cộng hòa liên bang Đức). Trước hết, về Tiến sĩ Schneider Richatrd, khi Trường Đại học Y Huế (Trường Đại học Y Dược-ĐH Huế hiện tại) được thành lập, ông vừa giúp trường biên soạn tài liệu, tài trợ ấn hành nhiều tài liệu về tim mạch, tổ chức các khóa học và trực tiếp giảng dạy về tim mạch tại trường, vừa tạo điều kiện để nhiều cán bộ trẻ của trường được đào tạo chuyên sâu tại các nước châu Âu. Về Giáo sư Riero Cappuccinelli, ông được coi là người “ khai sinh” trung tâm nghiên cứu điều trị bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp hiện đại của Việt Nam, vì nhờ sự tác động của ông mà Chính phủ Ý và Hiệp hội Ý đã tài trợ dự án xây dựng trung tâm này nhằm nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và điều trị bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp ở miền Trung Việt Nam. Về Giáo sư Michael Runge, ông là một trong những chuyên gia nổi tiếng và giàu kinh nghiệm trong chuyên ngành Sản Phụ khoa tại CHLB Đức. Trong thời gian 15 năm, từ 1995 đến năm 2009, GS Michael Runge luôn có mặt ở Trường Đại học Y Dược-ĐH Huế để tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực khám và chữa bệnh cho nhiều cơ sở y tế ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Thị Thúy Hồng
(thực hiện)