Chú trọng tính chuyên nghiệp trong thanh tra giáo dục

GD&TĐ - Thực hiện đổi mới hoạt động thanh tra, Thanh tra Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã tham mưu, tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra theo tính chuyên nghiệp, đúng Luật, đúng trình tự thủ tục, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động thanh tra, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của tỉnh. 

Chú trọng tính chuyên nghiệp trong thanh tra giáo dục

Đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Trung Vinh - Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT - khi trao đổi về hoạt động thanh tra GD của địa phương.

Kết quả từ cách làm thực chất

Ông Nguyễn Trung Vinh cho biết, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động thanh tra được bao hàm từ việc tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch thanh tra hàng năm, việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại tố cáo theo quy định. Về quy trình xây dựng Kế hoạch thanh tra theo Thông tư 01/2014/TT-TTCP; nội dung theo Nghị định 42/2013/NĐ-CP và Thông tư 39/2015/TT- BGDĐT, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và theo tình hình cụ thể của tỉnh. Trong đó nội dung tập trung thanh tra những vấn đề xã hội bức xúc quan tâm, những nội dung cơ sở còn yếu kém. Về kết luận thanh tra, quy trách nhiệm người đứng đầu…

“Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại tố cáo phải đảm bảo chặt chẽ về trình tự thủ tục. Đối với các khiếu nại, tố cáo mang tính chất phức tạp, phải được bàn bạc kỹ lưỡng; tham mưu, phối hợp thực hiện từng bước, chặt chẽ đúng pháp luật, thỏa lý, đạt tình” - ông Nguyễn Trung Vinh nêu rõ.

Nhìn lại kết quả hoạt động thanh tra năm học 2016 - 2017 của tỉnh, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT cho biết, một trong những hoạt động cụ thể nhất là đã tiến hành 3 cuộc thanh tra hành chính, bao gồm việc tuyển dụng, thuyên chuyển, thực hiện chế độ chính sách nhà giáo; quản lý tài chính, tài sản; thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Cùng với đó, Thanh tra GD đã tiến hành 13 cuộc thanh tra chuyên ngành, tập trung thanh tra việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục tại các cơ sở GD MN, tiểu học, THCS, THPT và GDTX. Đặc biệt chú trọng thanh tra các khoản thu, chi từ nguồn đóng góp của cha mẹ học sinh; thanh tra công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; thanh tra việc đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào giảng dạy tại các trường THPT; thanh tra các trung tâm ngoại ngữ, tin học và thanh tra các trường CĐ theo thẩm quyền.

Tất cả các cuộc thanh tra đều được kết luận kịp thời; có trích nội dung thông báo trong toàn ngành để rút kinh nghiệm. Qua thanh tra, đã đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT tặng giấy khen cho 2 cá nhân có tinh thần trách nhiệm tố giác việc lộ đề thi học kỳ II lớp 11 của tỉnh; đề xuất Sở GD&ĐT xử lý hành chính 2 cá nhân làm lộ đề thi học kỳ II lớp 11; yêu cầu xử lý kỷ luật 1 giáo viên vi phạm quy định DTHT, xử lý kỷ luật 1 giáo viên vi phạm quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh…

Những bài học kinh nghiệm

Từ thực tiễn hoạt động thanh tra GD tại địa phương, ông Nguyễn Trung Vinh cũng thẳng thắn chỉ ra các bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra GD.

Thứ nhất, việc xây dựng lực lượng thanh tra phải ổn định và chuyên sâu: Kể từ năm 2014 đến nay, Sở GD&ĐT có bền vững 5 biên chế, gồm 1 thanh tra viên chính, 4 thanh tra viên, trong đó 3/4 thanh tra viên đã qua lớp nghiệp vụ thanh tra nâng cao. Chính từ đó, việc bố trí trưởng đoàn thanh tra, điều hành hoạt động của các đoàn thanh tra rất bài bản, chuyên nghiệp, đúng luật, đúng trình tự thủ tục, đảm bảo chất lượng hiệu quả và hiệu lực thanh tra.

Thứ hai, giám đốc Sở GD&ĐT rất quan tâm, tạo mọi điều kiện cho hoạt động thanh tra. Trung bình mỗi năm, thanh tra được giao khoảng 1,2 tỉ cho hoạt động thanh tra. Việc mua sắm trang phục và các điều kiện khác cho thanh tra được đảm bảo.

Thứ ba, từ năm 2014 đến nay, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Trường CBQL TPHCM mở 5 lớp cộng tác viên thanh tra giáo dục (2 lớp tại Sở và 3 lớp tại huyện). Sở GD&ĐT đã bổ nhiệm và cấp giấy chứng nhận cho 193 CTVTT thường xuyên để trưng tập thanh tra.

Thứ tư, hàng năm, Sở GD&ĐT đều tổ chức lớp tập huấn sâu về nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KNTC cho thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở (báo cáo viên của thanh tra tỉnh; tập trung giải quyết tình huống thực tế); thanh tra cấp huyện tổ chức lớp tập huấn sâu về nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KNTC cho thủ trưởng các đơn vị trực thuộc huyện (báo cáo viên của thanh tra huyện; tập trung giải quyết tình huống thực tế).

Thứ năm, về nghiệp vụ, tất cả chuyên trách thanh tra đều phải am tường các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC. Đoàn thanh tra theo Thông tư 05/2014/TT-TTCP; xử lý sau thanh tra theo Nghị định 33/2015/NĐ-CP; giải quyết KNTC theo Thông tư 06/2013/TT-TTCP và Thông tư 07/2013/TT-TTCP; tiếp công dân, xử lý đơn thư theo Thông tư 06/2014/TT-TTCP và Thông tư 07/2014/TT-TTCP; công tác PCTN theo Luật PCTN năm 2013 và Thông tư 05/2011/TT-TTCP.

“Bài học kinh nghiệm sâu sắc nhất là việc tham mưu, kết luận nội dung thanh tra. Ngoài việc xác định được cái đúng cái sai, đã xác định thêm được cái phù hợp và chưa phù hợp trong quản lý. Bởi, việc xác định cái đúng và cái sai thì dễ, nhưng xác định cái phù hợp và chưa phù hợp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, đòi hỏi người thanh tra phải có trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn sâu. Từ đó, kết luận thanh tra mới đạt chất lượng, hiệu quả, tâm phục, khẩu phục” - ông Nguyễn Trung Vinh nhấn mạnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ