(GD&TĐ) - Sáng ngày 16/11/2012, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội đã trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống của trường.
Tham dự buổi lễ Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý, GS.TS Mai Trọng Nhuận – Giám đốc ĐHQG Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các đơn vị trực thuộc ĐHQG Hà Nội, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế; các nhà khoa học; các đối tác trong và ngoài nước của Trường ĐHKT; các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu của trường cùng phóng viên các hãng thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý trao Bằng khen của Bộ trưởng cho nhà trường |
Diễn văn khai mạc của PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cách đây gần 40 năm, tháng 11/1974, Khoa Kinh tế Chính trị (tiền thân của Trường ĐHKT ngày nay) trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp ra quyết định thành lập. Trải qua các giai đoạn chuyển đổi đầy thử thách và khó khăn với các tên gọi khác nhau, ngày 6/3/2007, Trường Đại học Kinh tế được thành lập theo quyết định số 290/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với sứ mệnh: cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh cho đất nước cũng như góp phần hoàn thiện thêm cơ cấu đa ngành đa lĩnh vực của ĐHQG Hà Nội.
Trường Đại học Kinh tế đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trong giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa hoc, hợp tác phát triển, thu hút và sử dụng nhân tài. Trường Đại học Kinh tế đã xây dựng được một hệ thống các đối tác chiến lược trong nước gồm hơn 20 đối tác là các tập đoàn kinh tế, hiệp hội doanh nghiệp, ngân hàng, công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam.
Đồng thời thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín thuộc 12 quốc gia và vùng lãnh thổ như Hòa Kỳ, Đức, Anh, Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đã tạo dựng được một môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp để cán bộ, học viên và sinh viên phát huy được năng lực, thế mạnh của cá nhân góp phần thúc đẩy sự phát triển của trường, nhằm trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều cán bộ trẻ được đào tạo ở các cơ sở tiên tiến trong và ngoài nước, đặc biệt là các Tiến sĩ tốt nghiệp ở các nước phát triển về giảng dạy và nghiên cứu.
Nhà trường đã và đang chuyển mình trong một kỷ nguyên mới với tầm nhìn mới: Trở thành một trong những trường đại học theo định hướng nghiên cứu hàng đầu cả nước và quyết tâm “vươn ra biển lớn”, lấy chất lượng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để tiệm cận dần với đẳng cấp khu vực và thế giới.
Tiết mục văn nghệ của sinh viên trong lễ kỷ niệm |
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý đã thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT ghi nhận và biểu dương những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp GD-ĐT, NCKH, hợp tác phát triển, thu hút và sử dụng nhiều giảng viên có trình độ cao, tâm huyết với nghề của nhà trường. Đại học Kinh tế đã từng bước khẳng định được vai trò và vị thế của mình trong hệ thống các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như cả nước; thể hiện ở số lượng và chất lượng các chương trình, giáo trình, các ngành, chuyên ngành, các hình thức đào tạo, ở số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên và sinh viên của Trường.
Nhà trường đã tạo dựng được một môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp để cán bộ, học viên và sinh viên phát huy được năng lực, thế mạnh của cá nhân, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Nhà trường. Cho đến nay, Trường đã có hơn 230 cán bộ, giảng viên. Đặc biệt trong những năm gần đây, Nhà trường đã thu hút được nhiều tiến sĩ vào làm việc, đưa tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ lên 68% trên tổng số giảng viên. Đây là tỷ lệ rất đáng trân trọng và xứng đáng với vị thế của một trường đại học có uy tín.
Hiện nay, nước ta đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế khu vực và thế giới; với mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 mà Đại hội Đảng lần thứ 11 đã đề ra. Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được và thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, trong những năm tiếp theo, tôi đề nghị Nhà trường cần đặc biệt quan tâm đến một số nội dung quan trọng sau:
Tiếp tục tập trung thực hiện đổi mới quản lý GD coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là tiếp tục thực hiện quản trị đại học hiện đại mà các đồng chí đang thực hiện và đã thu được những kết quả tốt.
Về công tác đào tạo và NCKH cần bám sát nhu cầu xã hội. Đảm bảo tăng quy mô đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo. Thực hiện 3 công khai, tập trung đầu tư, xây dựng chuẩn đào tạo quốc gia, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng đào tạo của khu vực và quốc tế. Chú ý đến những sản phẩm NCKH mang tính ứng dụng và tư vấn chính sách cao, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh để thực hiện các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu lớn, có tính liên ngành, tạo được sản phẩm nghiên cứu đỉnh cao trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh. Phát triển được các nhóm nghiên cứu mạnh để thực hiện các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu lớn, có tính liên ngành cao.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Chăm lo phát triển đội ngũ giáo sư chất lượng cao, thực hiện giải pháp đột phá, mời doanh nhân giỏi và các chuyên gia nước ngoài, Việt kiều tham gia công tác quản lý, giảng dạy của Nhà trường. Cần xây dựng chuẩn giảng viên các ngành đào tạo. Thực hiện tốt sinh viên đánh giá giảng viên; Giảng viên đánh giá năng lực quản lý, điều hành của cán bộ quản lý.
Thái Yên