Đào tạo đại học hướng đến phân khúc chất lượng cao

GD&TĐ - Với vị thế là trường ĐH kỹ thuật duy nhất ở miền Trung và Tây Nguyên, trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ với mục tiêu hướng tới các tiêu chí trường ĐH định hướng nghiên cứu.

Phân tầng đào tạo

Ngoài chương trình đào tạo truyền thống, các chương trình hợp tác với ĐH nước ngoài triển khai trong hơn 10 năm qua đã mang lại những hình ảnh mới, hướng đào tạo mới cho trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. Chương trình tiên tiến (CTTT) ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông (được mở từ năm 2006), CTTT ngành Hệ thống nhúng (từ năm 2008) là các chương trình được thiết kế cơ bản dựa trên chương trình của đại học Washington và đại học Portland (Hoa kỳ) và được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, trong giai đoạn đầu phần lớn được giảng dạy bởi giáo sư nước ngoài.

Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp (từ năm 1999) là chương trình được thiết kế dựa trên các chương trình và có sự tư vấn của các giáo sư của các đại học Pháp. CTTT của Trường được Bộ GD&ĐT đánh giá là một trong những chương trình thành công nhất. Trong gần 10 năm xây dựng và phát triển, các chương trình này đã thực sự thu hút nhiều SV theo học. SV sau khi tốt nghiệp được doanh nghiệp đánh giá cao, được tuyển dụng vào các công ty lớn như Intel, E-Silicon Việt Nam. Các CTTT của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng được đánh giá là một trong những chương trình có hiệu quả cao, sức lan tỏa lớn trong Nhà trường.

SV trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng với mô hình Dạy học theo dự án (PBL)
SV trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng với mô hình Dạy học theo dự án (PBL)

Nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và nhu cầu học tập của người học, từ năm 2010, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Đến nay, nhà trường có 16 chương trình chất lượng cao với đầy đủ các chuyên ngành đào tạo. Việc đầu tư tập trung trong phân tầng đã giúp cải thiện điều kiện học tập, nâng cao chất lượng theo yêu cầu của xã hội.

Công tác xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo luôn được Nhà trường quan tâm, chú trọng. Chương trình đào tạo luôn luôn được cập nhật, cải tiến trong những năm 2010, 2012, 2015, 2017, 2018, đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tiến gần đến những chuẩn mực đào tạo của các nước tiên tiến, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Nhà trường đã triển khai tập huấn phát triển 16 chương trình đào tạo Chất lượng cao dựa trên phương pháp tiếp cận CDIO, định hướng KĐCL theo ABET và học tập qua dự án PBL. Trong năm học 2018-2019 Nhà trường đã triển khai thực hiện cải tiến 100% chương trình chất lượng cao theo định hướng học theo dự án (Project Based Learning - PBL), đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định quốc tế nhằm trang bị tốt kiến thức cơ bản, phát huy tính chủ động, sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề của người học và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Cú hích từ hợp tác quốc tế

Cùng với việc phân tầng đào tạo, HTQT được xem là công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng thành ĐH nghiên cứu.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Một số thỏa thuận hợp tác đã mang lại cho  trường các hợp đồng, đề tài nghiên cứu chung, tài trợ cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu, điển hình như hợp tác với Tập đoàn Thép JFE, Công ty TNHH Cộng đồng BIM Việt Nam, Công ty Cổ phần Điện tử UNITEC, Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ VINTECH, Tập đoàn Mikuniya, Công ty điện tử ASTI...”.

Nhóm SV trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng với dự án Áo khoác đa năng cho ngư dân đạt giải Nhất tại cuộc thi EPICS 2019
Nhóm SV trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng với dự án  Áo khoác đa năng cho ngư dân đạt giải Nhất tại cuộc thi EPICS 2019

Các hoạt động như đồng công bố quốc tế, thực hiện các đề tài nghiên cứu chung, đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh cũng không ngừng được đẩy mạnh là tiền đề để nâng cao số lượng công bố quốc tế của trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng trên các tạp chí có uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus. Nhiều chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu chung cũng đã được triển khai thực hiện với các đối tác quốc tế, điển hình như Chương trình trao đổi khoa học Sakura, dự án Erasmus + trong lĩnh vực môi trường, đề tài nghiên cứu về vật liệu thép xây dựng với Công ty JFE (Nhật Bản), các đề tài, dự án nghiên cứu với Công ty Hino Engineering., Inc, Honeywell-UOP (Hoa kỳ),  ASTI (Nhật bản), Mitsubishi Electric, triển khai chiến dịch Smart Campus với DNIIT và Đại học Nice, …

Hiệu quả của các hoạt động hợp tác quốc tế của nhà trường còn góp phần trong việc bảo đảm chất lượng, áp dụng CDIO (Conceive, Design, Implement, Operate - Hình thành ý tưởng, Thiết kế, Thực hiện, Vận hành), làm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế chương trình đào tạo, triển khai phương pháp đào tạo mới "Học qua dự án – Project Based Learning (BPL)" thông qua việc tổ chức có hiệu quả các chương trình trao đổi và bồi dưỡng cán bộ trong khuôn khổ chương trình HEEAP, ABET, Project based Learning, các hội thảo KPI và nhiều dự án hợp tác khác với các trường ĐH tại Nhật Bản, Pháp, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Thụy Điển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ