Trường có 4 thủ khoa lớp chuyên: Bí quyết “tạo nguồn” nhân tài

GD&TĐ - Tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua, 4 học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (thành phố Lào Cai) đã trở thành thủ khoa lớp chuyên, Trường THPT chuyên Lào Cai.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thăm và trò chuyện cùng học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, TP Lào Cai (Lào Cai). Ảnh: NTCC
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thăm và trò chuyện cùng học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, TP Lào Cai (Lào Cai). Ảnh: NTCC

Kết quả này không chỉ là nỗ lực của người học mà còn ghi nhận chất lượng giáo dục, công tác “tạo nguồn” chất lượng cao đúng hướng, hiệu quả.

“Mắt xích” quan trọng tạo nhân tài

Nói về thành tích đáng tự hào của học trò, cô Phạm Thị Khánh Hường - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết: Giáo viên, học sinh, phụ huynh đều phấn khởi nhưng chưa phải là thành tích cao nhất học sinh trường từng đạt được tại kỳ thi vào lớp 10 những năm qua. Có năm, 7 học sinh của trường trở thành thủ khoa các lớp chuyên Trường THPT chuyên Lào Cai…

Chia sẻ “bí quyết” tạo nguồn học sinh có thành tích, chất lượng cao, theo cô Phạm Thị Khánh Hường, trường được tổ chức thi tuyển đầu vào, giúp cho việc sàng lọc và tìm ra học sinh có năng lực học tập tốt.

Tuy nhiên, đầu vào tốt chưa đủ để tạo nên đầu ra chất lượng cao nếu trường không có đường lối, giải pháp giáo dục hiệu quả. Sau khi học sinh nhập học, trường tiếp tục phân loại theo nhóm có cùng năng khiếu, sở trường để bồi dưỡng. Bởi vậy, sau 4 năm học THCS, học sinh ngoài học tập cơ bản còn được phát triển năng lực đúng cách.

Em Lưu Huệ Minh. Ảnh: NTCC
Em Lưu Huệ Minh. Ảnh: NTCC

Mặt khác, trong quá trình ôn tập cho học sinh cuối cấp, trường luôn bố trí giáo viên có chuyên môn “cứng”, phù hợp từng nhóm học sinh. Thậm chí, dạy đội tuyển có thể cử 2 giáo viên cùng đảm trách. Mỗi giáo viên dạy một nhóm học sinh có sức tiếp thu, năng lực tương đồng. Cách bồi dưỡng ở mỗi nhóm cũng khác nhau để học sinh về đích đúng yêu cầu.

Đặc biệt, nhà trường luôn quán triệt tới từng giáo viên việc động viên khích lệ học sinh trong suốt quá trình học và ôn tập. Khi học sinh đạt kết quả cao ở kỳ thi tuyển sinh đầu cấp, trường có hình thức động viên khen thưởng kịp thời. Trong quá trình ôn tập, giáo viên cũng nêu những gương học sinh trong tỉnh đã đạt thành tích học tập tốt để tiếp thêm động lực, khát vọng học tập cho các em.

Em Nguyễn Diệp Anh. Ảnh: NTCC
Em Nguyễn Diệp Anh. Ảnh: NTCC

Trường có chế độ khen thưởng với giáo viên có học trò đạt thành tích cao trong các kỳ thi. Nhà trường cũng tạo điều kiện và tổ chức cho giáo viên tham quan, học tập những địa phương giáo dục phát triển (Hà Nội, TPHCM). Ngoài ra, trường tổ chức trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm giữa giáo viên của trường và trường khác. Trường cũng dành cơ sở vật chất tốt nhất phục vụ việc dạy học của giáo viên…

Theo cô Phạm Thị Khánh Hường, học sinh ngay từ khi vào trường được giáo dục tư tưởng học nghiêm túc, học thật thi thật, tuyệt đối không có tiêu cực trong thi cử và được hình thành khả năng tự học…

Với cách làm này, ngay cả khi dịch Covid-19 bùng phát khiến việc dạy và ôn tập cho học sinh lớp 9 chuyển sang hình thức trực tuyến nhưng gần như không ảnh hưởng tới kết quả thi vào 10. Tỉ lệ học sinh đỗ THPT đạt 100%, số học sinh đỗ vào trường THPT chuyên cao hơn năm trước…

Em Vũ Minh Hiếu. Ảnh: NTCC
Em Vũ Minh Hiếu. Ảnh: NTCC

Thổi đam mê, tự tin cùng kiến thức

Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc – giáo viên dạy trực tiếp học sinh Vũ Minh Hiếu – thủ khoa Toán chia sẻ: “Dạy học ở ngôi trường có bề dày thành tích giáo dục, có nhiều học sinh đoạt giải cấp thành phố, tỉnh, toàn quốc..., áp lực cũng chính là động lực để mỗi giáo viên đẩy mạnh tìm tòi sáng tạo, nghiên cứu… đáp ứng tốt nhất cho việc dạy học”.

Học sinh của cô Ngọc từng đoạt Huy chương Bạc môn Toán cuộc thi cấp quốc gia, Huy chương Vàng Toán quốc tế, giải Vàng toán Hà Nội mở rộng… Tuy nhiên khi Vũ Minh Hiếu trở thành thủ khoa lớp Toán, Trường THPT chuyên Lào Cai, cô Ngọc không giấu được niềm vui và tự hào.

Từ sự thành công trong dạy học đối với Vũ Minh Hiếu, cô Ngọc cho rằng, để học sinh nỗ lực, cố gắng trong học tập, giáo viên phải biết kích thích sự đam mê cho học trò. Mặt khác, giáo viên cần dạy học trò biết cách tự học để có thể học mọi lúc, chủ động trong việc tìm hiểu và nâng cao kiến thức.

Em Trần Vũ Hoàng. Ảnh: NTCC
Em Trần Vũ Hoàng. Ảnh: NTCC

Cô Triệu Kim Huệ - giáo viên trực tiếp bồi dưỡng học sinh Trần Vũ Hoàng – thủ khoa lớp Vật lý cũng bày tỏ: “Với học trò có quyết tâm, mong muốn thi vào trường chuyên, giáo viên cần sớm có định hướng và giúp các em có phương pháp học tập hiệu quả. Học sinh năm cuối cấp trong quá trình ôn tập thi vào 10, giáo viên môn chuyên cần phối hợp với đồng nghiệp môn học khác để nắm bắt và đôn đốc học sinh kịp thời...”.

Chia sẻ về việc dạy học ở trường có bề dày thành tích, học sinh có nền tảng tốt, theo cô Huệ, áp lực là điều khó tránh khỏi khi mới về trường. Song với trách nhiệm của người thầy không để học sinh bị tụt lùi kiến thức… GV luôn phải nâng cấp chính mình, đáp ứng yêu cầu công việc và dành nhiều thời gian tự học, trau dồi kiến thức…

Thầy Nguyễn Minh Thuận – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai chia sẻ: Trường THCS Lê Quý Đôn nằm trong số ít trường THCS tỉnh Lào Cai có tỉ lệ cao học sinh đỗ vào trường chuyên tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 hàng năm. Học sinh của trường đạt điểm đầu vào cao, nhiều em trở thành thủ khoa, bắt nhịp với học tập nhanh chóng và kết quả học tập tốt…

“Đầu vào lớp 10 có nền tảng tốt, việc đào tạo, nâng cao chất lượng, thành tích giáo dục của Trường THPT chuyên Lào Cai sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn. Mặt khác, dạy học sinh có nền tảng kiến thức cao cũng là động lực để giáo viên của trường không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ… đáp ứng yêu cầu dạy học...” – thầy Nguyễn Minh Thuận khẳng định. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.