(GD&TĐ) - Mô hình VNEN sẽ tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh phát huy tốt nhất các năng lực cá nhân và giá trị đích thực của các em. Theo đó, cách tổ chức lớp học theo mô hình trường học mới cũng có những điểm khác biệt.
Hội đồng tự quản học sinh
Hội đồng tự quản học sinh được thành lập vì học sinh và bởi học sinh nhằm đảm bảo cho các em tham gia một cách dân chủ và tích cực vào đời sống học đường; khuyến khích các em tham gia một cách toàn diện vào các hoạt động của nhà trường và phát triển lòng khoan dung, sự tôn trọng, bình đẳng, tinh thần hợp tác và đoàn kết cho học sinh.
Hội đồng tự quản học sinh giúp các em phát triển kỹ năng ra quyết định, kỹ năng hợp tác và kỹ năng lãnh đạo. Đồng thời cũng chuẩn bị cho các em ý thức trách nhiệm khi thực hiện những quyền và bổn phận của mình.
Những đánh giá được tiến hành tại các trường có Hội đồng tự quản học sinh cho thấy, học sinh có những tiến bộ rõ rệt về khả năng tự ý thức, lòng tự trọng, tính tự tin, các hành vi cư xử tôn trọng và bình đẳng giữa học sinh nam và học sinh nữ.
Một góc thư viện lớp học |
Góc học tập và thư viện lớp học
Bản chất cách dạy – học của VNEN là cung cấp, rèn luyện khả năng tự học, để học sinh tự hoàn thiện và phát huy tốt nhất các năng lực cá nhân của mỗi học sinh. Trong cấu trúc và nội dung tài liệu “Hướng dẫn học” đã thể hiện được bản chất của dạy – học trong VNEN.
Góc học tập và Thư viện lớp học thực chất là các hoạt động hỗ trợ, bổ sung cho tài liệu “Hướng dẫn học” nhằm giúp giáo viên, học sinh tìm kiếm nhóm giải pháp khác nhau, các nguồn lực khác nhau trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng học tập.
Góc học tập giúp học sinh thu nhận, tổng hợp kiến thức, bằng cách thực hành, thao tác, quan sát và sử dụng các đồ vật ở góc học tập, học sinh được phát triển kiến thức của chính bản thân.
Từ góc học tập, giáo viên và học sinh có thể tiếp cận dễ dàng với các đồ dùng dạy – học và các tài liệu khác nhau.
Có thể nói, góc học tập tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập, nghiên cứu của học sinh và thỏa mãn nhu cầu của các nhóm, các cá nhân khác nhau. Góc học tập tạo nên nguồn thông tin đầy sáng tạo.
Bên cạnh đó, thư viện lớp học là một công cụ quan trọng tạo cơ hội cho học sinh học tập một cách tích cực, chủ động, hiệu quả, đồng thời cung cấp các nguồn tài liệu khác nhau để học sinh học tập và nghiên cứu.
Mô hình VNEN tăng cường khả năng tự học của học sinh. Vì vậy, nguồn thông tin trong thư viện là một công cụ đắc lực hỗ trợ các em tự học.
Ngoài việc cung cấp thông tin cho học sinh, thư viện lớp học còn góp phần hình thành, phát triển thói quen đọc sách cho các em từ những năm đầu tiên khi bước chân tới trường.
Bản đồ cộng đồng do học sinh xây dựng |
Xây dựng mối quan hệ Nhà trường, gia đình và cộng đồng
Nhà trường, gia đình và cộng đồng có mối liên hệ gắn bó, không tách rời đã trở thành nguyên lý giáo dục từ nhiều thập niên qua. Đối với VNEN, mối quan hệ này được coi là nguyên tắc quan trọng và được thể hiện qua các hoạt động thúc đẩy như:
Xây dựng quan hệ hợp tác, xã hội giữa nhà trường và cộng đồng; Tạo cơ hội để gia đình học sinh tham gia trực tiếp vào các hoạt động của nhà trường; Gia đình hiểu được các hoạt động thường nhật nhà trường; Có những hoạt động liên kết giữa gia đình, cộng đồng và nhà trường; Nhà trường hiểu và có trách nhiệm đưa văn hóa cộng đồng, địa phương thâm nhập sâu rộng vào các hoạt động giáo dục trong trường.
Đáng chú ý là việc xây dựng bản đồ cộng đồng – được coi là sự mô tả một cách đơn giản về cộng đồng địa phương, trong đó nổi bật trên bản đồ là vị trí trường học và vị trí nhà ở gia đình của tất cả học sinh trong lớp.
Cơ sở để xây dựng bản đồ có thể dựa trên bản đồ địa chính của địa phương hoặc mô phỏng qua hình dung thực tế địa hình. Phải có quy trình làm bản đồ như: tập hợp dữ liệu, chuẩn bị vật tư – phác thảo bản đồ - góp ý, bổ sung rộng rãi công khai trong trường, đại diện chính quyền và cha mẹ học sinh – hoàn thiện và giới thiệu bản đồ ở vị trí trung tâm cuối lớp.
Bản đồ phải bảo đảm đẹp, mỹ quan, nhưng không quá cầu kỳ, tốn kém kinh phí. Thể hiện được các vị trí địa lý và mối quan hệ, sự tương tác giữa gia đình và nhà trường, giữa các gia đình học sinh với nhau. Bản đồ được thiết kế mở để có thể cập nhật nội dung khi có sự thay đổi vị trí nhà ở của học sinh hoặc thay đổi sĩ số học sinh trong lớp.
Tận dụng các cơ hội có thể để sử dụng bản đồ cộng đồng trong các hoạt động giáo dục về quan hệ gia đình cộng đồng; tình bạn và mối quan tâm tới nhau; sự đoàn kết, chia sẻ, gắn bó những con người, nhưng gia đình trong cùng một cộng đồng; củng cố niềm tự hào về gia đình, cộng đồng, quê hương và sẵn sàng thông tin giới thiệu cho khách tới thăm và làm việc tại trường.
Cùng với việc xây dựng bản đồ cộng đồng, việc xây dựng góc cộng đồng cũng rất được chú trọng. Đây là sự mô tả một cách đơn giản về mối quan hệ giữa nhà trường và cộng đồng, trong đó bao gồm các thông tin về sản xuất, kinh doanh ngành nghề, phong tục tập quán, văn hóa lễ hội, lịch sử, địa lý, khí hậu thời tiết…
Xây dựng Góc cộng đồng nhất thiết phải có sự tham gia hỗ trợ của chính quyền địa phương và toàn thể cha mẹ học sinh. Có như vậy các thông tin trong góc cộng đồng mới đảm bảo sự chính xác, toàn diện và đầy đủ. Nội dung thông tin góc cộng đồng được thể hiện sinh động trên giấy, vải… để tiện cho việc sử dụng và tiếp cận thuận lợi cho học sinh.
Góc cộng đồng giúp giáo viên, học sinh biết rõ về môi trường vật chất và tinh thần của cộng đồng địa phương. Sử dụng các yếu tố tích cực của môi trường vào nội dung các hoạt động dạy học, giúp các em thuận lợi trong việc áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Tìm ra những nguồn lực sẵn có về vật chất, con người của địa phương để hỗ trợ, liên kết hợp tác giáo dục với nhà trường.
Quỹ hỗ trợ và trang thiết bị cho các hoạt động VNEN trực tiếp Theo Dự án VNEN, các trường sẽ sử dụng nguồn tiền mặt trung bình khoảng 4.000 USD cho một trường chính và trung bình khoảng 1.000 USD cho một điểm trường. Đối với các trường đã thực hiện dạy học cả ngày sẽ được nhận quỹ hỗ trợ cao hơn – đây là cách khuyến khích các trường tổ chức dạy học cả ngày. Các trường học được hưởng lợi từ Chương trình SEQAP sẽ không nhận được quỹ này. Các trường sẽ tự quyết định sử dụng số tiền này để mua bàn ghế, sửa chữa nhỏ và mua các vật liệu cần thiết cho triển khai VNEN – các vật liệu này phải cần thiết cho chương trình giảng dạy hoặc cho những hoạt động bên ngoài cần thiết liên quan tới cộng đồng như hoạt động văn hóa hoặc nhờ phụ huynh hay cộng đồng hướng dẫn học tập ngoại khóa. Tập huấn quản lý quỹ bao gồm quản lý tài chính và đấu thầu, phương pháp thầu và kế toán… sẽ được thực hiện để cung cấp cho các cộng đồng trường các quy định sử dụng quỹ đúng quy định. Các trường thiếu trang thiết bị sẽ được cung cấp một số lượng nhỏ máy tính, máy in và máy photocoppy. Các trang thiết bị này sẽ được sử dụng để hỗ trợ triển khai VNEN. Bình quân mỗi trường được cung cấp các trang thiết bị, trị giá 5.000 USD/1 trường. |
Lê Minh Thu