“Trường học gắn kết cộng đồng” phát huy hiệu quả

GD&TĐ - Chỉ sau thời gian ngắn áp dụng mô hình “trường học gắn kết với cộng đồng”, chất lượng giáo dục của Trường THCS Hợp Lý (Lập Thạch – Vĩnh Phúc) đã có sự chuyển biến rõ rệt.

Thầy Lê Minh Huy cùng các đại diện đoàn thể đến trao đổi với gia đình học sinh.
Thầy Lê Minh Huy cùng các đại diện đoàn thể đến trao đổi với gia đình học sinh.

Đến nay, mô hình đã chứng minh được hiệu quả và được các nhà trường học tập, áp dụng.

Cộng đồng trách nhiệm

Hợp Lý là xã miền núi, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Xã có 7 thôn, khoảng cách từ thôn xa nhất đến Trường THCS cũng trên dưới 10km. Trường THCS Hợp Lý có 276 học sinh với 8 lớp thì có đến 21 em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; 19 em mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ; 17 em có bố mẹ đi làm ăn xa, gửi các em cho người thân nuôi dưỡng, chăm sóc. Hơn nữa, một số phụ huynh do đặc thù công việc, mải làm kinh tế, nên thời gian dành cho con cái ít, chuyện học hành của các em cũng không được quan tâm nhiều.

Thầy Lê Minh Huy, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Lý chia sẻ: “Tháng 8/2018, tôi được điều chuyển công tác về làm Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Lý. Khi đó, trường nhiều năm xếp cuối huyện về chất lượng giáo dục. Nền nếp học tập của học sinh không tốt. Một số giáo viên cũng bị ảnh hưởng tâm lý. Đặc biệt, nhiều phụ huynh không còn tin tưởng vào nhà trường nên đã tìm cách xin cho con mình chuyển sang học ở các trường lân cận”.

Trước thực tế này, thầy Lê Minh Huy đã nhập vai là phụ huynh học sinh muốn xin con về học tại trường rồi đến các thôn gặp người dân lắng nghe ý kiến. Các buổi tiếp xúc, đa số người dân đều khuyên “phụ huynh Huy” không nên chuyển con về Hợp Lý vì không còn tin vào chất lượng dạy học của nhà trường. Thậm chí, nhiều người còn có thái độ bức xúc, quy trách nhiệm đối với thầy cô vì trường luôn được xếp ở cuối bảng trong hệ thống giáo dục của huyện.

Hiểu tâm lý của phụ huynh, nắm rõ được thực tế nhà trường, với kinh nghiệm trước đây là Hiệu trưởng Trường THCS Thái Hòa – Ngôi trường có tiếng trong huyện, thầy Lê Minh Huy đã “xốc” lại tinh thần của đội ngũ giáo viên, quyết tâm xây dựng chất lượng giáo dục nhà trường và lấy lại niềm tin của người dân địa phương.

Một trong những việc làm đầu tiên của nhà trường đó là xin ý kiến Bí thư Đảng ủy xã để tổ chức đối thoại với nhân dân trong xã. Lần lượt 7 cuộc đối thoại được tổ chức tại nhà văn hóa các thôn. Tại các cuộc đối thoại này, nhà trường đã đứng ra nhận trách nhiệm và hứa cùng tập thể sư phạm nhà trường triển khai ngay các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, nếu không thay đổi được thì bản thân hiệu trưởng sẽ xin từ chức. Việc làm này đã được người dân địa phương hưởng ứng, bước đầu tin tưởng và cùng đồng hành.

Em Nguyễn Quang Huy (bìa phải), học sinh lớp 8 A1 chia sẻ với Báo GD&TĐ
Em Nguyễn Quang Huy (bìa phải), học sinh lớp 8 A1 chia sẻ với Báo GD&TĐ

Sau các buổi đối thoại, thầy Huy đã họp hội đồng nhà trường để bàn cách nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, siết chặt kỉ cương, nâng cao trách nhiệm của giáo viên đối với nhiệm vụ dạy học trong nhà trường. Tuy nhiên, sau 1 tuần triển khai, học sinh vẫn giữ nền nếp cũ khiến việc nâng cao chất lượng dạy và học gặp nhiều khó khăn.

Từ thực tế này, thầy Lê Minh Huy đã xây dựng ý tưởng về mô hình “trường học gắn kết với cộng đồng”. Nhà trường đã tham mưu với Đảng ủy xã đưa các nội dung của hoạt động giáo dục vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời xây dựng kế hoạch phối hợp giữa nhà trường với Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội xã, với cộng đồng dân cư và gia đình. 

Ở mô hình này, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện công tác tuyên truyền, vận động học sinh đến trường; có chính sách ưu tiên, động viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Công an xã phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật học đường, trật tự an toàn giao thông, phòng, chống tai tệ nạn xã hội cho học sinh. Đảng ủy, chính quyền xã quan tâm, phối hợp với nhà trường trong mọi hoạt động giáo dục; chỉnh trang, cải tạo khuôn viên nhà trường bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp. Hội phụ huynh tích cực ủng hộ, xây dựng công trình xử lý rác thải trong trường, tu bổ sân chơi bãi tập cho học sinh, khơi thông cống rãnh, sửa sang khu nhà vệ sinh giáo viên, học sinh. 

Về phía nhà trường, đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề, phân công nhiệm vụ cho từng Đảng viên, phụ trách về chất lượng và phong trào giáo dục ở 7 thôn dân cư trên địa bàn. Hàng tuần, mỗi giáo viên, Đảng viên lên lịch cụ thể, đến từng nhà để nắm bắt, đôn đốc việc học của học sinh, hướng dẫn cách tiếp cận kiến thức, nghiên cứu tài liệu, đồng thời tư vấn cho các gia đình cách thức bố trí môi trường học tập, cách kiểm tra bài học của con. Học sinh có học lực yếu đều được thầy cô tận tình, chỉ bảo, hướng dẫn. Mỗi giáo viên khi đến nhà kiểm tra học sinh đều lập biên bản ghi nhớ, đánh giá cụ thể tình hình việc học tập của học sinh tại nhà dưới sự chứng kiến của gia đình và đại diện thôn. 

Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhà trường lập sổ chuyên cần của từng tổ trong lớp, cuối mỗi buổi học nộp lại cho Ban giám hiệu nhà trường để nắm bắt, theo dõi tình hình, ý thức học của từng học sinh và kịp thời thông báo cho phụ huynh qua hệ thống nhắn tin SMAS đối với các học sinh vi phạm nội quy trường, lớp và chưa chuẩn bị chu đáo bài học. Định kỳ, nhà trường chủ động có kế hoạch khảo sát chất lượng học sinh để nắm bắt chất lượng, kịp thời điều chỉnh trong chỉ đạo chuyên môn. Cuối năm học, trường tổng hợp chất lượng hai mặt giáo dục theo từng thôn báo cáo Đảng ủy, chính quyền xã và gửi tới từng Bí thư chi bộ, trưởng thôn để thông báo rộng rãi trong nhân dân.

Thầy Lê Minh Huy đến kiểm tra góc học tập và hướng dẫn học sinh làm bài.
Thầy Lê Minh Huy đến kiểm tra góc học tập và hướng dẫn học sinh làm bài. 

Tạo đột phá lớn

Chia sẻ về phong trào này, thầy Lê Minh Huy cho biết: “Cùng với việc triển khai mô hình “trường học gắn kết với cộng đồng”, Ban giám hiệu nhà trường đã tham mưu Đảng ủy, UBND xã phát động phong trào “tiếng kẻng học bài” trên toàn địa bàn thôn dân cư. Cụ thể, vào 19 giờ 30 đến 22 giờ 30 từ thứ 2 - 6 hàng tuần, các thôn đều có hiệu lệnh kẻng hoặc loa thông báo giờ tự học của học sinh. Sau khi có hiệu lệnh, các gia đình tự giác tắt hoặc giảm các thiết bị nghe, nhìn để nhường không gian cho các con học tập. Các đồng chí Bí thư Chi bộ, trưởng thôn cùng với giáo viên nhà trường thường xuyên kiểm tra việc chấp hành “tiếng kẻng học bài” ở từng gia đình”. 

Khi thực hiện phong trào “tiếng kẻng học bài”, nhà trường yêu cầu các gia đình dán thời khóa biểu của học sinh tại bàn học. Giáo viên sau khi tập trung tại trường sẽ chia ra các nhóm đến nhà hướng dẫn học sinh làm bài, đồng thời, giúp phụ huynh phương pháp giám sát con cái học hànhvà chuẩn bị chu đáo cho ngày học hôm sau. Em Nguyễn Quang Huy, học sinh lớp 8 A1 chia sẻ: “Trước đây em thường xuyên xem tivi quá giờ nhưng từ khi có phong trào “tiếng kẻng học bài”, em đã học bài đúng giờ hơn. Các thầy cô giáo thường xuyên đến kiểm tra trực tiếp nên em và các bạn đã ý có thức, thay đổi nhiều hơn trong học tập”.

Chỉ sau thời gian ngắn triển khai phong trào, nền nếp của học sinh đã có sự chuyển rõ rệt. Chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng lên. Giáo viên cũng nâng cao trách nhiệm trong công tác. Đặc biệt, nhà trường đã nhận được sự tin tưởng trở lại của phụ huynh học sinh trong xã. Năm học 2017 - 2018 (trước khi áp dụng mô hình “trường học gắn kết với cộng đồng”) chất lượng giáo dục của nhà trường đứng thứ 20/20 của huyện, 127/147 của tỉnh, cả trường chỉ có 1 giải học sinh giỏi. Sau 1 năm áp dụng mô hình (năm học 2018 - 2019), trường đã có 6 giải học sinh giỏi, trong đó có 1 giải Nhất. Cuối năm, trường xếp thứ 6/20 của huyện và 55/147 của tỉnh (tăng 72 bậc).

Năm học 2019 - 2020, trong thời gian học sinh nghỉ học phòng dịch Covid-19, các thầy cô giáo đã chủ động biên soạn nội dung ôn tập, bài tập nhỏ rồi photo rồi gửi cho học sinh làm bài. Cùng với đó, giáo viên vừa hướng dẫn, vừa kiểm tra việc học tập của học sinh bằng các ứng dụng mạng trực tuyến. Đối với học sinh lớp 9, giáo viên còn soạn các đề thi mô phỏng vào lớp 10 để các em có thể thực hành giải đề.

Kết thúc năm học, Trường THCS Hợp Lý là 1 trong 2 trường của huyện có giải về KHKT. Điểm bình quân thi vào lớp 10 đứng thứ 2 của huyện, xếp thứ 21/147 của tỉnh. Trong đó có 3 em dự thi vào Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc thì cả 3 đều trúng tuyển. 

Với kết quả trên, năm 2018 - 2019, nhà trường được công nhận là tập thể Lao động Tiến Tiến, năm 2019 - 2020 được tặng danh hiệu Đơn vị lá cờ đầu.

Theo Hiệu trưởng Lê Minh Huy, trong thời gian tới nhà trường tiếp tục duy trì và nâng cao một bước đối với mô hình “trường học gắn kết với cộng đồng”. Nhà trường sẽ chuyển dần phương thức từ thầy cô đến kiểm tra trực tiếp thành kiểm tra qua các ứng dụng mạng xã hội (kiểm tra đột xuất) rồi báo cáo lại kết quả với nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ hướng dẫn chi tiết để các gia đình tự ý thức nhắc nhỏ con em mình và tạo không gian học tập tốt nhất cho các em.

Ông Đỗ Đức Quang – Trưởng phòng GD&ĐT Lập Thạch cho biết: Thầy Lê Minh Huy là một hiệu trưởng có năng lực, trách nhiệm và sáng tạo. Mô hình “trường học gắn kết với cộng đồng” do thầy Huy triển khai là một mô hình hay, đã tạo được sự gắn kết chặt chẽ. Cùng với mô hình này, khi nhà trường phát động phong trào “tiếng kẻng học bài” đã tạo được sự đồng thuận của phụ huynh, nâng cao ý thức tự học của học sinh. Sau 2 năm triển khai, từ vị trí cuối huyện, nhà trường đã vươn lên xếp thứ 2 toàn huyện về điểm thi vào lớp 10. Sau khi đánh giá, phòng GD&ĐT có buổi họp các hiệu trưởng để giới thiệu kỹ hơn về mô hình này để các trường có thể tham khảo, vận dụng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.