Trường sẵn sàng phương án dạy học, phòng chống dịch
Từ 7/2, học sinh Trường trung học cơ sở Quản Cơ Thành, An Giang bắt đầu quay trở lại hoạt động dạy học sau kì nghỉ Tết Nguyên đán. Chia sẻ của hiệu trưởng Lê Thị Ngọc Dung, toàn trường sẽ tiếp tục dạy học trực tuyến đến đến 12/2. Theo đó, khối 6, 7, 8 tiếp tục tổ chức ôn tập, kiểm tra cuối kỳ 1; khối 9 thực hiện giảng dạy chương trình học kỳ 2.
“Từ 7/2 đến 12/2, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên hướng dẫn học sinh thực hiện tốt 5K theo khuyến cáo Bộ Y tế, hạn chế tụ tập nơi đông người, thường xuyên giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà ở,...
Nhà trường thực hiện vệ sinh sân trường, lớp học, trọng điểm từ 7/2 đến 12/2; bảo đảm sạch sẽ, thông thoáng từ sân trường, nhà vệ sinh, khu hiệu bộ, hành lang các dãy phòng học, các máng rửa tay và trong lớp học. Phòng y tế luôn luôn thực hiện tốt khâu vệ sinh, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế, dụng cụ, thuốc thông thường,... sẵn sàng chăm sóc sức khỏe học sinh khi trở lại” - cô Lê Thị Ngọc Dung cho hay.
Từ 14/2, học sinh khối 6 tiếp tục học trực tuyến hoàn toàn đến khi có thông báo mới. Khối 7, 8, 9 dạy học bằng hình thức trực tiếp tại trường kết hợp trực tuyến; nội dung giảng dạy là chương trình học kỳ 2 và ôn tập củng cố kiến thức trọng tâm của chương trình học kỳ 1.
Sau thời gian dài học trực tuyến, công tác chuẩn bị để học sinh trở lại trường học bảo đảm an toàn được nhà trường đặc biệt chú trọng; một trong số đó là tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh.
Hoạt động chuẩn bị cho học sinh đến trường từ 8/2 đã được Trường trung học cơ sở Giảng Võ, Hà Nội hoàn tất chu đáo. Theo thông báo được hiệu trưởng Tô Thị Hải Yến kí ban hành ngày 6/2, để ưu tiên cho phòng dịch khi học trực tiếp, nhà trường sắp xếp mỗi tiết học thời lượng 40 phút, mỗi tiết cách nhau 5 phút, chưa bố trí giờ ra chơi. Thời gian biểu sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Để chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên, nhà trường bố trí 2 phòng y tế. 1 phòng dành cho học sinh cần được chăm sóc y tế nhưng không có triệu chứng sốt, ho, khó thở; phòng còn lại dành cho học sinh, giáo viên có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm Covid-19.
Cán bộ, giáo viên của trường được yêu cầu đeo khẩu trang trong thời gian ở trường, từ trường về nhà và ngược lại; giữ khoảng cách khi giao tiếp; chủ động sử dụng các vật dụng cá nhân trong thời gian ở trường để phòng lây nhiễm.
Những học sinh vì các lí do chưa sẵn sàng học trực tiếp vẫn được bố trí học trực tuyến. Tất cả thành viên trong trường đều được phép chuyển đổi hình thức làm việc, học tập, từ trực tiếp sang trực tuyến khi gặp vấn đề về sức khỏe…
Dạy học trực tiếp nhưng vẫn duy trì trực tuyến
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, học sinh khối 9 và 12 bắt đầu học trực tiếp vào buổi sáng bắt đầu từ 7/2. Từ 14/2 có thêm học sinh khối 6, 7, 8, 10, 11 đến trường học tập trực tiếp trên cơ sở chia buổi cho phù hợp. Riêng cấp tiểu học, học sinh khối 1 tới trường học tập trực tiếp vào buổi sáng, khối 2 vào buổi chiều; các khối 3, 4, 5 vẫn học trực tuyến; trẻ 5 tuổi cũng được đến trường học trực tiếp. Bắt đầu từ 21/2, các cấp học tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho học sinh học trực tiếp theo kế hoạch, thời khóa biểu của nhà trường, bảo đảm an toàn trường học.
Tại Hưng Yên, bắt đầu từ ngày 14/2, học sinh lớp 1 và học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên địa bàn đến trường học trực tiếp. Các khối lớp 9, 12 học trực tiếp đủ 6 buổi/tuần; các khối 7, 8, 10, 11 học trực tiếp thời gian 3 buổi/tuần, số buổi còn lại học trực tuyến.
An Giang, từ 7/2, học sinh khối 7 và 12 của các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn huyện Châu Phú (nơi đã thí điểm 2 tuần trước nghỉ Tết) tiếp tục trở lại trường học trực tiếp. Từ 14/2, học sinh từ khối 7 đến 12 trên toàn tỉnh sẽ học trực tiếp trở lại.
Chia sẻ của ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo An Giang, về chuyên môn, các trường trung học sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch dạy học từng trường với nội dung tinh giản theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công văn 4040. Đồng thời, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho học sinh, tập trung cho các học sinh chưa học trực tuyến, học sinh có điều kiện học trực tuyến nhưng hiệu quả chưa cao
Để mở cửa trường trở lại, các cơ sở giáo dục tại An Giang được chỉ đạo thực hiện tự kiểm tra, rà soát các điều kiện dạy học bảo đảm an toàn theo bộ tiêu chí do Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành theo thống nhất với Sở Y tế. Sở tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế (đối với 100% các trường trung học phổ thông, cố gắng số lượng tối đa đối với trung học cơ sở); phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân huyện kiểm tra 100% các trường trung học cơ sở; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung các phương án đảm bảo an toàn trước khi học sinh trở lại trường. Các trường nếu gặp khó khăn được tư vấn, hướng dẫn để có phương án phù hợp nhất.
Cũng theo ông Trần Tuấn Khanh, mặc dù dạy học trực tiếp nhưng hình thức trực tuyến vấn được duy trì; hình thức có thể là tổ chức lớp riêng, livestream tiết dạy trực tiếp,… tuỳ theo thực tế số lượng học sinh từng trường), để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của học sinh. Bên cạnh đó, tổ chức giao ban rút kinh nghiệm hàng tuần để có đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các phương án dạy học, vừa đảm bảo chuyên môn, đồng thời đảm bảo an toàn cho học sinh, phù hợp nhất với điều kiện của từng cơ sở giáo dục.
Với Đồng Nai, từ 7/2 đến 12/2, các trường tiếp tục duy trì học trực tuyến, nhằm theo dõi, kiểm soát dịch trong giáo viên, học sinh sau kì nghỉ Tết. Từ ngày 14/2 trở đi, các trường tổ chức học trực tiếp.
Để chuẩn bị cho việc mở cửa trường học, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai Võ Ngọc Thạch thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các trường triển khai công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; vệ sinh khử khuẩn trường lớp, đồ chơi, đồ dùng dạy học, chuẩn bị các điều kiện phòng chống dịch để bảo đảm 5K khi đón học sinh trở lại; sẵn sàng ứng phó với tình huống khi đi học trở lại có thể phát sinh dịch bệnh trong trường học.
Để không bị động và đảm bảo không gián đoạn học trực tiếp, phấn đấu mỗi khối lớp có ít nhất 1 lớp trang bị thiết bị phát trực tiếp buổi học trên lớp dành cho đối tượng học sinh là F1, F0 khi phải cách ly tại nhà.
Các nhà trường cũng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của học sinh và phụ huynh đối với việc tổ chức dạy học trực tiếp sau Tết. Phụ huynh cần chủ động theo dõi tình hình sức khỏe, chủ động báo cáo với nhà trường và địa phương khi học sinh có dấu hiệu bị nhiễm Covid-19…