Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng nhận đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

GD&TĐ - Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng chính thức giao nhiệm vụ cho trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng là đơn vị chịu trách nhiệm chính đào tạo nguồn nhân lực Kỹ thuật – Công nghệ chất lượng cao cho các dự án công nghệ cao của thành phố, trong đó có dự án Nhà máy sản xuất linh kiện máy bay của tập đoàn UAC – Hoa Kỳ.

Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng và PGS.TS Đoàn Quang Vinh trao bằng tốt nghiệp Tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Phạm Đình Trung - Ngành Cơ kỹ thuật
Ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng và PGS.TS Đoàn Quang Vinh trao bằng tốt nghiệp Tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Phạm Đình Trung - Ngành Cơ kỹ thuật

SV khi ra trường phải được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng, đặc biệt là tiếng Anh, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Khi chính quyền và doanh nghiệp cùng đặt hàng đào tạo

Buổi lễ trao bằng tốt nghiệp đợt 1 của trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng được tổ chức vào đầu tháng 3/2019, ngoài sự tham dự của ông Đặng Việt Dũng – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng còn có ông Kevin Loebbaka - Tổng Giám đốc Tập đoàn UAC (Hoa Kỳ).

Thông tin với các tân kỹ sư, tân thạc sĩ, ông Kevin Loebbaka cho biết, tập đoàn UAC đã nhận được sự phê duyệt chính thức của TP Đà Nẵng đối với dự án đầu tư của Tập đoàn về sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ. “Trong thời gian đến, UAC sẽ rất cần kỹ sư của nhiều ngành khác nhau và sẽ có nhiều bạn kỹ sư tốt nghiệp tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đến làm việc tại Tập đoàn”.

Ông Kevin Loebbaka - Giám đốc Tập đoàn UAC đã đến đặt hàng nguồn nhân lực CLC tại DUT
Ông Kevin Loebbaka - Giám đốc Tập đoàn UAC đã đến đặt hàng nguồn nhân lực CLC tại DUT

Ông Kevin cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục phát triển mối quan hệ đối tác với Nhà trường trong quá trình đào tạo cũng như tuyển dụng nhân sự, SV thực tập, SV làm trong các dự án thực tế và nhiều chương trình khác nữa. Được biết, Doanh nghiệp này có kế hoạch tuyển dụng 1.200 lao động chất lượng cao về lĩnh vực cơ khí, điện, tự động hóa; đồng thời cũng phát triển chuỗi sản xuất về ngành công nghiệp hỗ trợ với việc thu hút trên 2.000 lao động khác.

Ngoài dự án của tập đoàn UAC, Đà Nẵng cũng có chủ trương chấp thuận Công ty TNHH TCIE Việt Nam điều chỉnh dự án đầu tư với việc tăng vốn từ 100 triệu USD lên 150 triệu USD. Đây là dự án sản xuất, lắp ráp ô-tô tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh và đã hoạt động từ năm 2009. Dự án CLB cưỡi ngựa của Công ty TNHH Keyhinge Toys Việt Nam với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; Nhà máy sản xuất máy nén khí và robot hút bụi của Công ty Alton International Enterprises Limited tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 87 triệu USD.

Ông Đặng Việt Dũng cho biết, lĩnh vực khoa học - công nghệ (trong đó có công nghệ số) là một trong những lĩnh vực mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng. Với 13 dự án đã được UBND TP Đà Nẵng trao giấy phép đầu tư và thông báo nghiên cứu đầu tư, thì chính quyền thành phố rất chú trọng đến việc đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu và cũng là một cách để giữa chân các nhà đầu tư.
Ngoài ra, còn một số dự án như Dự án Nhà máy Sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử, tổng vốn 70 triệu USD, do Tập đoàn Key Tronic EMS (Mỹ) đầu tư; dự án mở rộng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Mabuchi Motor, có tổng vốn 30 triệu USD, do Công ty TNHH Mabuchi Motor đầu tư; dự án Nhà máy chế tạo gia công các loại ống xả, có vốn 7 triệu USD, do Hao Hsing Investment Co., Ltd đầu tư; dự án sản xuất và lắp ráp ô tô các loại GAZ TD, có vốn 6 triệu USD, do Công ty TNHH Gaz Thành Đạt làm chủ đầu tư,…

“Các dự án lớn đầu tư vào Thành phố Đà Nẵng đang thực sự “khát” nguồn nhân lực CLC thuộc các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Cơ khí, Cơ khí giao thông, Điện tử, Quản lý dự án, Xây dựng công nghiệp, Môi trường,…” – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh.

Đón đầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao

Đà Nẵng đang thực sự trở thành một “Global City”. Cơ hội đang đến với Đà Nẵng và thách thức đặt ra là vô cùng lớn, đặc biệt là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp. Điều này tác động trực tiếp đến Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng – một cơ sở giáo dục, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung.

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng chuyên đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý công nghiệp có trình độ cao. Vài năm gần đây, Nhà trường duy trì được tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm khá cao, thậm chí tỷ lệ đạt trên 94%.

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng có 14 Khoa với chương trình đào tạo được cải tiến theo hướng học theo dự án (Project Based Learning - PBL). Điểm nhấn của các chương trình là giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, thời lượng học tiếng Anh cũng được tăng cường ngay từ năm thứ nhất để SV đáp ứng chuẩn đầu ra B2 và để đọc các tài liệu tham khảo chuyên ngành.

“Trước đây, nhà trường vẫn có tổ chức triển khai PBL nhưng chỉ dừng lại ở một số môn riêng lẻ. Nhà trường đã thiết kế lại toàn bộ chương trình đào tạo chất lượng cao để triển khai dạy học dự án theo hướng liên môn. Công tác phục vụ SV cũng có sự điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với mô hình giáo dục mới. Để SV đủ lượng kiến thức triển khai được dự án thì cần phải có đủ giáo trình, tài liệu tham khảo, có sự hướng dẫn thêm của giảng viên, phải có nơi để SV làm việc nhóm, tối thiểu như bàn ghế phải là bàn ghế rời để tiện cho SV di chuyển; phòng thí nghiệm phải mở cửa để phục vụ từng nhóm SV thay vì mở theo giờ như trước đây. Và vì là liên môn nên mỗi dự án phải có chuẩn đầu ra cho từng môn học để từng SV lên bảo vệ trước hội đồng” – PGS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết. trường ĐH Bách khoa chủ trương đẩy mạnh đội ngũ trợ giảng và đào tạo E-learning. Để SV có cái nhìn tổng quan, mỗi một môn, giảng viên sẽ phải đưa bài giảng đầy đủ lên hệ thống E-learning.

Cuộc thi Robot dò mê cung của Khoa Khoa học công nghệ, trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tổ chức
Cuộc thi Robot dò mê cung của Khoa Khoa học công nghệ, trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tổ chức

Các dự án thực tế được giảng viên và SV xây dựng hoặc phối hợp với doanh nghiệp, SV cũng có thể đề xuất dự án nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu. Nhờ vậy, SV có cơ hội tiếp xúc, thực tập tại các doanh nghiệp sớm hơn và lâu hơn. Đã có rất nhiều SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng sau thời gian thực tập, được doanh nghiệp tuyển dụng làm việc tại công ty, nhà máy.

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng kỳ vọng với mô hình dạy – học dự án, SV ra trường sẽ có được kiến thức, kỹ năng, thái độ thích ứng nhanh chóng với các nhu cầu thay đổi ngày càng nhanh và hiện đại của xã hội, giúp cho SV nâng cao khả năng có việc làm cũng như khả năng khởi nghiệp của mình.

Năm 2018, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng có 7 chương trình đào tạo gồm: Kỹ thuật điện - điện tử, Kỹ thuật điện tử - viễn thông, Công nghệ thông tin và Kỹ thuật dầu khí, Kiến trúc, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kinh tế xây dựng được công nhận đạt chuẩn theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA (chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á), nâng tổng số lên 9 chương trình đạt chuẩn AUN-QA. Ngoài ra Nhà trường còn có 3 chương trình đào tạo đã được công nhận đạt chuẩn châu Âu của CTI. Tất cả các chương trình đều thuộc những nhóm ngành, nghề đang có sức hút trên thị trường lao động nhiều năm qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.