So với Luật Giáo dục ĐH 2012, quyền tự chủ đại học trong luật mới thể hiện rõ ràng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, các trường ĐH thực hiện tự chủ còn chịu sự chi phối và điều tiết của nhiều qui định pháp luật khác mà những nội dung này chưa có sự điều chỉnh để tương thích với Luật Giáo dục ĐH sửa đổi.
Chưa tương thích
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, phần lớn 23 trường tham gia thí điểm tự chủ giai đoạn 2015 - 2017 đều có bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Tự chủ ĐH là vấn đề nóng, được đề cập nhiều trong thời gian gần đây, thu hút sự quan tâm không chỉ riêng ngành Giáo dục mà còn nhiều giới, ngành trong xã hội.
Bên cạnh Luật Giáo dục ĐH (2018), Chính phủ cũng ban hành Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục ĐH sửa đổi bổ sung. Tại điều 13 của Nghị định này đã cụ thể hóa quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học về học thuật và các hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy nhân sự, tài chính và tài sản.
Tuy nhiên, dù được luật hóa nhưng quá trình triển khai thực hiện tự chủ ĐH vẫn còn một số vướng mắc. Bởi, không chỉ thực hiện theo Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) mà tự chủ ĐH còn chịu sự chi phối của các luật khác như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Công chức – Viên chức, Luật Đấu thầu… Do đó, khi thực hiện Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) cũng phải rà soát, sửa đổi các luật trên và các quy định dưới luật cho đồng bộ.
TS Hoàng Đức Long - Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing (UFM, trường công lập tự chủ trực thuộc Bộ Tài chính) cho rằng: Luật Giáo dục ĐH sửa đổi đã cởi trói cho việc tự chủ ĐH. Trong thực tế, được giao tự chủ từ năm 2016, gồm chi thường xuyên và chi đầu tư, trường hiện có hơn 650 cán bộ, giảng viên, nhân viên… đều thống nhất cao tiếp tục xin tự chủ toàn phần trong công tác tự chủ đại học.
“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tự chủ ĐH vẫn có tình trạng chồng chéo của các luật, nhiều nút thắt được mở nhưng lại gặp vấn đề. Ví dụ theo quy định, trường tự chủ được hạch toán, kế toán như doanh nghiệp… Thế nhưng, khi cử 100 SV đi thực tập tại các cơ sở, chi phí mỗi SV 1 triệu đồng, theo quy định từ 100 triệu trở lên phải đấu thấu mà như vậy rất mất thời gian” - TS Hoàng Đức Long chia sẻ.
Tương tự, PGS.TS Vũ Văn Nhiêm - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Luật TPHCM nêu quan điểm: Luật số 34 không phải là văn bản quy phạm pháp luật duy nhất cơ sở giáo dục phải tuân thủ. Các trường còn chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật tương ứng với lĩnh vực đó. Trong khi đó, các quy định pháp luật này hiện có sự không đồng bộ, nhất quán. Vấn đề tài chính và tài sản là đối tượng điều chỉnh chủ yếu của các luật về tài chính, đầu tư công, kiểm toán, kế toán…
Chủ trương canh tân lớn
Theo GS Trần Hồng Quân (nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, tự chủ đại học đối với các nước khác là điều thường thấy nhưng với chúng ta lại chưa quen. Thậm chí, khi đã trở thành chủ trương lớn, đã đưa vào luật mà vẫn không dễ thực hiện vì còn vướng tư duy và ràng buộc pháp lý do nhiều luật lệ chưa sửa đổi đồng bộ.
“Thời gian qua, tuy đạt nhiều thành tựu nhưng không dừng lại ở đó được, giáo dục đại học buộc phải vươn lên. Muốn vậy phải có động lực tự thân và nguồn lực mới. Tự chủ đặt cho các trường vị trí tự lập, tự vươn lên, không thể ỷ lại vào ngân sách Nhà nước. Nếu cứ ỷ lại, các trường phải chịu sự nghèo nàn thường xuyên” - GS Trần Hồng Quân chia sẻ.
Đồng thời, GS Trần Hồng Quân cũng nhấn mạnh: Tự chủ đại học là chủ trương canh tân lớn về quản lý trên cơ sở đặt niềm tin và giao trọng trách cho cấp dưới; tháo gỡ ràng buộc trong quản lý; giao quyền tự quyết cho các trường; tạo không gian tự do sáng tạo trong hoạt động học thuật và điều hành nhà trường. Đó là một bước dân chủ hóa giáo dục đại học.
Ở góc độ quản lý Nhà nước về giáo dục, PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trao đổi: So với nhiều trường đại học trên thế giới, tự chủ đại học ở Việt Nam không hề thua kém, đặc biệt là tự chủ học thuật và tổ chức bộ máy theo quy định của Luật số 34.
“Bản chất của tự chủ chính là làm gì để tốt nhất. Tự chủ sẽ giải quyết bài toán tối ưu, trong đó có việc đưa ra quyết định nhanh nhất. Tự chủ không phải tự trị, cũng không phải tự lo. Tự chủ mở ra những chính sách thông thoáng, song cũng cần đồng bộ. Muốn thực hiện tự chủ đại học, các trường cần xây dựng hệ thống quản trị nội bộ tốt, phải có mô hình quản trị, trong trường đại học phải phân cấp, nhằm phát huy thế mạnh của từng đơn vị, từng người trong trường” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.