Trường Cao đẳng nghề số 4 (Nghệ An): Nam sinh mất tay trong giờ học nghề

GD&TĐ - Trong giờ thực hành tại Trường Cao đẳng nghề số 4 (Nghệ An), em Trần Đức Nhân (16 tuổi) bị máy tiện quấn đứt lìa cánh tay phải.

Trường Cao đẳng nghề số 4 (Nghệ An).
Trường Cao đẳng nghề số 4 (Nghệ An).

Trường kết luận: “Lỗi chính ở đây đó là học viên không tuân thủ nội quy, vi phạm quy tắc an toàn trong học tập”. Đức Nhân đã cố gắng quay lại trường, không muốn thành người tàn phế. Còn gia đình, vẫn đang tiếp tục chờ sự “đền bù thỏa đáng”.

Bị cuốn lìa cánh tay trong giờ thực hành

Đầu tháng 12, em Trần Đức Nhân (16 tuổi, TP Vinh, Nghệ An), đã quay trở lại Trường Cao đẳng nghề số 4 – Bộ Quốc phòng để tiếp tục học văn hóa. Chị Nguyễn Thị Thắm (SN 1982) - mẹ Nhân chia sẻ: “Tôi cho cháu đi học để gặp bạn bè, giải tỏa tâm lý. Sau tai nạn, cháu đã bị mất cánh tay phải, nếu ở nhà không tiếp xúc với ai dễ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, buồn chán”.

Nhớ lại sự việc cách đây 6 tháng, Trần Đức Nhân kể: Chiều 25/6, giờ thực hành Tiện ren tam giác ngoài – Modul môn học tiện nâng cao, lớp em có 8 học sinh tham gia. Nhân và bạn Trần Thành Trai được phân thành một kíp thực hành.

Thời điểm này, cô Nguyễn Thị Huyền Trang (GV phụ trách lớp) đưa 1 đoạn sắt dài yêu cầu cắt phôi để học thực hành tiện ren. Do máy cắt phôi hỏng nên các học sinh được cô giáo hướng dẫn cắt phôi trên máy tiện số 2 của phòng học thực hành. “Em thấy thanh sắt thừa ra ngoài trục, trên máy tiện có biển cảnh báo và hỏi cô giáo. Tuy nhiên cô nói không sao và cho chúng em tiếp tục thực hành”, Nhân cho hay.

Sau khi hoàn thành phần cắt phôi của mình tại máy tiện số 2, Nhân bàn giao máy lại cho bạn cùng kíp. Lúc đi qua phía họng trục chính, thấy phần phôi bị thừa ra ngoài khoảng 30cm, em cảnh báo bạn nguy hiểm. Sau đó em mang theo 2 phôi của mình đã cắt xong đưa cho nhóm khác tiện mặt đầu, rồi trở về vị trí ngồi học lý thuyết.

Trong lúc di chuyển, do lối đi hẹp, áo Nhân bị cuốn vào phôi thừa của máy tiện số 2. Lực quay của máy quá nhanh khiến cánh tay phải của Nhân bị đứt lìa tại chỗ, tay trái bị biến dạng và bị thương ở phần cổ, đầu, lưng... Thời điểm xảy ra tai nạn, cô giáo không ở trong lớp. “Lúc đó em vẫn tỉnh táo, sự việc diễn ra quá nhanh, em hét lên để bạn tắt máy nhưng không kịp. Sau đó các bạn đi tìm cô giáo để báo tin rồi đưa em đến bệnh viện”, Nhân cho biết.

Theo nam sinh này, lối đi hẹp nhưng hằng ngày em và các bạn vẫn thường xuyên đi lại sang những máy khác. Cô cũng không nhắc nhở và trong phòng học cũng không có biển báo cấm hay hạn chế đi lại vào lối đó.

Nhìn con trai đang khỏe mạnh, bình thường nay trở thành người tàn tật, chị Nguyễn Thị Thắm đau xót: “Hôm đó tôi nhận điện thoại của nhà trường, báo con bị tai nạn tại xưởng chứ không nói rõ cụ thể. Khi đến bệnh viện thì thấy con đã vào phòng phẫu thuật. Ai ngờ được cháu bị cắt đứt cánh tay phải, sau đó cũng không nối được. Tay trái bị bó cơ, không thể cầm được những vật nặng, cử động cũng rất khó khăn”.

Hiện Trần Đức Nhân đã quay lại học văn hóa ở trường 3 tuần. Tuy nhiên, em khó khăn khi viết bài và theo kịp kiến thức sau hơn 5 tháng nghỉ học nằm. Việc ngồi học trên lớp cũng phải cố gắng do vết thương vẫn gây đau nhức, đặc biệt là khi thời tiết giá lạnh.

Lỗi chính do học sinh?

Theo hồ sơ điều tra sự việc của Trường Cao đẳng nghề số 4, ngày 25/6, lớp Cắt gọt kim loại K8 (Khoa Cơ khí) có 8 học sinh thực hành “tiện ren tam giác và chuẩn bị phôi”. Khi xảy ra tai nạn, cán bộ nhà trường đã có mặt, bảo quản cánh tay bị đứt lìa của em Trần Đức Nhân, theo xe cấp cứu đưa nam sinh tới Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Sau đó, nam sinh được chuyển ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, do vết thương phức tạp, Nhân có bệnh nền kháng thuốc kháng sinh, nên việc phẫu thuật để ghép lại cánh tay không thực hiện được.

Nguyên nhân tai nạn có lỗi từ phía giáo viên đứng lớp là cô Nguyễn Thị Huyền Trang. Giáo viên này đã không kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành nội quy an toàn lao động của xưởng thực hành trong thời gian giảng dạy. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, cô không có mặt tại hiện trường. Nhà trường đã quy trách nhiệm, kỷ luật cô Trang với hình thức cảnh cáo. Trưởng khoa cũng bị xử lý khiển trách vì liên đới trách nhiệm.

Tuy nhiên, “việc giáo viên không có mặt không phải nguyên nhân chính của vụ tai nạn. Lỗi chính ở đây đó là học viên không tuân thủ nội quy, vi phạm quy tắc an toàn trong học tập”, biên bản kết luận điều tra sự việc của nhà trường khẳng định.

Theo phân tích của nhà trường, trước khi vào học thực hành, các học viên phải học môn an toàn lao động. Trong quá trình thực hành không được đi lại và đứng xung quanh vị trí máy tiện. Không được tự ý rời khỏi vị trí học tập đã được quy định… Thời điểm xảy ra tai nạn, Nhân đã hoàn thành phần thực hành của mình, theo quy định phải trở về chỗ ngồi chờ đợi. Nhưng em này đã tự ý đi lại vị trí máy tiện đang vận hành - là vi phạm quy tắc an toàn.

Trong khi đó, gia đình lại cho rằng, xảy ra vụ tai nạn như vậy “lỗi hoàn toàn là của nhà trường, tắc trách trong đào tạo”. Sự việc xảy ra khi Nhân là học sinh chứ không phải là lao động đã có kỹ năng đứng máy. “Nếu máy thực hành hỏng thì sửa chữa hoặc thay thế máy khác. Nhưng trường lại để học sinh phải cắt phôi trên máy tiện không đúng với quy định. Con tôi mới 16 tuổi, vừa học xong lớp 9, chỉ là đứa trẻ đang học nghề, cần có người giám sát, quản lý, cảnh báo các mối nguy hiểm. Việc cô giáo bỏ bê lớp học ra ngoài là sai nguyên tắc an toàn lao động”, anh Trần Đức Mậu – bố Nhân nói.

Mong sự đền bù thỏa đáng

Sau vụ tai nạn, gia đình làm đơn đề xuất hỗ trợ và được Trường Cao đẳng nghề số 4 chi trả toàn bộ phí điều trị hơn 124 triệu đồng. Ngoài ra, trường cũng hỗ trợ gia đình 60 triệu đồng tiền chăm sóc, đi lại. Tuy nhiên, khi gia đình nam sinh tiếp tục đề xuất việc điều trị đứt cơ ở cánh tay trái và làm cánh tay giả cho Nhân thì chưa được đồng ý. Trong các cuộc làm việc với gia đình, phía nhà trường cho rằng, vụ tai nạn xảy ra trong xưởng thực hành, nên mức bồi thường áp dụng theo Luật An toàn vệ sinh lao động và Nghị định số 39/2016/NĐ-CP.

“Theo nghị định này, mức bồi thường là 13 tháng lương cơ bản. Trong khi đó, con chúng tôi vừa bước qua tuổi 16, đã mất khả năng lao động để kiếm sống trong suốt cuộc đời còn lại... Ước mơ, hi vọng bỗng dưng vụt tắt. Mức đền bù như vậy không thỏa đáng với thiệt hại, mất mát, nỗi đau cả thể chất lẫn tinh thần của con chúng tôi”, chị Nguyễn Thị Thắm nói.

Chị Thắm chia sẻ thêm, năm lớp 9, Nhân thuộc nhóm học sinh phân luồng của Trường THCS Hưng Bình (TP Vinh). Bản thân cháu thích nghề cơ khí, nên xin bố mẹ theo con đường học nghề, dù chị có hướng cháu đến các trường THPT ngoài công lập. Chị đã chở cháu đến nhiều trường nghề trên địa bàn tìm hiểu thông tin, sau đó quyết định chọn Trường Cao đẳng nghề số 4. Gia đình tin tưởng đây là ngôi trường của quân đội, con theo học tại đây ngoài kỹ năng nghề, còn được rèn luyện tác phong làm việc, tính kỷ luật.

“Cháu còn nói với mẹ dự định sau khi học xong sẽ đi xuất khẩu lao động. Cháu muốn kiếm tiền phụ giúp bố mẹ, tích lũy vốn rồi sau này có thể quay về nước mở xưởng riêng. Nhưng bây giờ, tất cả những dự định đó của con tôi đều không thể nào thực hiện được nữa”, mẹ nam sinh 16 tuổi xót xa.

Đến thời điểm này, giữa nhà trường và đại diện gia đình đã 3 lần họp để thống nhất giải pháp khắc phục. Biên bản cuộc họp gần đây nhất vào ngày 5/11, phía nhà trường cũng cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Nhân có thể học tập cho tương lai. Tuy nhiên, do chưa tìm được tiếng nói chung về việc hỗ trợ tiền 1 lần sau khi có kết quả giám định của Hội đồng y khoa nên việc giải quyết vẫn chưa hoàn thành.     

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ