Trường học nói không với rác thải nhựa

GD&TĐ - Nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) đã vận động giáo viên, học sinh nói không với rác thải nhựa. Từ khi cuộc vận động được triển khai, thầy trò nhà trường đã thường xuyên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Hình ảnh giáo viên, học sinh xách tay cơm hộp hay ly nhựa trong khuôn viên trường hầu như không còn nữa.

Hoạt động thu gom rác thải, phân loại rác thải đều được học sinh các khối lớp chấp hành nghiêm túc
Hoạt động thu gom rác thải, phân loại rác thải đều được học sinh các khối lớp chấp hành nghiêm túc

“Bước vào cổng, nói không với rác thải nhựa”

Đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường, đặc biệt là hạn chế rác thải nhựa, thầy trò Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (Cần Thơ) đã đưa ra khẩu hiệu “Bước vào cổng, nói không với rác thải nhựa”, khuyến khích tất cả học sinh và giáo viên nhà trường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Sau giờ học buổi sáng, nhóm học sinh lớp 11 không ra về như những lớp khác. Hôm nay là ngày các em vào “ca trực” phân loại rác. Em thì cầm cây gắp từng loại rác, em thì cầm sổ ghi lại số kg, người thì sắp xếp rác phân loại cho vào từng thùng. Cô Mai Ánh Tuyết, chủ nhiệm CLB Zero Waste (không rác), cũng là giáo viên của trường, luôn túc trực cùng các em trong những buổi phân loại rác cho hay, phải tháp tùng như vậy mới động viên tinh thần các em, vả lại khi phân loại rác có lúc cũng cần người am hiểu loại rác nào tái chế được, rác nào thuộc loại vô cơ hay hữu cơ. “Lúc đầu các em còn ngại bẩn, không dám cầm túi rác hay từng món rác để cho vào thùng riêng. Riết rồi thành quen, tụi nhỏ làm lanh tay lẹ chân hơn mình nữa”, cô Tuyết kể.

Theo cô Tuyết, có lúc tưởng chừng việc gom rác của các em sẽ phải ngưng lại, bởi các xe thu gom rác cứ gom hết cho lên xe. Học sinh thấy vậy chán nản, nói công sức các em phân ra từng loại cũng vô hết một xe rác, không ai trân trọng việc làm của mình. Lúc đó cô và nhà trường chỉ biết động viên, nói các em phải cố gắng, chính mình phải thay đổi trước thì mới đòi hỏi người khác thay đổi”.

Rồi cái khó cũng ló cái khôn, các loại rác hữu cơ thì thầy trò để xe rác mang đi hoặc để lại ủ làm phân hữu cơ, còn các loại như chai, lọ, giấy thì gom lại mang bán ve chai, hoặc những hộp mì ăn liền không thể bán được thì các bạn dùng trồng rau, hoa để bán khi đến hội chợ xuân, cắm trại… Tuy không nhiều nhưng số tiền ấy góp vào gây quỹ trang trải cho các hoạt động của câu lạc bộ. Qua những hoạt động này, nhà trường mong muốn tất cả giáo viên, học sinh hình thành được thói quen giảm sử dụng rác thải nhựa và biết phân loại chúng, góp phần làm cho môi trường học đường, môi trường sống ngày càng trở nên xanh, sạch, đẹp.

HS phân loại rác thải sau giờ học
HS phân loại rác thải sau giờ học 

Sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường

Túi nilon là vật dụng gần gũi với mọi người, mọi nhà. Việc sử dụng túi nilon đã thành thói quen vì tính tiện lợi của nó. Bên cạnh đó, giá thành của mỗi chiếc túi nilon khá rẻ, khiến cho việc tiêu thụ loại túi này ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tác hại của túi nilon gây ra cho con người và môi trường sống.

Theo cô Cao Thị Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng: Nhà trường không cấm học sinh sử dụng túi nilon, nhưng luôn vận động dưới nhiều hình thức như sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoặc tổ chức nhiều chương trình liên quan chủ đề bảo vệ môi trường. Thói quen không thể thay đổi ngày một ngày hai, lứa tuổi này cũng không thể dùng mệnh lệnh để cấm đoán nên nhà trường chỉ khuyên các em hạn chế sử dụng túi nilon hay hộp nhựa, mà nên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Cô Mai Ánh Tuyết cho biết thêm: “Muốn các em thay đổi thói quen thì chính mình phải thay đổi trước tiên. Những giờ lên lớp, các thầy cô ở trường luôn có bên mình bình giữ nhiệt đựng nước uống, không dùng ống hút nhựa, thậm chí cơm mua bên ngoài cũng mang hộp cà mên từ nhà theo để đựng. “Có những lúc họp lớp hay dạy ngoài giờ gọi nước uống, tôi đều yêu cầu mang ly thủy tinh không ống hút, hoặc đựng bằng bình mình mang theo, riết thành thói quen”, cô nói.

Nếu như ngày trước, mỗi khi họp tổ, hay họp Chi đoàn, mọi người thường gọi trà sữa, nước ép bên ngoài vào uống, bây giờ đều hạn chế. Còn đặt cơm trưa thì yêu cầu đựng trong cà mên. Ban đầu cũng thấy rất bất tiện, lúc nào cũng mang bình nước hay kè kè theo hộp đựng thức ăn, lỡ quên mà mua cơm hộp hay nước suối thì kỳ quá. “Bản thân mình không thay đổi thì vận động được ai, dần dà nhiều thầy cô cũng thay đổi, có cô còn hỏi không đựng cà mên mà đựng cơm bằng hộp bã mía được không thì tôi biết mọi người đã đồng lòng rồi”, cô Tuyết chia sẻ.

Nói về ngôi trường không rác thải nhựa, em Trương Gia Bảo, học sinh lớp 11P, cho biết: “Lúc đầu cũng bất tiện nhưng thấy thầy cô của trường đều mang cà mên, chai thuỷ tinh vào đựng đồ ăn, thức uống nên em và các bạn cũng thay đổi. Bây giờ đi học mang theo bình nước thủy tinh là chuyện bình thường. Qua đó, em và các bạn học được thói quen sống xanh, hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm, thay đổi nhận thức và hành động trong việc tham gia bảo vệ môi trường”.

Gom phế liệu làm kế hoạch nhỏ

Gom phế liệu làm kế hoạch nhỏ

CLB Zero Waste ban đầu chỉ có 10 thành viên là các bạn học sinh từ lớp 10 đến lớp 12, do cô Mai Ánh Tuyết, Ủy viên ban thường vụ Đoàn trường, giáo viên tổ Sinh học làm chủ nhiệm. CLB hoạt động ngày càng hiệu quả, nhận thức của cán bộ giáo viên, học sinh nhà trường được nâng cao, số thành viên CLB Zero Waste đã tăng lên 60 người, hoạt động thu gom rác thải, phân loại rác thải đều được học sinh các khối lớp chấp hành nghiêm túc, hằng ngày và hằng tuần. Những loại rác thải tái chế được các em đã thu gom để bán phế liệu làm kế hoạch nhỏ, mua sắm dụng cụ thu gom rác cho các bạn trong trường. Ứng dụng những kiến thức đã học để ủ phân hữu cơ, chăm sóc vườn cây cảnh tại trường; đồng thời tận dụng các loại vỏ trái cây, như cam, bưởi, bã mía để ủ và pha với một số hỗn hợp khác, tạo thành nước rửa chén thiên nhiên, đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Hàng tuần, theo lịch phân công, lúc thì khối 10, lúc thì khối 11, 12, các em chia nhau rửa hộp sữa, bịch sữa tươi. Cô Tuyết nói, những hộp sữa sau khi vệ sinh xong, học sinh sẽ đem ra xe để gửi lên công ty tái chế hộp sữa giấy. Những tưởng đó là loại “rác chết” nhưng nó lại rất hữu ích vì có thể tái chế thành tấm lợp sinh thái, sổ tay hay hộp quà.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố và UBND các quận, huyện nghiên cứu mô hình “Trường học không rác nhựa” và việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường của học sinh và giáo viên Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng. Qua đó, học tập, triển khai nhân rộng mô hình “không rác thải nhựa” tại cơ quan, đơn vị.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.