Cần giải quyết vướng mắc khi triển khai chính sách với nhà giáo vùng khó

GD&TĐ - Các chính sách hỗ trợ thiết thực như phụ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp công tác lâu năm, trợ cấp lần đầu... đã góp phần giảm bớt những khó khăn về vật chất, cải thiện cuộc sống với nhà giáo công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, thực tế triển khai những chính sách này đã nảy sinh một số hạn chế, vướng mắc, kể cả trong văn bản và việc triển khai thực hiện.

Những khó khăn này được ông Trần Kim Tự - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) - chia sẻ tại hội nghị tổng kết các Nghị định của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn diễn ra hôm nay (7/8). Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa là một trong 4 người chủ trì hội nghị này, cùng đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Y tế và Hội đồng dân tộc.

Chính sách nhân văn giúp thu hút nhà giáo về vùng khó

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị định số 116/2010/NĐ-CP; Nghị định số 61/2006/NĐ-CP và Nghị định số 19/2013/NĐ-CP của Bộ GD&ĐT khẳng định: Với những nỗ lực trong ban hành, triển khai thực hiện các chính sách nêu trên cùng với một số chính sách phát triển KT-XH khác đã thu được những thành quả quan trọng, góp phần thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong đó, giáo dục mầm non, phổ thông có vị trí và vai trò đặc biệt, việc cung cấp nền tảng kiến thức phổ thông cho thanh thiếu niên đã có bước tiến vượt bậc, GD&ĐT vùng khó khăn không ngừng phát triển quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả GD&ĐT đảm bảo phục vụ phát triển các chương trình kinh tế-xã hội ở vùng này.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà giáo, CBQL giáo dục công tác ở những vùng đặc biệt khó khăn là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm động viên, thu hút và tạo điều kiện cho nhà giáo và CBQL giáo dục đến công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên kéo dài trong nhiều năm trước đây, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong điều động, luân chuyển và bố trí giáo viên của những vùng này.

Các chế độ ưu đãi được chi trả kịp thời nên đã động viên khuyến khích các nhà giáo yên tâm công tác lâu dài, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nghị định số 61/2006/NĐ-CP đã khắc phục được những hạn chế của Nghị định số 35/2001/NĐ- CP về chính sách đối với nhà giáo và CBQL giáo dục công tác ở KT-XH đặc biệt khó khăn khi quy định chỉ có đối tượng được cấp có thẩm quyền điều động từ nơi không thuộc vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn đến công tác tại các cơ sở GD&ĐT thuộc vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn;

Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ban hành đã kịp thời bổ sung, góp phần khắc phục những hạn chế về chế độ, chính sách đối với các trường chuyên biệt ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, chính sách đối với nhà giáo ở vùng bãi ngang.

Ông Trần Kim Tự - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục phát biểu tại hội nghị
Ông Trần Kim Tự - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục phát biểu tại hội nghị 

Những khó khăn, vướng mắc khi triển khai

Chia sẻ những hạn chế, khó khăn vướng mắc khi triển khai các chính sách quy định tại các Nghị định 116, Nghị định 61 và Nghị định 19, ông Trần Kim Tự cho biết: Hiện tiêu chí xã, thôn vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn có sự khác biệt với tiêu chí xã bãi ngang nhưng hưởng cùng một chế độ, chính sách.

Bên cạnh đó, về địa bàn áp dụng (xã, thôn) có sự thay đổi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (với xã), theo Quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc (đối với thôn) hoặc chưa rõ ràng.

Nghị định số 116/2010/NĐ-CP quy định đối tượng thụ hưởng bao trùm lên rất nhiều đối tượng đã được quy định bởi một số chính sách trước đó, nhưng không bãi bỏ hoặc có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm sự thống nhất như. Điều này dẫn đến việc chi trả ở các địa phương không thống nhất, có nơi bị trùng lắp, mức hưởng cao.

Theo phản ánh của một số địa phương, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên và người lao động trong ngành Giáo dục đã được thực hiện, tuy nhiên đến nay, việc chi trả kinh phí một số lĩnh vực quy định tại Nghị định vẫn chưa được thực hiện đầy đủ do nguôn ngân sách Nhà nước chưa cấp về địa phương, chậm trễ do thực hiện thủ tục.

Khi triển khai thực hiện, một số địa phương còn lúng túng trong thực hiện chính sách theo Nghị định số 116/2013/NĐ-CP. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo được điều động, tăng cường, luân chuyển từ vùng có điều kiện thuận lợi lên công tác tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn còn gặp một số vướng mắc nhất định khi triển khai.

Chẳng hạn như, hết thời hạn công tác của giáo viên theo quy định, có một số địa phương không thực hiện được việc bố trí nhà giáo trở lại nơi công tác ban đầu do nơi đó đang đủ hoặc thừa giáo viên; có sự chênh lệch nhất định trong chế độ phụ cấp giữa nhà giáo luân chuyển từ nơi khác đến với nhà giáo sinh sống và công tác tại địa bàn vùng khó khăn khi hưởng phụ cấp thu hút...

Một số địa phương có xã đặc biệt khó khăn nhiều hơn xã thuận lợi nên không có chỗ để luân chuyển, điều động giáo viên (sau 3 năm với nữ và 5 năm với nam) về vùng thuận lợi...

Một số chế độ tại Nghị định như tiền vận chuyển, mua nước ngọt, phụ cấp dạy tiếng Việt và trợ cấp lần đầu, tham quan học tập hầu như không được chi trả do ngân sách địa phương hạn chế.

Việc phối hợp triển khai thực hiện giữa các cơ quan thuộc tỉnh còn chưa thật chặt chẽ, chưa thống nhất và kịp thời, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện chính sách cho các đối tượng được thụ hưởng...

Việc xác định đối tượng thuộc diện luân chuyển có thời hạn đến vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp quy định tại Nghị định số 19/2013/NĐ-CP căn cứ vào thời hạn luân chuyển ghi tại quyết định của cơ quan có thẩm quyền là hết sức khó khăn vì Quyết định điều động giáo viên và CBQL giáo dục đến nhận công tác ở vùng 135 thường không ghi thời hạn chuyển đến và chuyển về nơi cũ.

Đây là nguyên nhân chính gây ra sự tranh cãi về việc thực thi Nghị định số 19 trong thòi gian qua khiến cho đến bây giờ nhiều giáo viên vẫn chưa được hưởng chế độ...

Cần cơ chế bổ sung ngân sách thực hiện chế độ với nhà giáo vùng khó

Trước thực trạng nói trên, Bộ GD&ĐT đề xuất với Chính phủ cần có cơ chế bổ sung ngân sách đối với CBQL, giáo viên thuộc đối tượng thụ hưởng theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP;

Cần có quy định chi tiết, cụ thể về trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan chức năng trong việc thực hiện chi trả chế độ cho các đối tượng được hưởng quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ- CP, tránh trường hợp chậm chi trả hoặc không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ cũng không bị pháp luật xử lý, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị được chủ trì, phối hợp với các bộ/ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định riêng về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác tại các trường chuyên biệt (hiện đang là một phần của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ).

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng: Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định mới hợp nhất các văn bản quy định chế độ đãi ngộ, tránh việc triển khai chính sách chồng chéo, bất cập giữa các Nghị định số 116, Nghị định 61, Nghị định 19... đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Giáo dục đang công tác tại các vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn theo hướng quy định rõ ràng, hợp lý về đối tượng, địa bàn, định mức thụ hưởng.

"Việc ban hành chính sách cần có khảo sát kỹ lưỡng và sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành và sự vào cuộc mạnh mẽ của địa phương" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.