Đó là tổ chức, duy trì nhà bán trú dành cho học sinh ở xa, yên tâm ở lại trường học tập. Muốn công việc này được hiệu quả, thiết nghĩ, các chế độ của Nhà nước dành cho học sinh trong diện được hưởng cần được các địa phương chủ động đáp ứng ngay từ đầu năm học.
Trong những năm học gần đây, học sinh ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng đặc biệt khó khăn được Chính phủ hỗ trợ với nhiều chính sách nhằm đảm bảo được công việc học tập, bớt đi những khó khăn do hoàn cảnh sống, địa bàn, gia đình mang lại. Các chính sách ấy như một luồng gió ấm cho các nhà trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tạo nên động lực để nâng bước chân học sinh nghèo vùng cao đến trường học chữ.
Ngoài chế độ miễn, giảm học phí, cấp phát sách giáo khoa trong cả năm học, nhiều đối tượng học sinh thuộc các diện trên còn được hỗ trợ chi phí học tập theo tháng, cấp gạo ăn theo tháng, hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho hệ bán trú…Nhờ đó, hệ thống các nhà trường có chế độ bán trú đã bớt đi khó khăn, việc tổ chức cho học sinh tại nhà bán trú trong những năm gần đây đã đi vào quy củ, nền nếp. Học sinh thực sự coi nhà bán trú là tổ ấm thứ hai của mình và yên tâm ở lại trường để học tập, phụ huynh học sinh yên tâm đưa con em mình xuống núi học chữ.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong những năm gần đây, ở nhiều địa phương, việc thực hiện các chế độ cho học sinh trong diện được hưởng còn nhiều bất cập. Điều đó ít nhiều đã ảnh hưởng đến chất lượng học tập, chất lượng duy trì và đảm bảo chế độ nhà bán trú, tác động không nhỏ đến việc tạo động lực cho học sinh đến trường.
Sau khi các Nghị định của Chính phủ được thi hành, các địa phương yêu cầu các nhà trường rà soát, lập danh sách đối tượng học sinh thuộc diện được hưởng chính sách với các chế độ khác nhau. Tuy nhiên, việc đưa các chế độ đó đến sớm với học sinh vẫn chưa được thực hiện dứt điểm ở nhiều nơi. Cụ thể như, thời gian rà soát, lập danh sách và phê duyệt danh sách ở nhiều địa phương diễn ra chậm dẫn đến việc học sinh học hết kỳ mới được hưởng các chế độ. Việc cấp kinh phí, cấp gạo để hỗ trợ học sinh vùng khó, nhất là học sinh bán trú còn chậm. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì cuộc sống sinh hoạt của các em hằng ngày.
Ở nhiều địa phương vẫn diễn ra tình trạng chờ duyệt ngân sách theo năm, chờ cấp ngân sách từ huyện, tỉnh nên kinh phí đến với học sinh sẽ chậm. Thực tế cho thấy, khi chưa cho nguồn kinh phí cấp về, các nhà trường có hệ bán trú rất khó khăn để duy trì và nâng cao chất lượng nhà bán trú. Việc đảm bảo bữa ăn có thức ăn, đủ bữa ăn hằng ngày cho học sinh gặp nhiều khó khăn. Ở nhiều nhà trường, thầy cô phải ứng tiền lương để mua gạo, mua thức ăn cho học sinh vào những ngày chờ kinh phí cấp về, thầy và trò cùng tích cực trồng rau xanh để lấy nguồn thực phẩm tự cung cấp hằng ngày.
Với học sinh thuộc diện được hỗ trợ chi phí học tập hay cấp gạo thì các chế độ này thường hết kỳ, hết năm các em mới được lĩnh. Như thế, có nghĩa là số kinh phí hỗ trợ của Chính phủ sẽ được sử dụng không khoa học, thậm chí sẽ không đúng mục đích. Bởi lẽ, trong quá trình học tập, nếu được hỗ trợ kinh phí kịp thời, các em sẽ có nguồn để trang trải cho việc học tập như mua đồ dùng, sách vở…Nếu để các em học xong mới cấp thì số kinh phí đó sẽ không phát huy tác dụng.
Ở các trường học vùng sâu, vùng xa, nếu việc cấp kinh phí cùng các chế độ khác không kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng hết năm học, phụ huynh học sinh đến trường nhận gạo, nhận tiền về. Như thế, gạo, tiền vào thời điểm đó liệu có giúp ích trực tiếp cho học sinh ngay trong quá trình học tập? Những ngày tháng học tập, chất lượng cuộc sống của các em ra sao?
Có nhà trường trong quá trình thực hiện các chế độ của học sinh, đặc biệt là hệ bán trú cò tạo ra sự “linh hoạt” trong việc cắt xén chế độ kinh phí của học sinh để chi vào các nội dung khác như thuê người nấu ăn, chi các hoạt động, mua sắm trang thiết bị…Như vậy, việc chi 100% chế độ cho học sinh thuộc diện sẽ không được đảm bảo.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chậm chễ như trên. Trong đó, nguyên nhân cơ bản vẫn là cách thức chi trả và thủ tục hành chính còn rườm rà ở nhiều địa phương. Ở nhiều tỉnh, việc chi trả kinh phí hỗ trợ học tập, hỗ trợ ăn ở cho học sinh bán trú không diễn ra hàng tháng mà trả theo quý hoặc theo kỳ của năm học. Như thế điều bất cập được bộc lộ ngay ở hầu hết các trường.
Để đảm bảo mọi chế độ của Chính phủ kịp thời đến với học sinh vùng khó, ngay từ đầu năm học, các địa phương cần chủ động rà soát đối tượng học sinh, lập danh sách trong diện được hưởng để đề nghị các cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp kinh phí, gạo phục vụ cho công việc học tập của học sinh. Các nhà trường cần tuyên truyền, phổ biến đến học sinh và phụ huynh để số kinh phí, gạo hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích, tạo hiệu quả cho công việc học tập của học sinh. Tại các nhà trường có hệ bán trú, cần duy trì đều đặn và chất lượng cuộc sống của học sinh, nhất là các bữa ăn để đảm bảo cho công việc học tập tại trường của các em.