Cô giáo hơn 20 năm chấm thi chỉ lỗi thường gặp trong bài thi Ngữ văn

GD&TĐ - Thạc sĩ Nguyễn Thúy Hà, Trường THCS-THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ nhiều lưu ý quan trọng khi làm bài thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT, trong đó có những lỗi sai thí sinh thường gặp.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Những lỗi khiến mất điểm ở câu hỏi nghị luận xã hội

Các đoạn văn nghị luận xã hội trong bài thi, thí sinh thường bị mất điểm ở những lỗi sau: Không nêu rõ vấn đề nghị luận, không viết đúng kĩ năng (thường không có dẫn chứng), không nêu bài học và liên hệ bản thân, viết sai chính tả,…

Do đó, đối với câu hỏi nghị luận xã hội, thí sinh cần lưu ý:Xác định yêu cầu của đề bài về kiểu bài (nghị luận về một tư tưởng, đạo lý; nghị luận về một hiện tượng đời sống) và vấn đề nghị luận, phạm vi dẫn chứng.

Bên cạnh đó là viết đúng kĩ năng: Mở đoạn (nêu vấn đề nghị luận); triển khai vấn đề nghị luận (giải thích, chứng minh bàn luận, nêu dẫn chứng, rút ra bài học và liên hệ bản thân).

Thí sinh cũng cần viết đúng yêu cầu về dung lượng đoạn văn 200 chữ (có thể viết dài hơn, tối đa một trang giấy). Viết đúng chính tả, lập luận chặt chẽ, mạch lạc và có sáng tạo.

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Hà, Trường THCS-THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội)
Thạc sĩ Nguyễn Thúy Hà, Trường THCS-THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội)

Những lỗi khiến mất điểm ở câu hỏi nghị luận văn học

Khi viết bài nghị luận văn học, thí sinh thường bị mất điểm ở việc: Không nêu rõ vấn đề nghị luận hoặc nêu thiếu ý phụ, không viết đúng kĩ năng, thiếu nhận xét về nghệ thuật, thiếu ý phụ, không viết sáng tạo, chưa chuẩn chính tả và chữ viết,…

Câu nghị luận văn học chiếm 50% số điểm trong bài, nên Thí sinh cần dành nhiều thời gian cho nội dung này

Cụ thể, thí sinh cần đọc kĩ đoạn trích trong đề vài và xác định nội dung chính. Đọc kĩ đề bài và xác định kiểu bài (nghị luận về một đoạn thơ, nghị luận về một đoạn trích văn xuôi, nghị luận về nhân vật trong một đoạn trích văn xuôi,..).

Đặc biệt, thí sinh cần xác định đúng vấn đề nghị luận. Câu nghị luận văn học trong đề thi tốt nghiệp THPT thường có 2 ý. Ý chính: Cảm nhận (phân tích) nội dung đoạn trích. Ý phụ thường hỏi về phong cách tác giả, giá trị của tác phẩm… Khi viết bài, học sinh cần nêu đúng vấn đề nghị luận gồm cả ý chính và ý phụ.

Cùng với đó, thí sinh cần lưu ý lập dàn ý sơ lược đủ bố cục của bài văn, rõ hệ thống luận điểm. Viết chính tả, đúng kĩ năng, rõ các luận điểm, luận cứ, phải có dẫn chứng, cụ thể: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nêu vấn đề nghị luận; khái quát về đoạn trích; phân tích, cảm nhận đoạn trích; nhận xét về nghệ thuật; viết ý phụ (khi viết ý phụ cần viết rõ: biểu hiện, ý nghĩa); viết sáng tạo (yêu cầu của viết sáng tạo thường là liên hệ mở rộng, lời bình của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học,…).

Lưu ý đối với câu hỏi đọc hiểu

Với câu hỏi phần Đọc hiểu, học sinh cầnđọc kĩ đoạn trích trong đề bài và xác định nội dung chính. Đọc kĩ câu hỏi và xác định từ khóa cần trả lời, dạng câu hỏi. Ngoài câu hỏi thường gặp như: Xác đinh phương thức biểu đạt chính, phong cách của văn bản, thao tác lập luận, biện pháp tu từ và hiệu quả, nêu nội dung chính,…

Câu hỏi đọc hiểu thường ở các dạng:

Theo đoạn trích, theo tác giả... Ở câu hỏi này, học sinh đọc kĩ đoạn trích trong đề bài, tìm câu trả lời;

Theo anh/chị hoặc anh chị hiểu như thế nào về một ý kiến, một câu (đoạn) thơ… Ở câu hỏi này, học sinh cần giải thích ý kiến, câu (đoạn) thơ;

Câu hỏi ý kiến, câu (đoạn) thơ có ý nghĩa gì với anh chị... Ở câu hỏi này, học sinh cần trả lời rõ 2 ý: nội dung và ý nghĩa đối với bản thân.

Câu hỏi chọn thông điệp và giải thích vì sao… Ở câu hỏi này, học sinh cần trả lờ rõ 2 ý: chọn thông điệp và giải thích vì sao chọn.

Khi trả lời câu hỏi đọc hiểu, thí sinh cần trả lời rõ: Lời dẫn (trong câu hỏi) và nội dung trả lời. Trả lời ngắn gọn, tránh dài dòng làm mất thời gian làm các câu khác.

Trong kì thi THPT quốc gia năm 2022, bài thi môn Ngữ văn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT được thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút, gồm có 2 phần: Đọc hiểu, Làm văn.

Những lưu ý chung với thí sinh là: Đọc kĩ các câu hỏi trong đề bài; phân bố thời gian hợp lý để trả lời câu hỏi giữa các phần; trả lời đủ số câu trong đề bài, đủ số ý trong mỗi câu; viết rõ ràng, sạch, không tẩy xóa; làm bài xong cần đọc lại và sửa sai (nếu có).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ