Dưới đây là những lưu ý của cô Nguyễn Thị Phương Anh, giáo viên Trường THPT Ban Mai - Hà Đông (Hà Nội), giúp thí sinh thực hiện tốt những yêu cầu này, từ đó đạt được điểm tốt bài Ngữ văn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Phần Đọc hiểu
Phần Đọc hiểu (chiếm 30% số điểm) hướng đến yêu cầu học sinh đọc bất kì một kiểu, loại văn bản nào và là văn bản không có trong sách giáo khoa Ngữ văn.
Đối tượng kiểm tra đọc hiểu thường là các văn bản văn học, văn bản thông tin như các bài báo khoa học thường thức, các bài viết trong sách giáo khoa khoa học tự nhiên, các bài viết trên báo chí hằng ngày,...
Khi làm bài đọc hiểu, học sinh cần chú ý tới kiểu, loại văn bản. Mỗi thể loại có những đặc điểm riêng nên những câu hỏi đọc hiểu cũng khác nhau.
Phần Đọc hiểu bao gồm 4 câu, trong đó có: 1 hoặc 2 câu yêu cầu ở mức độ nhận biết; 1 hoặc 2 câu yêu cầu ở mức độ thông hiểu và 1 hoặc 2 câu ở mức độ vận dụng.
Các câu hỏi kiểm tra kết quả đọc hiểu rất đa dạng và phong phú: Có thể hỏi về đặc điểm thể loại, kiểu văn bản, phương thức biểu đạt, vai trò, tác dụng các biện pháp tu từ, các yếu tố hình thức nghệ thuật, đề tài, chủ đề, nội dung chính, nghĩa tường minh và hàm ẩn của một số chi tiết, câu đoạn, hình ảnh, biểu tượng trong văn học… Học sinh cần lưu ý đọc kĩ các câu hỏi và trả lời theo đúng yêu cầu của đề bài.
Cô Nguyễn Thị Phương Anh |
Phần Nghị luận xã hội
Phần Nghị luận xã hội (chiếm 20% số điểm) thường yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ, thái độ của mình trước một vấn đề đạo lý hay hiện tượng trong cuộc sống (thường được lấy ra từ nội dung của phần Đọc hiểu văn bản) bằng một đoạn văn (khoảng 200 chữ).
Trọng tâm đánh giá là cách lập luận, cách nêu các luận điểm, lí lẽ và các dẫn chứng của người viết nhằm thuyết phục người đọc. Cho nên không chỉ là vấn đề đúng/ sai mà quan trọng hơn là cách thuyết phục của người viết về sự đúng/ sai đó.
Học sinh cần chú ý tư duy logic, khá năng thuyết phục, sau đó là nội dung và cách diễn đạt, trình bày.
Phần Nghị luận văn học
Phần Nghị luận văn học (chiếm 50% số điểm) nhằm kiểm tra khả năng cảm thụ, phân tích, đánh giá văn bản văn học của học sinh. Các dạng câu nghị luận văn học rất đa dạng và phong phú trong phạm vi kì thi tốt nghiệp THPT, cụ thể:
Nghị luận về một bài thơ/ đoạn thơ: Phân tích và làm sáng tỏ một khía cạnh của một bài thơ/ đoạn thơ; phân tích một đoạn thơ cụ thể, cho sẵn trong đề.
Nghị luận về một tác phẩm/ đoạn tích văn xuôi: Làm rõ một giá trị, một đặc điểm của tác phẩm/ đoạn trích; phân tích tình huống truyện, một số chi tiết hoặc một nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm; phân tích một nhân vật hoặc một hình tượng trong tác phẩm.
Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.
Phân tích, bình giá giá trị của một tác phẩm, trước hết học sinh phải bám sát văn bản; cảm nhận được nội dung hàm chứa trong đó; nhận ra được những dấu hiệu hình thức ngôn từ độc đáo, khác lạ và phân tích, chỉ ra được vai trò của những hình thức ấy trong việc thể hiện nội dung. Học sinh cần triển khai bài văn mạch lạch với đầy đủ cấu trúc 3 phần mở bài, thân bài kết bài với hệ thống luận điểm rõ ràng.