Trẻ cần sự gắn kết cộng đồng

GD&TĐ - Mô hình Homeschool (học ở nhà) không phải là vấn đề mới mẻ trên thế giới. Tại Việt Nam mới chỉ có một số lượng ít các gia đình lựa chọn cách đào tạo này đối với con cái họ. Tuy nhiên để đứa trẻ được phát triển toàn diện, hoàn thiện về trí tuệ và năng lực phẩm chất thì việc cung cấp kiến thức không phải là đã đủ.

Trẻ cần sự gắn kết cộng đồng

Nhà trường là nơi giúp HS hoàn thiện bản thân

Tự học ở bản thân mỗi một cá nhân là điều rất cần thiết và luôn cần được khuyến khích. Tuy nhiên điều này khác hẳn với việc thay vì để con đến trường học cùng bạn bè, các phụ huynh chọn hình thức cho con học ở nhà.

Ngoại trừ những trẻ do hoàn cảnh gia đình hay hoàn cảnh bản thân không thể đến trường thì có thể chọn cách học này. Những gia đình mà cha mẹ có đủ điều kiện vật chất, trình độ, kiến thức và phương pháp để giúp con có thể học ở nhà, song nếu chỉ bó hẹp trong môi trường gia đình thì chắc chắn đứa trẻ đó không thể phát triển một cách toàn diện.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Trường Chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) đã bày tỏ quan điểm của mình: Học sinh đi học không chỉ được học các kiến thức văn hóa mà còn được học cách giao tiếp xã hội, tiếp thu những kinh nghiệm sống của xã hội.

Chính vì thế đến tuổi đi học, các em phải được học tập, hòa đồng trong môi trường bạn bè với các lứa tuổi khác nhau trong xã hội. Đây mới là điều quan trọng.

Vì học ở nhà vẫn chỉ rơi vào tình trạng chủ yếu cung cấp các kiến thức, còn các kỹ năng xã hội rất hạn chế. Gia đình không thể có đầy đủ điều kiện để cung cấp các kỹ năng phát triển năng lực cho HS.

Trong môi trường học tập tại các nhà trường thông qua các giao tiếp trong xã hội trẻ được phát triển nhân cách. Tại đây các em được các nhà giáo dục chuyên nghiệp là các thầy cô giáo đào tạo, hướng dẫn về các kiến thức, kỹ năng và năng lực…

Trong 12 năm học các em sẽ được học rất nhiều thầy cô, mỗi thầy cô là một nhân cách và chắc chắn các em sẽ dần hoàn thiện chính bản thân mình. Nếu chỉ học ở nhà trẻ sẽ chỉ học được về kiến thức mà chưa có môi trường để cọ xát học hỏi và tương tác.

Theo Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hòa, đặc biệt với quan điểm dạy học mới đó là: Dạy học sinh thành người thì việc học những kiến thức, những kỹ năng và những kinh nghiệm của xã hội loài người phải được học trong các nhà trường, được học trong xã hội, được học trong môi trường giáo dục chuyên nghiệp.

Và không phải chỉ học từ một thầy cô giáo, một nhà trường mà phải được học từ nhiều thầy cô khác nhau và nhiều nhà trường khác nhau.

Tạo điều kiện cho trẻ được hòa nhập

Xã hội luôn đòi hỏi con người phải năng động, sáng tạo, thành công trong cuộc sống và như vậy con người phải có một môi trường giáo dục để giao tiếp, học hỏi và phát huy khả năng sáng tạo của bản thân.

Môi trường giáo dục chính là khả năng để thúc đẩy sự phát triển của mỗi cá nhân. Học không chỉ đơn thuần là tiếp thu kiến thức văn hóa mà còn là cả quá trình các em học sinh được tích lũy các kỹ năng sống – Đó là chia sẻ của cô giáo Vũ Thị Kim Phượng, giáo viên Trường THPT Ngô Gia Thiều (Hà Nội). Bố mẹ có trình độ kiến thức, gần gũi con thì có thể hiểu được con mình giỏi và kém ở lĩnh vực nào để trực tiếp bồi dưỡng, cũng như khắc phục.

Ví dụ nếu bố hoặc mẹ là giáo viên dạy một bộ môn văn hóa nào đó thì có thể tạo điều kiện bồi dưỡng và khích lệ con nhiều hơn ở bộ môn đó.

Tuy nhiên không ai có thể giỏi được tất cả các lĩnh vực. Mặt khác tất cả học sinh đều rất cần có thời gian được trao đổi, thực hành, được hợp tác nhóm trong tất cả các môn học, nên trường học vẫn là nơi học sinh được đào tạo khoa học và bài bản nhất.

Cô Vũ Thị Kim Phượng cũng cho rằng: Nếu phụ huynh có ý định cho con học ở nhà theo mô hình Homeschool thì phải thực sự hiểu về chương trình đào tạo và cần tham khảo các giáo trình dạy học theo cách này mà các nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng thành công.

Mặt khác tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của gia đình và bản thân đứa trẻ mà cha mẹ cần có những định hướng thật cụ thể về việc trang bị các kỹ năng xã hội cho trẻ và đặc biệt là tạo điều kiện để trẻ phát huy những tố chất và năng lực nổi trội.

Song song với đó thì việc tạo cơ hội cho trẻ được tham gia thật nhiều các hoạt động xã hội, những câu lạc bộ phù hợp với năng lực sở thích của trẻ để các em được phát triển và hoàn thiện bản thân một cách tốt nhất.

Học sinh học tập ở trường còn được tham gia các hoạt động nhóm, phối kết hợp với bạn bè, thầy cô để nâng cao kiến thức cũng như các kỹ năng cho bản thân. Việc bố mẹ không cho con đến trường mà dạy học cho con ở nhà thì khó có thể dạy con thành công theo mục tiêu đào tạo con người trong xã hội hiện đại. Cách đào tạo đó mới chỉ hướng tới học để thi cử, học lấy kiến thức, hướng tới bằng cấp. Trong thực tế trẻ còn có nhu cầu giao tiếp với bạn bè và cộng đồng trong xã hội để phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ