Mở cửa trường học: Kinh nghiệm từ điểm sáng

GD&TĐ - Sau khi mở cửa trường học, việc dạy, học tại một số địa phương đi vào ổn định và đảm bảo an toàn. Sự chuẩn bị chu đáo của ngành Giáo dục và mỗi nhà trường giúp phụ huynh, học sinh an tâm.

Sau khi mở cửa trường học, việc dạy học tại các địa phương đã đi vào ổn định và bảo đảm an toàn.
Sau khi mở cửa trường học, việc dạy học tại các địa phương đã đi vào ổn định và bảo đảm an toàn.

Trường chuẩn bị tốt, phụ huynh an tâm

Trường Tiểu học Đa Lộc A (xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, Trà Vinh) nằm trong vùng đồng bào dân tộc. Việc vận động học sinh trở lại trường là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo và giáo viên. Từ ngày 17/1, học sinh của trường trở lại học trực tiếp. Đến nay, tỷ lệ học sinh trở lại trường đạt hơn 92%, còn lại một số em ở xa chưa về kịp, em khác bị bệnh nên chưa thể trở lại trường. Nhà trường tiếp tục vận động để học sinh ra lớp đầy đủ.

Theo cô Trương Thị Mỹ Xuyên, Hiệu trưởng nhà trường, ban đầu người dân có tâm lý e ngại dịch bệnh, nhất là nhà có người lớn tuổi, bệnh nền. Họ lo lắng cho con cháu đi học không may nhiễm bệnh lây cho người thân.

“Bằng các giải pháp đồng bộ, thầy cô giáo, cán bộ quản lý giữ mối liên hệ, làm công tác tuyên truyền. Nhờ sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, công tác phòng dịch nên người dân thấy được và yên tâm hơn. Đến nay việc dạy, học của nhà trường đã ổn định, công tác phòng dịch được thầy, trò thực hiện nghiêm. Tỷ lệ học sinh trở lại trường ngày càng tăng”, cô Mỹ Xuyên cho biết.

Để đảm bảo công tác phòng dịch, nhà trường kết hợp cùng chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền đến từng hộ, thôn xóm để người dân hiểu và hợp tác. Hệ thống loa phát thanh địa phương tuyên truyền liên tục, áp phích cũng được phổ biến tại nơi đông dân cư, tuyến đường, chợ…

Một trong những khâu quan trọng là công tác chuẩn bị của nhà trường, từ việc tập huấn, xử lý tình huống, trang thiết bị, vật tư phục vụ phòng chống dịch. Trường đã thành lập Tổ an toàn Covid, thầy cô giáo đều được ngành Y tế tập huấn kiến thức phòng chống dịch, test nhanh, sẵn sàng ứng phó khi có cán bộ, giáo viên, học sinh nhiễm bệnh… Do làm tốt công tác chuẩn bị nên chính quyền địa phương, phụ huynh, người dân tin tưởng và an tâm cho con trở lại trường.

Trước khi trở lại học, tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của trường đều được test nhanh sàng lọc Covid-19. Các trường hợp nghi nhiễm được ngành y tế địa phương sàng lọc, xét nghiệm khẳng định và có giải pháp phù hợp.

Chị Thạch Thị Thia, phụ huynh ngụ xã Đa Lộc (huyện Châu Thành, Trà Vinh) chia sẻ: “Con tôi học lớp 4, mấy tháng trời ở nhà học online nên gia đình khá vất vả, vừa phải làm việc, vừa hỗ trợ con học tập. Phụ huynh ai cũng mong con sớm trở lại trường để việc học ổn định, cha mẹ có thể đi làm. Sau khi đến trường tìm hiểu, phụ huynh yên tâm vì trường chuẩn bị công tác phòng chống dịch tốt. Tình hình dịch bệnh ở địa phương cũng dần được kiểm soát nên đến trường thời điểm này là hợp lý”.

Trường Tiểu học Đa Lộc A (xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, Trà Vinh) xét nghiệm cho học sinh trước khi trở lại trường.
Trường Tiểu học Đa Lộc A (xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, Trà Vinh) xét nghiệm cho học sinh trước khi trở lại trường.

Không để bị động

Tại Trường THPT DTNT Huỳnh Cương (Sóc Trăng), học sinh trở lại trường học trực tiếp từ ngày 4/1. Đến nay, thầy trò đang tập trung vào dạy, học để đảm bảo cho kỳ kiểm tra học kỳ I. Tỷ lệ học sinh trở lại trường mỗi ngày đều tăng, đạt gần 97%. Bên cạnh công tác dạy, học, việc phòng chống dịch được thực hiện nghiêm vì đặc thù ngôi trường nội trú.

Theo thầy Kim Văn Ngói, Phó Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Huỳnh Cương, khó khăn là học sinh từ nhiều vùng (xã, huyện) tập trung lại trường. Đội ngũ chuyên môn test còn ít và chưa chuyên nghiệp, số lượng que test hạn chế. Để khắc phục khó khăn, trường xây dựng lịch học theo ca (giờ) trong ngày và bố trí giáo viên chủ nhiệm, Đoàn Thanh niên hỗ trợ khi học sinh tập trung. Liên hệ y tế địa phương hỗ trợ để test kháng nguyên cho học sinh. Xin nguồn que test dự phòng nhằm thường xuyên kiểm tra học sinh. Chia lớp học ra theo khoảng cách đúng quy định và tránh tập trung đông người...

Đối với phương án hỗ trợ học sinh, xử lý khi có ca nhiễm, thầy Ngói chia sẻ: Trong ngày đầu, nếu test kháng nguyên nghi dương tính thì nhà trường, ngành y tế liên hệ với gia đình để đưa học sinh về làm các thủ tục xét nghiệm tại địa phương. Sau 3 ngày tập trung, nhà trường tổ chức test kháng nguyên lại. Nếu nghi dương tính liên hệ với gia đình để đưa học sinh đó về nhà cho điạ phương kiểm tra lại và điều trị. Riêng những phòng ký túc xá có học sinh nghi dương tính là F1 thì bố trí khu vực ở riêng để theo dõi sức khỏe; sau đó tiếp tục tổ chức kiểm tra qua việc test kháng nguyên.

Về công tác truyền thông, Trường THPT DTNT Huỳnh Cương chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tổ chức sinh hoạt lớp và nhắc học sinh trong phòng chống dịch, thực hiện nghiêm “5K”. Khi các em đến trường, nhà trường hướng dẫn thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm an toàn sức khỏe cho thầy và trò. Nhà trường bố trí giáo viên và phương tiện đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho học sinh, bố trí lối vào, lối ra riêng biệt, có phòng cách ly theo hướng dẫn…

Theo ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng, đoàn công tác của Tỉnh ủy đã kiểm tra một số trường THPT và trường THPT Dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, đoàn công tác ghi nhận các trường chuẩn bị tốt các công việc để đón học sinh đi học trực tiếp trở lại.

Các trường cũng có kế hoạch dạy học trực tiếp, thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại trường, thành lập các Tổ Covid tại trường và phân công trách nhiệm từng thành viên; Chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết theo hướng dẫn để đảm bảo an toàn cho học sinh như: Phòng cách ly, vật dụng để phòng, chống dịch, phân chia lối đi, khu vực học tập cho học sinh để hạn chế tiếp xúc gần. Có trường chuẩn bị dụng cụ test nhanh cho học sinh trước khi nhập học. Với các trường dân tộc nội trú, việc tổ chức ăn, ở sinh hoạt cũng chuẩn bị chu đáo để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Kiên trì thực hiện

TP Hồ Chí Minh - một trong những địa phương là tâm dịch trong đợt bùng phát lần thứ tư - việc mở cửa trường học được tiến hành từng bước. Sau khi thí điểm cho học sinh xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) đi học trực tiếp vào đầu tháng 11/2021, từ ngày 13/12/2021, TP Hồ Chí Minh đã triển khai dạy học trực tiếp cho học sinh khối 9 và 12, và từ ngày 4/1/2022 đối với khối 7, 8, 10, 11.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ đến trường của học sinh đạt từ 92% đến gần 96% tuỳ từng khối. Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề xuất tổ chức dạy trực tiếp với bậc mầm non, tiểu học và khối lớp 6, trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ, từ 7/2/2022. Các trường đại học tại TP Hồ Chí Minh cũng lên kế hoạch cho sinh viên quay trở lại trường học trực tiếp sau Tết Nguyên đán.

Từng là tâm dịch, nhưng Bắc Giang vẫn thực hiện mở cửa trường học trở lại một cách an toàn. Đến 18/1/2022, mặc dù F0 vẫn còn nhiều và phát sinh hàng ngày, tỉnh này vẫn có 543 trường tổ chức dạy học trực tiếp.

Chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến toàn quốc về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục sáng 19/1, ông Mai Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang thông tin: Tỉnh Bắc Giang trở thành tâm dịch từ tháng 5/2021, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, trong đó có ngành Giáo dục.

Theo đó, học sinh các cấp học phải tạm dừng đến trường để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội. Tháng 5/2021 có 372/760 cơ sở giáo dục Bắc Giang được trưng dụng làm khu cách ly, hầu hết các trường mầm non, tiểu học trở thành khu cách ly. Hàng trăm học sinh và cán bộ giáo viên thuộc diện F0; gần 9.000 học sinh và giáo viên thuộc diện F1; gần 20 nghìn học sinh và giáo viên thuộc diện F2 phải cách ly y tế. Cao điểm nhất ngày 10/1/2022, toàn tỉnh có 456 học sinh F0, và đến ngày 18/1/2022 vẫn còn 362 học sinh và 22 giáo viên F0.

Trong bối cảnh này, theo ông Mai Sơn, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục chủ động linh hoạt, thích ứng an toàn, kiên trì “mục tiêu kép” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Quán triệt rõ phương châm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Khó khăn gấp đôi thì nỗ lực gấp ba”, của Bộ GD&ĐT: “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”; đồng thời không thể đóng cửa trường học; phải kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, dù trong bất cứ tình huống nào cũng phải mở cửa trường học, duy trì hoạt động giáo dục an toàn và nâng cao chất lượng giáo dục.

Khẩn trương chuyển trạng thái nhanh, ứng phó kịp thời: UBND tỉnh chỉ đạo ngành Giáo dục nhanh chóng chuyển trạng thái, chủ động, linh hoạt, tổ chức đa dạng các hình thức tổ chức dạy học để bảo đảm nội dung, chương trình.

Khi phát hiện các ca F0 ở một số khu vực, nhất là ca lây nhiễm trong trường học, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố, ngành Giáo dục và y tế khẩn trương khoanh vùng, thần tốc truy vết, xét nghiệm, cách ly, dập dịch, trong đó giao thời hạn cho các địa phương, nhất là người đứng đầu phải quyết tâm chỉ đạo hoàn thành dập dịch trong thời gian sớm nhất (khoảng 1 tuần đến 10 ngày). Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo khoanh vùng ở diện hẹp song vẫn bảo đảm an toàn: Nếu lớp có F0 thì cho lớp đó tạm dừng đến trường, chuyển học trực tuyến, các lớp khác vẫn có thể tổ chức dạy học trực tiếp hoặc kết hợp trực tuyến nếu bảo đảm an toàn.

Ông Lâm Văn Mẫn lưu ý ngành Giáo dục cần ứng dụng hệ thống chăm sóc sức khỏe từ xa để có hướng xử lý phù hợp nếu phát hiện các trường hợp F0 trong trường học. Lãnh đạo các trường giám sát, nhắc nhở học sinh thực hiện tốt thông điệp 5K, chuẩn bị thật tốt phương án xử lý nếu có trường hợp F0 tại trường. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, không để xảy ra tình trạng vừa mở trường lại đóng trường. Các trường cần đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt nhiệm vụ với phương châm “Nhập học phải an toàn, an toàn mới nhập học”.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.