Quy định xa rời thực tế
Là người ở phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa), cách đây hơn 13 năm, cô giáo Đoàn Thị Hạnh, Trường THCS Pù Nhi (Mường Lát) xung phong lên công tác tại vùng biên giới này. Khi lên Mường Lát nhận công tác, cô Hạnh đinh ninh rằng, hết thời gian đi “nghĩa vụ” (3 năm với nữ và 5 năm đối với nam) sẽ được trở về quê nhà để tiếp tục cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp giáo dục.
Thế nhưng, từ năm 2009 đến nay, cô Hạnh đã nhiều lần xin chuyển công tác về đồng bằng, nhưng đều nhận được câu trả lời “không có chỉ tiêu”. Đã có lúc, cô giáo Hạnh nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, nhưng rồi lòng yêu nghề, tình thương và trách nhiệm với lũ học trò đã khiến cô quyết định ở lại.
Cô giáo Đoàn Thị Hạnh chỉ là một trong hàng trăm, hàng nghìn GV ở Thanh Hóa rơi vào hoàn cảnh “đi dễ khó về”, khi họ tình nguyện lên vùng khó khăn theo chế độ, chính sách của Nghị định 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
Mặc dù theo quy định trong Nghị định 61/2006/NĐ-CP là vậy, nhưng ở Thanh Hóa, hàng trăm, hàng nghìn GV từ dưới xuôi lên vùng núi công tác, khi hết thời gian “nghĩa vụ”, muốn trở về xuôi là một điều vô cùng khó khăn.
Một điều không thể phủ nhận Nghị định 61/2006/NĐ-CP ra đời, là chủ trương lớn được triển khai rộng khắp cả nước. Bởi lẽ, Nghị định 61/2006/NĐ-CP đã tạo ra chính sách và chế độ ưu việt dành cho các nhà giáo từ miền xuôi lên công tác ở vùng khó khăn. Điều 9 Nghị định 61/2006/NĐ-CP, quy định: Thời hạn luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam.
Hết thời hạn công tác nói trên, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền sắp xếp luân chuyển công tác trở về nơi ở và làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hoặc tạo điều kiện để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục liên hệ chuyển công tác, giải quyết thuyên chuyển theo nguyện vọng.
|
Giáo viên tự “bơi” trong các quy định
Một năm sau khi Nghị định 61/2006/NĐ-CP ra đời, ngày 2/3/2007, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 685/2007/QĐ-UBND, về việc quy định phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức. Quyết định này đã trao quyền chủ động cho các huyện trong công tác quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức tại địa phương. Điều này dẫn đến tình trạng các địa phương miền xuôi tuyển dụng GV một cách “vô tội vạ”. Chỉ tính riêng giai đoạn 2008 - 2011, 15 huyện, thị xã đã tuyển dụng tới 1.494 biên chế giáo dục.
Để xử lý tình trạng trên, ngày 8/11/2011, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Quyết định 3678/2011/QĐ-UBND, quy định về điều động, thuyên chuyển, tiếp nhận và tuyển dụng cán bộ, GV, nhân viên hành chính trong các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập. Quyết định 3678 ra đời với mục đích thắt chặt hơn việc điều động, tuyển dụng GV trên địa bàn tỉnh, nhằm giải quyết tình trạng GV dôi dư. Do đó, hi vọng xin chuyển về xuôi của những GV “cắm bản” lâu năm lại trở thành... vô vọng.
Bởi, theo quyết định này, chủ tịch UBND huyện chủ động tiếp nhận cán bộ, GV đối với những bộ môn còn thiếu nhưng phải trong chỉ tiêu biên chế được giao; Không tiếp nhận GV thuộc bộ môn mà huyện đã đủ hoặc còn dôi dư. Chủ tịch UBND huyện có trách nhiệm tiếp nhận cán bộ, GV theo quyết định điều động của chủ tịch UBND tỉnh để bố trí cho các trường trong huyện, bảo đảm phù hợp với cơ cấu bộ môn và hoàn cảnh cụ thể từ nơi cư trú đến nơi làm việc của GV...
Đến năm 2016, UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành Văn bản số 9656/UBND-VX ngày 26/8/2016, về việc sắp xếp, bố trí, điều động cán bộ quản lý, GV, nhân viên hành chính các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập, nhằm triển khai hiệu quả hơn Quyết định 3678/2011/QĐ-UBND. Đồng thời, văn bản này cũng đã mở ra một “lối về xuôi” cho nhiều GV cắm bản. Và, thực tế tại các huyện Mường Lát, Quan Hoá, Quan Sơn... cho thấy, việc trở về của GV đã trở nên thuận lợi hơn.
Thế nhưng, do phân cấp nên ngành GD-ĐT không có quyền quản lý trực tiếp nhân lực, bao gồm quyền lập kế hoạch nhân lực cho toàn ngành, cho từng cấp học, ngành học, trường học sao cho phù hợp với cơ cấu chủng loại bộ môn (tức là không được quyền quản lý nhân sự, mà chỉ quản lý chuyên môn). Vì vậy, ngành Giáo dục cũng không thể giải quyết chế độ cho những giáo viên miền xuôi công tác lâu năm ở vùng đặc biệt khó khăn có nguyện vọng trở về.