Trường học khát nước sạch

GD&TĐ - Nhiều năm nay, thầy cô giáo và học sinh vùng khó ở huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum luôn nỗ lực khắc phục khó khăn vì sự nghiệp trồng người. Trong đó, gian nan nhất với cả thầy và trò là tình trạng thiếu nước sạch và nhà vệ sinh.

Một góc huyện Tu Mơ Rông
Một góc huyện Tu Mơ Rông

Cạnh trung tâm huyện vẫn xài nước suối

Có đi thực tế mới biết, những người thầy, cô giáo ở huyện nghèo vùng sâu Tu Mơ Rông vất vả như thế nào để mang con chữ đến cho con em đồng bào dân tộc nơi đây.

Ngay như trường Mầm non Tu Mơ Rông- một trường gần trung tâm huyện cũng còn muôn vàn khó khăn. Cô Trần Thị Lý- Hiệu trưởng Trường mầm non xã Tu Mơ Rông cho biết: Toàn trường có 8 điểm trường thì vẫn còn 4 điểm trường mầm non ở 4 làng Đăk Ka, Đăk Chum 2, Đăk Chum 1 và làng Long Le, các cô và học sinh phải uống nước suối.

Tắm, rửa, giặt… tất cả đều nhờ nước suối. Ngay như điểm trường ở làng Tu Mơ Rông gần trung tâm xã cũng không có nước, phải mua nước bình để uống với giá đắt gấp đôi giá bình thường (20.000 đồng/ bình).

Dẫn chúng tôi đi thực tế tại điểm trường ở thôn Tu Mơ Rông, cô giáo Nguyễn Thị Kiều Trinh tâm sự về những nhọc nhằn trong việc gieo chữ.

Sáng nào đến điểm dạy, việc đầu tiên của cô Nguyễn Thị Kiều Trinh- giáo viên Trường mầm non ở làng Tu Mơ Rông, xã Tu Mơ Rông, là đến một nhà người Xê Đăng cách trường 300m mở cái van từ đường ống dẫn nước tận con suối ở trên núi cao để rửa, nấu ăn và vệ sinh cho 20 cháu ở đây.

Dẫn chúng tôi ra cái vòi nước tự chảy, cô Trinh cho biết: Nhiều khi bị rác chui vào, ống dẫn nước bị nghẽn, hôm đó cả cô trò vô cùng khổ sở. Với các cháu mầm non bán trú, không có nước sinh hoạt là không có gì khổ bằng”.

Hỏi sao không dẫn nước lên bồn cho tiện, cô Trinh giải thích: Vừa rồi, lớp mầm non này được đầu tư làm mới nhà vệ sinh, có bồn rửa mặt, 2 bệ cầu hẳn hoi, nhưng không có hệ thống nước. Nhà trường phải dùng nước suối tự chảy nhưng do nước yếu nên không đưa lên bồn được. Vì vậy, hệ thống nhà vệ sinh này chỉ… làm cảnh cho vui.

“Vài ngày giáo viên lại phải rửa bồn, bệ cầu cho sạch sẽ. Nước thì phải xách từng sô vào để làm vệ sinh cho các em. Nếu không làm thì bồn nhanh xuống cấp lắm”- cô Trinh nói.

Khu vệ sinh của Trường Dân tộc bán trú THCS Tu Mơ Rông

Khu vệ sinh của Trường Dân tộc bán trú THCS Tu Mơ Rông

Muốn gội đầu thì không tắm

Cũng tương tự, về trường gần 10 năm nay, thầy A Vóp, Hiệu phó phụ trách Trường Dân tộc Bán trú tiểu học Tê Xăng được chứng kiến sự đổi thay khá nhiều của xã.

Thầy A Vóp cho biết: Ở xã, trường có nhiều thay đổi, chỉ duy nhất chỉ có nước sinh hoạt là vẫn như cũ. Tất cả đều bắc ống dẫn từ nước suối mang về uống, ăn, tắm, giặt.

Mở một ống nước cho chúng tôi xem, A Vóp nói mấy hôm nay mưa, nên nước đục. “Cứ “mưa đục, nắng khô”. Mùa nắng nước đầu nguồn cạn, không dẫn vào đường ống được. Mỗi nữ giáo viên trong trường từ tháng 3 đến tháng 5 đều nhờ các thầy đi xách nước giếng nhà dân về 4 xô.

Cứ vậy, muốn gội đầu thì không tắm, còn tắm thì khỏi gội đầu”. A Vóp còn kể, nhiều khi nước đục quá, các giáo viên nơi đây đành đợi trời tối là xuống suối Đăk Xông tắm như các khê nữ Xê Đăng xứ này.

Đến Trường phổ thông Dân tộc Bán trú tiểu học Văn Xuôi, nước sinh hoạt của 19 giáo viên và 62 học sinh bán trú, các em ăn ở cả tuần tại trường không khá gì hơn.

Trường không có nguồn nước suối, giáo viên phải đào giếng dùng chung với dân. Nhưng do giếng đào ở chỗ trũng nên cứ mưa lớn là nước tràn về mang theo cặn, rác và cả thuốc bảo vệ thực vật từ các đồng ruộng…

Thầy Lê Văn Giang- Quyền Hiệu trưởng nhà trường kể: Mùa nắng, nước giếng cạn khô, phải dùng máy bơm đưa nước lên hồ chứa trung gian, rồi tiếp tục bơm một lần nữa lên hồ chứa ở trường.

“Năm ngoái nắng hạn, cứ bơm 10 phút là giếng cạn nước, phải thay nhau bơm nước cả đêm, hôm sau mới đủ nước dùng cho gần 100 người ở trường”- thầy Giang nói.

Đến Trường phổ thông Dân tộc Bán trú Trung học cơ sở xã Tu Mơ Rông, khi hỏi có nhà vệ sinh không? Thầy Trần Mạnh Thùy, Phó hiệu trưởng bảo có chứ.

Ngỡ nhà vệ sinh “ngon lành”, ai ngờ khi đưa chúng tôi ra một góc rào chỉ cho xem mấy tấm tôn dựng lên bên dưới bụi lồ ô um tùm, thầy Thùy nói đó là 1 trong 3 nhà vệ sinh của 82 học sinh và 16 giáo viên.

“Mùa nắng vắt núi nhiều lắm, học sinh, giáo viên trường mình đi vệ sinh ở đây phải rất cẩn thận, kẻo bọn hút máu này đeo bám vào là khổ!”, thầy Thùy kể. Theo thầy Thùy, trường này trước có nhà vệ sinh, nhưng xây mấy mươi năm rồi, đã xuống cấp trầm trọng. Giờ không ai dám vào đó nữa, vì sợ không biết sẽ sập bất cứ lúc nào.

80/90 điểm trường thiếu nước sinh hoạt

Không chỉ một vài trường mà “Mô hình” nhà vệ sinh như vậy là tình cảnh chung ở các trường học huyện Tu Mơ Rông. Do không được xây nhà vệ sinh nên trường nào cũng chỉ làm nhà vệ sinh tạm, dùng tôn che tạm bợ.

Đơn cử như Trường dân tộc bán trú tiểu học Tê Xăng, muốn đến nhà vệ sinh tạm bợ này, phải đi một đoạn đường đất trơn trợt. Nhìn cảnh nhà vệ sinh tạm bợ đó, chúng tôi không không thể nào nghĩ đây là nơi vệ sinh của các em học sinh tiểu học, là nơi của các thầy cô giáo sinh hoạt hằng ngày, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục…

“Tại điểm trường trung tâm này, nhà trường vận động nhân dân phối hợp cùng thầy cô giáo tự làm hai cái nhà vệ sinh tạm bợ vậy thôi. Nhiều buổi sáng, chỗ thì ít mà… người đông quá, có thầy cô bí quá, lấy xe máy đi ‘”quá giang” ngoài rẫy, rừng”- thầy A Vóp nói.

Khu vệ sinh của Trường Dân tộc bán trú THCS Tu Mơ Rông

Khu vệ sinh của Trường Dân tộc bán trú THCS Tu Mơ Rông

Ông Lê Văn Hoàn- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông cho biết: Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện vẫn còn 80/90 điểm trường thiếu nước sinh hoạt, khu vực nấu ăn cho học sinh, 90 điểm trường chưa có nhà vệ sinh, sân chơi, hàng rào.

Để khắc phục khó khăn, các thầy cô phải xin nhà dân hoặc ra suối gánh nước về sử dụng. Ngoài ra, toàn huyện còn 25 nhà ăn bán trú tại các trường chưa được xây dựng, đang sử dụng nhà tạm. Năm vừa rồi, chúng tôi cố gắng lắm mới làm tạm 140 nhà vệ sinh che bằng tôn tại các điểm trường để các em sử dụng tạm”, ông Hoàn nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Vương Văn Mười, Phó chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông xác nhận, thực trạng không có nhà vệ sinh, không có nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh ở hàng chục điểm trường trên địa bàn là có thật.

“Chính tôi đã đi kiểm tra vào tháng 3/2017 và báo cáo tình hình này với huyện. Có điều kinh phí quá hạn hẹp, trong khi phụ huynh là đồng bào Xê Đăng tại chỗ vẫn còn nhiều khó khăn nên không thể xã hội hóa những công trình vệ sinh, nước sinh hoạt được”- ông Mười nói.

Thực trạng thiếu nhà vệ sinh, nước sinh hoạt, nhà ở công vụ, nhà ở bán trú… nhiều năm nay mà đội ngũ thầy, giáo viên và học sinh huyện Tu Mơ Rông đang phải gánh chịu chúng tôi thấy xót xa. Ấy vậy, mà nhiều năm nay, họ vẫn âm thầm khắc phục khó khăn để tận tụy mang con chữ đến với con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu này.

“Trong năm 2017 và 2018, huyện sẽ bố trí 5,5 tỷ đồng để xây dựng nhà vệ sinh trường học, trong đó năm 2017 bố trí 2,4 tỉ đồng. Còn về nước sinh hoạt thì trước mắt các xã, các trường tự vận động, còn hiện địa phương chưa biết bố trí nguồn kinh phí nào để xây dựng…”

Ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.