Một số trường CLC bước đầu xây dựng được thương hiệu
Luật Thủ đô được thông qua trở thành căn cứ pháp lý chính thức cho việc triển khai mô hình trường CLC tại Thủ đô. Ông Chử Xuân Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết, các trường CLC đầu tiên được công nhận là một mô hình trường học hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh trong bối cảnh hội nhập.
Sau một thời gian triển khai, mô hình này bước đầu đã được nhân rộng, nhận được sự ủng hộ của cộng đồng xã hội, sự tin tưởng của phụ huynh học sinh và đang từng bước khẳng định tính hiệu quả của mô hình.
Đánh giá việc triển khai mô hình này, ông Dũng cho rằng, các trường CLC đã đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định tại Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên, chương trình, phương pháp giảng dạy, dịch vụ giáo dục CLC.
Các trường được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đạt tiêu chí về cơ sở vật chất theo quy định, trang thiết bị đồ dùng dạy và học được phát huy hiệu quả... đã đáp ứng một phần nhu cầu học tập và hoạt động chăm sóc, giáo dục học sinh.
Từ sự thay đổi về cơ sở vật chất, các trường đã có điều kiện áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến giúp việc nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.
Các trường CLC đều phải xây dựng chương trình giáo dục nhà trường được Sở GD&ĐT thẩm định và phê duyệt, thể hiện sự vượt trội về nội dung giảng dạy, đáp ứng được nhu cầu của một phân khúc đối tượng học sinh.
Khai giảng lớp song ngữ đầu tiên tại trường THPT Chu Văn An |
Thêm vào đó chính là sự chuyển biến trong chất lượng đội ngũ giáo viên. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường cơ bản đủ về số lượng, tâm huyết với nghề nghiệp. Tỷ lệ giáo viên có trình độ chuyên môn đạt trên chuẩn cao, không ngừng nỗ lực vươn lên, tự học, nâng cao trình độ quản lý, trình độ chuyên môn, trình độ công nghệ thông tin; phương pháp giảng dạy luôn được đổi mới.
Uy tín của nhà trường từng bước được khẳng định. Đội ngũ giáo viên của trường được trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp giáo dục nên đã vững vàng, chủ động và linh hoạt hơn trong việc triển khai các hoạt động giảng dạy. Vì vậy, chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng cao.
Cũng theo ông Chử Xuân Dũng, ở mô hình trường CLC, số học sinh trên lớp giảm, học sinh được chăm sóc, giáo dục, thụ hưởng các dịch vụ giáo dục CLC phụ huynh đăng ký, được chăm sóc giáo dục trong môi trường có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm khám phá, tham quan, dã ngoại, rèn kỹ năng hoạt động nhóm, kỹ năng sống, phát triển tính độc lập, tích cực, sáng tạo.
Học tại trường CLC, học sinh được tiếp nhận phương pháp dạy và học tiên tiến, tự chủ trong phương pháp học, biết khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin, linh hoạt và sáng tạo trong tự học; học sinh được tiếp cận với thực tế và học tập theo chuyên đề, được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thực hành; được học ngoại ngữ với giáo viên bản ngữ nên học sinh tự tin, năng động trong giao tiếp với người nước ngoài; được lựa chọn tham gia câu lạc bộ phù hợp với sở thích và năng lực bản thân đáp ứng nhu cầu giáo dục toàn diện.
Đến nay, một số trường CLC bước đầu đã xây dựng được thương hiệu cho nhà trường thông qua chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất hiện đại, phương pháp giảng dạy tiên tiến và được phụ huynh học sinh tin tưởng, ủng hộ. Chính điều này đã tạo sự khác biệt giữa mô hình trường CLC và mô hình các trường công lập đại trà.
Thế hệ tương lai |
Rất khó phát triển mô hình CLC ở ngoại thành
Chia sẻ khó khăn trong quá trình hoạt động của trường CLC, điều ông Chử Xuân Dũng nhắc đến đầu tiên là tâm lý phụ huynh vẫn quen được Nhà nước bao cấp, với mức thu học phí cao hơn so với các cơ sở giáo dục công lập đại trà, các nhà trường cần có thời gian để khẳng định chất lượng giáo dục, uy tín của nhà trường với phụ huynh học sinh.
Mặc dù đã được ngân sách Nhà nước kéo dài thời gian hỗ trợ 3 năm đầu kể từ khi được công nhận và sau 3 năm phải tự chủ chi thường xuyên. Tuy nhiên, với khoảng thời gian 3 năm, nhiều trường vẫn chưa đủ thời gian để khẳng định chất lượng giáo dục, thương hiệu của trường để phụ huynh tin tưởng đóng mức học phí cao.
Thêm vào đó, tâm lý của cha mẹ học sinh vẫn quen được sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khi cho con theo học tại các trường công lập. Vì vậy, mức học phí tăng nhanh sẽ khó khăn cho các trường trong công tác tuyển sinh (theo quy định tại Nghị quyết 14 mức trần học phí CLC năm học 2017 - 2018 của cấp học mầm non, tiểu học là 4.300.000 đồng/hs/tháng; THCS, THPT là 4.500.000 đồng/HS/tháng).
Cũng theo ông Dũng, công tác tự chủ tài chính chưa đi đôi với tự chủ về tổ chức bộ máy, công tác tuyển dụng và chấm dứt hợp đồng lao động, nên hiệu quả của công tác quản lý còn chưa cao, chưa phát huy hết năng lực làm việc của từng cá nhân, dẫn đến chi phí hoạt động bộ máy cao nhưng hiệu quả hoạt động và thu nhập của người lao động chưa cao.
“Với cơ chế tài chính hiện nay, mô hình trường CLC rất khó phát triển ở những huyện ngoại thành nơi điều kiện thu nhập của người dân còn thấp, tạo sự chênh lệch giữa các vùng trên địa bàn Thủ đô. Hiện nay, Hà Nội chưa có trường CLC ở khu vực ngoại thành.
Tuy nhiên, từ những hiệu quả thực tế, cho thấy tính ưu việt của mô hình CLC đã đáp ứng được một phân khúc trong nhu cầu của phụ huynh, của học sinh hiện nay; sự chuyển biến năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý; sự chuyển biến tích cực, sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh trong các giờ học chính khóa và ngoài giờ; chất lượng dịch vụ và chất lượng dạy học được quản lý chặt chẽ, tính dân chủ, minh bạch trong công tác quản lý được nâng cao.
Xây dựng mô hình trường CLC là hướng đi đúng trong thời kỳ hội nhập, tạo tiền đề giúp ngành Giáo dục Thủ đô dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục” - ông Chử Xuân Dũng khẳng định.