Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch phát triển dài hạn lĩnh vực hàng không vũ trụ phục vụ thương mại trong tương lai của Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, ngày 22/12, tên lửa được phóng từ Bãi phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc lúc 12 giờ 37 phút (giờ địa phương). Tên lửa đã đưa thành công 5 vệ tinh thử nghiệm lên quỹ đạo. Đặc biệt, tên lửa sử dụng nhiên liệu hydro lỏng và oxy lỏng, nhằm bảo vệ môi trường.
Tên lửa Trường Chinh 8 là dòng tên lửa mà Trung Quốc lên kế hoạch phát triển với mục đích có thể tái sử dụng trong vòng vài năm tới, tương tự với tên lửa Falcon được sản xuất bởi công ty hàng không vũ trụ tư nhân SpaceX của Mỹ.
Tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã phóng thành công và hạ cánh tên lửa tái sử dụng đầu tiên - Trường Chinh 5.
“Tên lửa Trường Chinh 8 được thiết kế cho thị trường phóng không gian thương mại quốc tế và dự kiến lấp đầy khoảng trống về khả năng phóng cho các vệ tinh quỹ đạo thấp và trung bình”, hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc CGTN cho biết trong một báo cáo.
Cũng theo CGTV, với thiết kế có thể tái chế, một biến thể trong tương lai của Trường Chinh 8 có thể được tái sử dụng. Nhờ đó, giúp giảm đáng kể chi phí và rút ngắn chu kỳ phóng. Hãng tin CGTV cũng bày tỏ hy vọng, Trường Chinh 8 sẽ được tái sử dụng trong vòng 10 ngày tới.
Trường Chinh 8 sử dụng hai tên lửa đẩy bên cạnh, và được xây dựng dựa trên các thiết kế của Trường Chinh 3 và Trường Chinh 7. Tuy nhiên, tên lửa Trường Chinh 8 được cho là “lấp đầy khoảng trống” về khả năng của Trung Quốc, bằng cách gửi các vệ tinh đến quỹ đạo không đồng bộ địa lý hoặc quỹ đạo đồng bộ mặt trời, tùy thuộc vào nhiệm vụ.
Sự kiện phóng tên lửa Trường Chinh 8 Y-1 đã kết thúc một năm nhiều hoạt động hàng không vũ trụ của Trung Quốc. Vào đầu tháng này, Trung Quốc đã thành công trong việc mang về Trái đất các mẫu vật gồm đá và đất từ Mặt trăng - lần đầu tiên kể từ năm 1976.
Trước đó vào tháng 7 năm nay, Trung Quốc cũng đã tiến hành sứ mệnh độc lập đầu tiên của nước này đến sao Hỏa bằng tàu vũ trụ mang tên Thiên Vấn 1, giúp các nhà khoa học tìm hiểu về đất, cấu trúc địa chất, môi trường và khí quyển của hành tinh đỏ.