Trường chất lượng cao dành cho ai?

GD&TĐ - Hà Nội hiện có hơn 20 trường theo mô hình chất lượng cao. Dù bước đầu đem lại hiệu quả nhất định nhưng còn không ít ý kiến băn khoăn về mô hình này.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Công bằng trong giáo dục là vấn đề được nhiều người quan tâm và đặt câu hỏi có nên phát triển, nhân rộng hay không?

Từ khi Luật Thủ đô có hiệu lực (1/7/2013) đã tạo cơ chế cho mô hình trường chất lượng hình thành và phát triển. Theo đó, học sinh được học trong các ngôi trường khang trang, ngang tầm khu vực. Song, đây là mô hình mới, hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính và tự bảo đảm các hoạt động.

Theo cơ chế này, các trường chất lượng cao được thu phí cao hơn so với trường công lập khác. Từ đây, vấn đề công bằng trong giáo dục được đặt ra khi trẻ em nghèo, yếu thế khó có cơ hội tiếp cận với môi trường “chất lượng cao”.

Thứ nữa, cái khó của mô hình này là phải tự cân đối thu chi, trong khi các trường đã quen với cơ chế bao cấp, cán bộ quản lý, giáo viên chỉ tập trung cho chuyên môn. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục Hà Nội cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong xây dựng và đồng bộ hệ thống trường chất lượng cao. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng các tiêu chí và hành lang pháp lý đồng nhất, phù hợp với Luật Giáo dục năm 2019.

Luật Giáo dục năm 2019 chưa cho phép xây dựng và phát triển mô hình trường công lập chất lượng cao trong hệ thống giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, Luật Thủ đô là hành lang pháp lý cho việc triển khai mô hình này ở Hà Nội. Cụ thể, Điều 12 của Luật Thủ đô quy định, xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục.

Luật Thủ đô đang được lấy ý kiến rộng rãi để sửa đổi, bổ sung một số điều. Theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cơ sở giáo dục chất lượng cao là cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia theo quy định của pháp luật về giáo dục và đạt các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, chương trình, phương pháp giảng dạy, dịch vụ giáo dục chất lượng cao theo quy định của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, khái niệm này mới đề cập đến tiêu chí đầu vào, chưa nêu rõ yêu cầu về chất lượng đầu ra.

Thiết nghĩ, để mô hình trường chất lượng cao phát triển toàn diện, đáp ứng kỳ vọng của người dân, Hà Nội cần xây dựng cơ chế quản lý tài chính, chuẩn đầu ra của học sinh, chương trình đào tạo… bảo đảm mục tiêu giáo dục và tuân thủ pháp luật về giáo dục; đồng thời phù hợp với tính chất đặc thù trong chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô.

Không phủ nhận, việc xây dựng, điều chỉnh các cơ chế, chính sách cho phát triển mô hình trường chất lượng cao là yêu cầu bức thiết, phù hợp thực tiễn của Hà Nội, song cần đánh giá tác động của mô hình này trước khi phát triển, nhân rộng. Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Với cơ chế đặc thù khi đầu tư xây dựng trường chất lượng cao, cùng mức học phí cao, nếu không thận trọng, có thể dẫn đến phân tầng giáo dục, vô hình trung phá vỡ các quan điểm, nguyên tắc chung về công bằng xã hội trong giáo dục là: Bảo đảm sự tiếp cận bình đẳng về cơ hội học tập cho mọi người dân. Vì thế, Ban soạn thảo cần đúc kết kinh nghiệm thực tiễn để bổ sung vào luật. Qua đó, nhằm phát huy tối đa giá trị mô hình này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.