Trước giờ G thi tốt nghiệp THPT: Bí quyết làm tốt bài thi Khoa học tự nhiên

GD&TĐ - Những thầy cô giáo giầu kinh nghiệm chia sẻ những lưu ý quan trọng giúp thí sinh làm tốt bài Khoa học tự nhiên thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Lưu ý với môn Vật lí

Cô Thiều Thị Dung, Tổ khoa học tự nhiên, Hệ thống Giáo dục Hocmai, chia sẻ: Để đạt được kết quả tốt nhất nhất với bài thi tốt nghiệp THPT môn Vật lí, ngoài nắm vững hệ thống kiến thức và thành thạo các kĩ năng làm bài, thí sinh cần chuẩn bị tâm lí vững vàng, tránh căng thẳng dẫn đến những sai sót không đáng có.

Trong quá trình làm bài thi, thí sinh cần lưu ý một số điểm sau:

Đọc kỹ đề: Nhiều câu hỏi Vật lí chỉ cần thay đổi một vài từ trong đề bài, hoặc thay đổi thứ tự từ trong câu hỏi là ý nghĩa của các câu hỏi thay đổi hoàn toàn.

Nếu đọc đề bài một cách sơ sài sẽ không thể phát hiện ra những yếu tố khác biệt đó sẽ dẫn đến những nhầm lẫn đáng tiếc.

Khi làm xong các phép tính, thí sinh cần lưu ý đơn vị ở câu trả lời của đề thi xem đáp số có phù hợp với thực tế không.

Nháp thẳng vào đề thi: Để tránh nhầm lẫn trong quá trình tính toán, thí sinh nên kí hiệu các đại lượng đề bài đã cho ngay trên đề thi, đồng thời đổi đơn vị và ghi công thức cần tính ngay trên đề.

Phân bổ thời gian hợp lí: Số lượng câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết, thông hiểu chiếm khoảng 28-30 câu nên thí sinh cần ưu tiên xử lí nhanh, gọn, chính xác các câu hỏi này trong khoảng 15-20 phút. Sau đó dành khoảng 2 phút tô luôn đáp án toàn bộ các câu hỏi này vào phiếu trả lời.

Thời gian còn, thí sinh quan sát nhanh các câu cuối, phân loại các câu hỏi có dạng quen thuộc và ưu tiên xử lí trước, câu lạ và khó xử lí sau. Hãy dành 5 phút cuối để kiểm tra lại đáp án của toàn bộ đề thi để chắc chắn không bỏ sót hoặc tô nhầm đáp án của câu hỏi nào.

Lưu ý với môn Sinh học

Cô Nguyễn Thùy Linh - Tổ Sinh học - Hệ thống Giáo dục Hocmai cho rằng:Trước ngày thi, thí sinh nên đi ngủ sớm giúp tinh thần thoải mái và phát huy được tối đa khả năng trong lúc làm bài vào ngày thi hôm sau.

Cần chuẩn bị đầy đủ bút, máy tính trước khi bước vào phòng thi. Khi được phát đề, đọc lướt qua một lượt (khoảng 1-2 phút) cả đề để biết độ dài và độ khó của đề để áng chừng tốc độ làm bài để đáp ứng được đề thi; nếu thấy đề thi bị mờ hoặc thiếu câu thì báo cho giám thị để xử lí.

Kiến thức 30 câu đầu thường ở mức nhận biết - thông hiểu, nên thí sinh cần làm nhanh, gạch chân được key word của câu hỏi, chú ý các câu hỏi chọn câu đúng/không đúng để tránh hiểu sai đề bài.

Ở 10 câu cuối, khi tính toán bị sai sót hoặc không nghĩ ra hướng của câu nào thì không nên hoảng loạn mà bỏ qua và làm câu tiếp theo, sau khi làm hết đề thì quay lại câu không làm được và tiếp tục giải, nếu không giải được thì thử đáp án lên nếu có thể.

Sau khi làm xong thì nên kiểm tra lại 2-3 lần (nếu có thời gian), ấn lại máy tính và kiểm tra xem đã tô đúng đáp án chưa.

Lưu ý: Làm xong câu nào nên tô đáp án luôn câu đó, tránh làm xong mới tô có thể bị lệch đáp án và sai đáp án cả đề.

Lưu ý làm bài thi môn Hóa học

Với môn thi Hóa học, cô Vũ Thị Thùy Dương - Tổ Khoa học Tự nhiên Hệ thống Giáo dục Hocmai khuyên thí sinh nênchọn câu đơn giản (câu 1 - 28) làm trước, câu khó làm sau. Vì mỗi câu hỏi trong đề thi môn Hóa học đều có giá trị 0,25 điểm/câu.

Chọn câu lí thuyết làm trước, câu tính toán làm sau, do câu hỏi lí thuyết thường đơn giản hơn câu hỏi tính toán (trừ các câu hỏi lí thuyết thuộc nhóm câu từ 32-40)).

Thí sinh nên nháp một cách khoa học (trên tờ nháp ghi rõ số thứ tự câu, nháp rõ ràng gọn gàng, … để dễ dàng xem lại khi cần).

Điều quan trọng là thí sinh cần đọc kĩ đề, để ý các “bẫy” như: Chọn phát biểu sai (tức đề hỏi tìm phát biểu sai chứ không phải tìm phát biểu đúng), quên cân bằng phương trình phản ứng, nhầm nguyên tử khối của các chất, nhầm danh pháp của các chất,…

Cùng với đó, thí sinh phân phối thời gian làm bài hợp lí. Với các câu lí thuyết và tính toán đơn giản (khoảng 28-30 câu đầu), đọc đề, điền cẩn thận đáp án đúng vào phiếu câu trả lời (thời gian làm vùng câu hỏi này khoảng 15-20 phút).

Với các câu tính toán khó, viết số thứ tự câu ra nháp, tóm tắt lại đề bài để phân tích, làm bài, điền cẩn thận đáp án đúng vào phiếu câu trả lời (thời gian làm vùng câu hỏi này khoảng 20-25 phút).

Với câu khó chưa làm được, đánh dấu hỏi chấm ở đầu số thứ tự câu trong đề, để đánh dấu câu đó chưa làm được, nếu còn thời gian làm bài có thể làm lại các câu này.

Cuối cùng, thí sinh nên dành 5 phút cuối giờ thi để kiểm tra lại thông tin về số báo danh, các đáp án đã khoanh (tránh khoanh nhầm đáp án), ...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.