Đồng thời việc điều chỉnh các phương thức và thời gian xét tuyển phải phù hợp với điều kiện thực tiễn cho phép.
Linh hoạt phương thức tuyển sinh
PGS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội) cho biết: Những năm gần đây, trường chủ yếu tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT quốc gia và lấy khoảng 10 - 20% chỉ tiêu một số ngành thông qua kết quả học tập THPT. Như phương án tuyển sinh năm 2020 công bố hồi đầu tháng 1, trong 5.700 chỉ tiêu có tới 5.270 xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, với sự thay đổi tên, trường sẽ chuyển sang xét học bạ và đang nghiên cứu các tiêu chí kèm theo nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào bởi chỉ xét học bạ, mặt bằng chung sẽ không đồng đều, ảo nhiều. Do thời gian gấp, trường cũng chưa tính đến phương án tổ chức kỳ thi riêng.
Lãnh đạo một số trường ĐH cũng cho rằng, việc xét học bạ không đánh giá được chính xác năng lực của từng thí sinh. Thực tế cho thấy, nhiều học sinh trúng tuyển bằng học bạ khi vào học lại không theo được, nhất là các ngành có điểm chuẩn cao như Kinh tế, Luật, Y Dược. Những đại học hàng đầu, đủ tiềm lực có thể tổ chức kỳ thi riêng, các trường chưa đủ khả năng có thể hợp tác, sử dụng kết quả ở kỳ thi này để xét tuyển. Theo các chuyên gia, thông lệ quốc tế cho thấy, không có trường đại học nào chỉ xét tuyển dựa vào điểm học tập THPT mà đều phải có kỳ thi đánh giá năng lực, chẳng hạn như SAT và ACT ở Mỹ.
TS Nguyễn Thanh Trọng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, không có Kỳ thi THPT quốc gia, việc tuyển sinh của các trường đại học sẽ bị ảnh hưởng. Lúc này, các trường nên chủ động đầu tư cho phương án tuyển sinh riêng, có thể một trường hoặc nhiều trường cùng tổ chức một kỳ thi và lấy kết quả xét tuyển.
Chẳng hạn kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, hiện gần 60 trường đăng ký sử dụng kết quả để xét tuyển. “Luật Giáo dục đại học giao cho nhà trường quyền tự chủ, có thể linh hoạt trong các phương thức, tuyển sinh nhiều lần trong năm”, ông Trọng cho biết thêm.
“Học sinh yên tâm học tập”
Do có một số điều chỉnh so với những năm trước nên nhiều học sinh và phụ huynh băn khoăn, lo lắng, nhất là đối với những học sinh có mong muốn xét tuyển vào ĐH, CĐ. Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Điều chỉnh một số điểm của phương án thi là tình thế bắt buộc trong bối cảnh học sinh không thể học tập tại trường trong thời gian dài do dịch bệnh và Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Mặc dù kỳ thi được giao về cho địa phương tổ chức, song Bộ GD&ĐT vẫn chỉ đạo sát sao, giám sát chặt chẽ để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, trung thực, bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan, tin cậy.
Bộ GD&ĐT đang lên các phương án cụ thể để giám sát chặt chẽ các khâu của kỳ thi, trong đó đặc biệt là công tác coi thi, chấm thi tại các địa phương, không thể vì dịch bệnh mà lơ là, buông lỏng. Đặc biệt, năm nay Bộ sẽ đối sánh kết quả thi tốt nghiệp với điểm trong học bạ của các em học sinh để qua đó đánh giá được thực chất hơn chất lượng giáo dục phổ thông và tính trung thực trong tổ chức kỳ thi của địa phương.
Do Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích đánh giá chất lượng giáo dục sau 12 năm học của học sinh nên đề thi vẫn có sự phân hóa phù hợp để phân loại đối tượng học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu. Tuy phân hóa mức độ khó có giảm so với các năm trước nhưng vẫn bảo đảm được phân loại học sinh nên các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả để tuyển đầu vào.
Trong bối cảnh dịch bệnh, phải điều chỉnh chương trình, phương thức dạy, học; giới hạn nội dung và độ khó của các bài thi; theo nguyện vọng của học sinh (thí sinh tự do) và tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội, các cơ quan chức năng, Bộ GD&ĐT thống nhất cho thí sinh tự do được tham dự kỳ thi năm nay để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ".
GS.TS Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) cho biết, các em muốn vượt qua nỗi lo lắng không gì khác là phải biết rõ yêu cầu của một kỳ thi. Thứ nhất, thời gian thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được rút ngắn. Số môn thi dùng chủ yếu để xét tốt nghiệp, như thế độ khó đã giảm hơn một chút. Thứ hai, thông tin chi tiết sẽ được Bộ GD&ĐT công khai và hướng dẫn. Các em cần ổn định tâm lý. Cần phải xác định, Kỳ thi tốt nghiệp THPT dựa trên nội dung chương trình đã giảm tải, không áp lực; thầy cô đánh giá năng lực học sinh dựa trên những gì đã và được học. Nhiều năm qua cho thấy, đề thi đánh giá năng lực đều thử nghiệm trên một nhóm, sau khi có nghiên cứu thì mới được ứng dụng.
TS Trần Đình Lý nhấn mạnh: “Năm nay là năm thể hiện rất rõ “biến nguy thành cơ”. Các thí sinh không có gì phải lo lắng! Cơ hội vào ngành/trường mong muốn của các em chưa bao giờ tiện lợi như năm nay. Các trường ĐH thường có rất nhiều phương thức xét tuyển. Các em tùy vào điều kiện, hoàn cảnh, năng lực để lựa chọn. Nếu thuộc diện tuyển thẳng hay ưu tiên xét tuyển của ngành/trường mình theo đuổi là điều tuyệt vời. Nếu xét tuyển theo học bạ, đây cũng là phương thức đánh giá quá trình dài hơi việc học của các em. 3 - 5 học kỳ có khi tốt cho các em khi tránh được sự may rủi, trục trặc trong mọi bối cảnh...”.
PGS Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương TPHCM cũng cho rằng, kiến thức ở THPT chỉ là nền tảng giúp học sinh hiểu được các môn ở đại học, không phải dùng trong chương trình đào tạo. “Không nên thần thánh quá điểm đầu vào. Ngay cả khi vào đại học mà các em chưa đủ kiến thức ở bậc phổ thông thì vẫn có thể tự bổ sung”, PGS Đỗ Văn Xê nhấn mạnh.
Theo ông Xê, mức độ đề thi tốt nghiệp THPT sắp tới chỉ nhằm đánh giá năng lực bậc THPT, không nhằm phục vụ cho xét tuyển đại học thì các trường vẫn có thể sử dụng. Nhiều trường có thể sẽ thi riêng hoặc liên kết lại tổ chức thi chung và dùng chung kết quả; có trường không thi riêng nhưng chấp nhận dùng điểm thi do các trường khác tổ chức... Hãy để cho mỗi trường tự lo liệu sự sống còn của họ. Chất lượng không chỉ nằm ở đầu vào, mà còn ở quá trình đào tạo và tinh thần học tập của sinh viên.