Dẫu muộn mằn, song sự vào cuộc tích cực và triển khai đồng loạt của các siêu thị đã tạo nên hiệu ứng tốt trong cộng đồng, nâng cao nhận thức về hiểm họa của rác thải nhựa, bắt đầu cho những hành động tiếp theo vì môi trường.
Những con số giật mình
Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc năm 2018, mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Đáng lo ngại, loại chất dẻo này có đặc tính khó phân hủy. Một chiếc túi nilon, nhiều khi được sử dụng trong 5 phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất song để phân hủy thì cần từ 500 -1.000 năm. Gần 1/3 số túi nilon mà con người sử dụng không được thu gom và xử lý.
Việt Nam được nhận định là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người cũng tăng nhanh chóng từ 3,8kg/năm/người năm 1990 lên 41kg/năm/người vào năm 2015. Đáng nói, việc nhập khẩu phế liệu nhựa vẫn tăng theo cấp số nhân, năm 2016 là 18,548 tấn, năm 2017 là 90,839 tấn và 9 tháng năm 2018 là 175.000 tấn.
Thanh niên xung kích tỉnh Thanh Hóa nhặt rác thải từ nhựa và nilon thải ra môi trường. Ảnh: Văn Đức |
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn tới tăng nhanh rác thải nhựa chủ yếu là do việc sử dụng túi nilon đã thành thói quen của mỗi người dân vì tính tiện lợi và chi phí - giá thành lại khá rẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Linh - Giám đốc Tổ chức Hành động vì môi trường và Phát triển tại Việt Nam (ENDA Vietnam), Việt Nam còn được biết đến là nước có số lượng rác nhựa thải ra gấp đôi so với các nước có thu nhập thấp. Rác thải nhựa ở đại dương sẽ phá hủy môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các loại thủy hải sản. Trên đất liền, rác thải nhựa có ở nhiều nơi và gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống con người.
Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, chỉ tính riêng 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Riêng Hà Nội, thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác mỗi ngày, trong đó rác thải nilon chiếm 7 - 8%.
Đáng nói, lượng chất thải nhựa và túi nilon cả nước chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Hậu quả là rác thải nhựa và nilon phát sinh không ngừng, có mặt ở khắp nơi, gây ra thảm họa mà các nhà khoa học gọi là "ô nhiễm trắng".
Quyết sách nào?
Nhiều ý kiến cho rằng, sự tích tụ của các mảnh rác vụn trong môi trường là vấn đề do con người tạo ra, vì vậy đòi hỏi một giải pháp đến từ con người. Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ký ngày 11/4/2013, phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, đặt mục tiêu đến năm 2015 giảm 40% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và đến năm 2020 là giảm 65% so với năm 2010…
Quyết định cũng nêu rõ, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, TP tổ chức thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nội dung, nhiệm vụ của Đề án; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung của Đề án tại các bộ, ngành và địa phương.
Thế nhưng thực tế, đến thời điểm hiện tại, theo con số thống kế của các cơ quan chức năng thì khối lượng sử dụng túi nilon khó phân hủy không những không giảm mà còn tăng theo cấp số nhân. Thói quen của người dân dùng túi nilon, đồ dùng nhựa một lần ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, mặc dù Bộ TN&MT cũng đã có nhiều quyết sách và thiết lập các chế tài đối với ngành nghề liên quan để hạn chế rác thải nhựa khó phân hủy, đồng thời tổ chức nhiều chương trình - chiến dịch truyền thông, song đến nay, không ít địa phương vẫn “án binh bất động” hoặc có triển khai nhưng mới chỉ làm cho có. Cách đây 3 tuần, một số hệ thống siêu thị với bắt đầu chính thức nhập cuộc, thay thế sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng lá chuối, lá dong để bọc rau củ quả.
Trong khi đó, việc tái chế chất thải nhựa của Việt Nam, vẫn chưa phát triển. Tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp, hầu như các loại chất thải được dồn chung với nhau và được thu gom bởi các xe chở chất thải. Công nghệ tái chế nhựa được sử dụng ở các thành phố lớn của Việt Nam đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường.
Về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường) Nguyễn Thành Yên cho biết, ở nước ta chưa đặt vấn đề quản lý riêng chất thải nhựa, vẫn đặt trong chính sách chung về quản lý chất thải. Vì vậy, cần có cuộc cách mạng về công nghệ, chính sách để loại bỏ chất thải nhựa.
Đồng quan điểm này, chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị dưới góc độ chính sách thuế môi trường, chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh cho rằng, bản chất của vấn đề hạn chế sử dụng túi nilon nằm ở việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường chứ không phải chính sách thuế.
“Phải khuyến khích sản xuất các sản phẩm thay thế như sản xuất lá chuối chẳng hạn. Việc tăng thuế bảo vệ môi trường dẫn đến tăng giá túi nilon không giải quyết được vấn đề vì điều này không hạn chế được người sản xuất túi nilon. Hơn nữa, tăng thuế bao nhiêu cho đủ? Vì vậy, nên cấm sử dụng triệt để túi nilon. Khi đó, thị trường sẽ tự khắc tìm sản phẩm thay thế ” – TS Vũ Đình Ánh bày tỏ.
Ông cũng chia sẻ thêm, mỗi hành động nhỏ như không sử dụng ống hút nhựa hay nước uống chai nhựa dùng một lần đều có thể góp phần giảm thiểu được lượng rác thải nhựa xả vào môi trường.