Theo nhiều chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT), giáo dục trong kỷ nguyên số sẽ là phương thức giáo dục mới, với nền tảng học tập trực tuyến cùng các ứng dụng công nghệ mạnh mẽ. Tại Diễn đàn giáo dục và triển lãm học đường 4.0, nhiều chuyên gia còn dự báo, 10 năm tới 50% sinh viên học chủ yếu bằng hình thức trực tuyến.
Giáo dục trực tuyến sẽ chiếm lĩnh tỉ trọng lớn
E-Learning (giáo dục trực tuyến) vào Việt Nam từ đầu những năm 2000 và thực sự phát triển từ năm 2015, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát.
Theo TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, ứng dụng công nghệ trong giáo dục, lớp học trực tuyến được nhiều nước áp dụng từ lâu và trở nên phổ biến khi phương pháp học tập trên mang lại sự chủ động cho sinh viên, cũng như nâng cao chất lượng học tập tại các trường.
“Tại nhiều trường đại học ở Anh, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, tất cả phòng học được thiết kế nhằm bảo đảm các yếu tố nghe, nhìn, đọc, thảo luận. Phòng học của họ được trang bị hệ thống màn hình cảm ứng cho đến máy tính bảng, tai nghe, công cụ tương tác trực tuyến… Ngoài ra, phần mềm học trực tuyến như Zoom, Canvas, Teams được triển khai song hành, giúp giảng viên nắm được tiến trình học tập của sinh viên và sinh viên có thể chia sẻ, thảo luận từ tài liệu, video, audio bài học...
Trước đây, học trực tuyến ở Việt Nam được nhắc đến như một hình thức học “cực chẳng đã”. Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhất là khi có dịch Covid-19 việc học trực tuyến ngày càng trở nên quan trọng. Hiện nhiều trường đại học tại Việt Nam đã phân bổ thời lượng giảng dạy, học tập bằng hình thức trực tuyến song song học tập chung với thời lượng khá nhiều (từ 15 - 20% tổng thời lượng đào tạo). Điều đó cho thấy, giáo dục trực tuyến là xu hướng có thể chiếm lĩnh tỉ trọng học tập lớn của sinh viên trong tương lai” - TS Quỳnh đánh giá.
Đồng quan điểm, TS Phan Thị Ngọc Thanh - Giám đốc Trung tâm đào tạo trực tuyến, Trường ĐH Mở TPHCM cho rằng: Giáo dục trực tuyến sẽ không thể thay đổi hoàn toàn phương thức học tập của các trường đại học hiện nay, nhất là với các trường có khối ngành đặc thù. Tuy nhiên, với thành tựu của công nghệ số, chuyển đổi số, số hóa bài giảng, cùng những tiện ích trong việc ứng dụng CNTT trong dạy học đang diễn ra thông dụng và mạnh mẽ như hiện nay, thời lượng học tập của sinh viên bằng hình thức trực tuyến trong tương lai sẽ gia tăng đáng kể.
Theo PGS.TS Nguyễn Tường Thụy - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, thực hiện những lớp trực tuyến nói thì đơn giản, nhưng để hoàn thiện một cách bài bản cần nhiều yếu tố cấu thành. Trước hết, nhà trường phải định hướng lại các nguồn lực và cả hoạt động thường xuyên của mình. Các trường phải trang bị công nghệ mới để bài giảng được gửi đồng thời cho sinh viên ngồi trong giảng đường cũng như sinh viên “ảo” trên toàn thế giới (nếu xây dựng bài giảng, kho học liệu mở). Ngoài ra, giảng viên cũng cần được đào tạo về cách dạy sao cho hiệu quả một lớp học hỗn hợp - vừa trong giảng đường vừa qua mạng. Đặc biệt, giảng viên phải được đào tạo cách soạn bài giảng kiểu mới để việc dạy và học hiệu quả hơn.
Điều kiện cần để số hóa việc học?
Tại Việt Nam, sự dịch chuyển trong phương thức học tập, giảng dạy cũng dần hiện rõ và đang thay thế cho phương thức học tập truyền thống bằng những bài giảng ứng dụng CNTT hay bài giảng bằng hình thức online. Trong 3 năm qua, khi ứng dụng CNTT được đẩy mạnh, số hóa bài giảng được triển khai, những mô hình học tập thông minh thông qua môi trường trực tuyến phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sinh viên chỉ cần đăng ký thành viên qua các thiết bị có kết nối mạng Internet là có thể học tập ở bất kỳ đâu, không cần phải lên lớp mỗi ngày, chờ đợi giảng viên, phải sắp xếp thời gian để di chuyển đến lớp học như trước kia.
Nhìn nhận giáo dục trực tuyến sẽ là xu thế chung của mọi quốc gia trong tương lai, PGS.TS Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) cho biết: So sánh việc học trực tuyến và trực tiếp ở cùng một môn học hoặc cùng một lĩnh vực cho thấy học trên môi trường trực tuyến giúp rút ngắn khoảng 40 - 60% thời gian hoàn thành toàn bộ kiến thức, tiết kiệm từ 50 - 70% chi phí. Chính vì thế, không ít những lớp học, khóa học trực tuyến được mở ra để giúp người học chủ động hơn.
Theo ông Phạm Tiến Thịnh – Giám đốc CNTT, Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng, học tập bằng hình thức trực tuyến hay online đều phải dựa vào sự ổn định của nền tảng hạ tầng công nghệ. Đặc biệt khi nhà nhà, người người gia tăng ứng dụng CNTT, học tập trên nền tảng Internet, hạ tầng công nghệ càng trở nên quan trọng.
“Chất lượng mạng truyền dẫn là thách thức lớn tại Việt Nam. Chúng ta chỉ mới thử nghiệm công nghệ truyền dữ liệu 5G, với cơ sở hạ tầng và tốc độ băng thông như hiện nay thì chưa đủ để đưa các giải pháp dạy và học online hiện đại nhất vào ứng dụng. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ sớm giải quyết được bài toán này khi Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực số hóa trong 5 năm tới” - ông Thịnh chia sẻ.