Hội thảo là dịp để các đại biểu đến từ cơ quan hữu quan trong nước và quốc tế, các Sở ban ngành tại Huế và các lãnh đạo cộng đồng cùng thảo luận về thực trạng quản lý rác thải tại Việt Nam và Vương Quốc Anh và từ đó mở ra những giải pháp nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề này trong trường học.
Theo báo cáo tại hội thảo, một con số rất đáng báo động là sản lượng nhựa đã tăng gấp 20 lần trong vòng 50 năm trở lại đây và rác thải từ nhựa đủ để bao quanh trái đất tới bốn lần.
Trong bài trình bày của mình, bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live and Learn), cho biết: "Nhựa sống lâu hơn con người rất nhiều trong khi đó công nghệ xử lý rác còn hết sức thô sơ và việc xử lý rác một cách triệt để là chưa có.
Chỉ với việc chôn và đặc biệt là đốt rác rất thô sơ thì đây sẽ là một mối nguy hại về sức khỏe rất lớn đối với con người do những chất độc hại sản sinh ra trong quá trình thiêu hủy rất nhiều các chất khác nhau."
Bà Joana Santos, cố vấn cấp cao tổ chức Wiser Environment, Vương quốc Anh trong phần giới thiệu và trình bày về mô hình quản lý và xử lý rác thải thành công của Vương quốc Anh cho thấy một chiến lược cấp quốc gia rất tổng thể cho vấn đề quản lý rác thải, từ việc nâng cao nhận thức cho người dân, ở ngay tại khu vực cư dân sinh sống cho tới việc hợp tác với các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước.
Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, bà Joana Santos cũng nhấn mạnh việc cần phải biết tận dụng lại mọi thứ, trong một chu trình khép kín từ những nguyên liệu thô đầu vào cho tới quá trình thiết kế, sản xuất, tiêu thụ rồi tiếp tục là tái sử dụng và tái chế … để tiết kiệm các nguồn lực hữu hạn bằng cách giữ chúng lại trong nền kinh tế. Rác thải, nguồn nguyên liệu của chúng ta được coi là chiến lược của Anh (Our waste, our resources: A strategy for English) trong việc xử lý rác thải và bảo vệ các nguồn tài nguyên của mình.
Nhóm học sinh với sản phẩm bồn hoa, tái sử dụng từ rác nhựa |
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Bùi Tiến Dũng, chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh Sinh viên, Bộ GD&ĐT chia sẻ “đối với giáo dục khởi nghiệp, nhiệm vụ cốt lõi là vấn đề phát hiện tài năng và hun đúc tinh thần sáng tạo cho các học sinh, bởi chỉ có tài năng, sự sáng tạo mới có thể tạo ra sự đột phá trong mọi lĩnh vực.
Chúng tôi đánh giá cao dự án thí điểm này của Hội đồng Anh, Coca-Cola và các đối tác, từ việc nâng cao năng lực, tinh thần công dân tích cực cho các giáo viên, chương trình đã thực sự lan tỏa sang các em học sinh tại các nhà trường.
Từ thành công của dự án này, tôi mong muốn Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì, nhân rộng sang các cơ sở giáo dục khác và cũng như Hội đồng Anh và Coca-Cola sẽ tiếp tục mở rộng dự án sang các tỉnh khác để chúng ta có thể mang tinh thần công dân tích cực thúc đẩy sự sáng tạo của học sinh tại nhiều địa phương hơn nữa.”