Dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh; bà Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng - Phó chủ nhiệm UBDT Chính phủ; ông Giàng A Chu - Phó CT Hội đồng Dân tộc Quốc Hội; bà Hà Thị Nga – Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Hồ Đại Dũng, Phó CT UBND tỉnh Phú Thọ; lãnh đạo và đại diện các thế hệ thầy, trò nhà trường...
Phát huy truyền thống vẻ vang
Ngày 26/11/1975, Hội đồng Chính phủ đã quyết định thành lập Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương với nhiệm vụ: “Bổ túc nâng cao trình độ văn hoá cho những học sinh người dân tộc thiểu số đã dự thi Đại học nhưng chưa đủ điểm vào các trường Đại học. Trước tiên là những học sinh dân tộc thiểu số ít người ở các vùng cao, các vùng xa xôi hẻo lánh có đủ trình độ vào học tại các trường Đại học”. Đây là trường Dự bị Đại học Dân tộc đầu tiên trong cả nước thực hiện chính sách dân tộc của Đảng trong lĩnh vực giáo dục & đào tạo, là loại hình trường chuyên biệt làm nhiệm vụ tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ cao phục vụ sự nghiệp cách mạng ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Qua 45 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đào tạo được 45 khóa học và phân phối 21.611 học sinh người dân tộc thiểu số vào học các trường Đại học, Cao đẳng trong nước và nước ngoài. Trong đó có những học sinh thuộc dân tộc rất ít người như: Ngái, Lự, Mảng, Sila, Clao, La Chí, Lô Lô... và 97 học sinh là con liệt sỹ Campuchia. Nhiều thế hệ học sinh của trường đang giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao thành tích đạt được của nhà trường trong suốt 45 năm qua. Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh: Trong thời gian tới, nhà trường cần tiếp tục phát huy thành tích đạt được, tập trung thực hiện có chiều sâu một số nhiệm vụ quan trọng. Trong công tác tuyển sinh, hàng năm, nhà trường chủ động phân tích, đánh giá đúng thực trạng công tác để có giải pháp kịp thời tuyển đủ chỉ tiêu phân bổ của bộ GD&ĐT; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.
Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh, phải xem đây như là một nội dung cần được quan tâm sâu sắc trong chương trình giáo dục tại nhà trường. Tổ chức cho học sinh đăng ký nguyện vọng phân bổ, việc phân bổ phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định. Cán bộ nhà trường cần không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đa dạng hóa các phương thức đào tạo, khuyến khích cán bộ, giáo viên làm nghiên cứu sinh và nâng cao trình độ lý luận chính trị...
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương. Đây là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước ghi nhận sự đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường trong suốt 45 năm xây dựng và phát triển.
Thứ trưởng tin tưởng rằng, với thành tích đã đạt được trong thời gian qua, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương sẽ có những bước phát triển to lớn hơn nữa trong thời gian tới.
Hướng đến phát triển bền vững
Tại buổi lễ, NGƯT- TS. Lê Trọng Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường đã ôn lại quá trình phát triển của nhà trường trong 45 năm qua: "Ngày đầu mới thành lập, trường được giao tiếp quản cơ sở đang xây dựng cho trường học sinh miền Nam tại thôn Trung Hà, xã Phú Nhiêu, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Sau hai khóa đào tạo, tháng 8/1977 trường được chuyển về thành phố Việt Trì, tiếp quản cơ sở vật chất của trường Đại học công nghiệp nhẹ. Cơ sở này rộng rãi thuận tiện hơn về giao thông, nhưng còn rất nghèo nàn, nhà cửa chủ yếu là nhà cấp 4 và tất cả nhà ở của cán bộ viên chức là nhà tranh tre vách đất. Cùng với sự đổi thay của đất nước, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương đã vượt qua những khó khăn, thử thách, từng bước trưởng thành về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao".
Hiện, nhà trường có 109 cán bộ, giáo viên trong đó có 52 thạc sĩ, 3 GV Dự bị Đại học hạng I; 32 GV Dự bị Đại học hạng II, 4 tiến sỹ, nhiều đồng chí được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị cao cấp, trung cấp để đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ đổi mới trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài việc đào tạo hệ Dự bị Đại học Dân tộc theo chỉ tiêu của nhà nước, thể theo nhu cầu của các địa phương và nguyện vọng của các bậc phụ huynh học sinh ở các tỉnh miền núi, nhà trường còn tổ chức các lớp ôn tập chương trình Trung học phổ thông cho hàng nghìn học sinh dân tộc thiểu số chưa đủ điểm vào học hệ Dự bị đại học để các em tiếp tục dự thi tuyển vào các trường đại học. Việc làm này được các bậc phụ huynh và học sinh tin tưởng về chất lượng giảng dạy cũng như công tác quản lý.
Tiếp nối truyền thống và thành tích đã đạt được trong 45 năm qua, tập thể cán bộ viên chức và học sinh nhà trường quyết tâm phấn đấu xây dựng nhà trường ngày càng phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng. Xây dựng đội ngũ giáo viên có năng lực, tâm huyết; chú trọng giáo dục toàn diện cho học sinh, góp phần thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà theo tinh thần NQ 29 của BCHTW.
Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân của nhà trường vinh dự được nhận Bằng khen, Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT, UBDT Chính phủ, UBND tỉnh Phú Thọ và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Trong 10 năm gần đây, nhà trường đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba; 10 năm liên tục được công nhận là Đảng bộ TSVM và Hoàn thành tốt nhiệm vụ; Có năm đạt Đảng bộ TSVM tiêu biểu; 2 lần nhận được cờ thi đua của Thủ tướng; 6 lần được nhận cờ thi đua cấp Bộ; 11 lần nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng – Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh Phú Thọ, UBND tỉnh Yên Bái; 10 năm liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc.
Công Đoàn Trường 10 năm liền là CĐCS Vững mạnh xuất sắc; 3 lần được nhận cờ thi đua của Công đoàn GDVN; 1 lần nhận cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.