Nỗi bức xúc của phụ huynh thành thị
Cheng Nan đã dồn công sức tiền bạc trong nhiều năm để cô con gái 16 tuổi có thể đỗ vào một trường đại học tại nơi mình đang sinh sống là Nam Kinh, một thành phố giàu có phía Đông Trung Quốc. Chuẩn bị cho kì thi đại học, trong vài năm trời Cheng phải đánh thức con gái dậy từ 5 giờ 30 sáng để học toán và thơ ca Trung Quốc… Vì thế, khi chính quyền công bố kế hoạch tăng chỉ tiêu đối tượng khu vực nghèo và giảm chỉ tiêu với học sinh ở Nam Kinh – thì Cheng tỏ ra vô cùng bức xúc. “Tại sao họ lại lấy cơm từ bát của chúng tôi” – Cheng nói.
Phụ huynh tại ít nhất 2 chục thành phố được coi là “giàu có” ở Trung Quốc cũng có phản ứng tương tự đối với chính sách mới của chính phủ Trung Quốc.
Giống như nhiều quốc gia châu Á khác, các trường đại học tốp đầu của Trung Quốc tập trung tại các thành phố lớn và phát triển - thường là các thành phố duyên hải. Để có tấm vé vào được các trường này, thí sinh phải trải qua kì thi tuyển sinh (gaokao) vô cùng khắc nghiệt – kì thi quan trọng tới vận mệnh con người tới mức nhiều phụ huynh bắt đầu chuẩn bị cho con từ trước tuổi mẫu giáo. Cũng vì tầm quan trọng của kết quả thi mà trong kì thi gaokao năm nay, Trung Quốc đã dọa áp dụng án phạt tù tối đa tới 7 năm đối với người có hành vi gian lận thi cử.
Chính sách cần dung hòa quyền lợi thành thị - nông thôn
Có thể dễ dàng nhận thấy với người dân sống tại đô thị lớn sẽ có điều kiện đầu tư cho con cái thuận lợi hơn so với người dân nông thôn. Vì vậy, Trung Quốc đã phải đưa ra quy định tăng chỉ tiêu cho học sinh nông thôn đối với các trường đại học lớn. Cụ thể, mức kỉ lục 140.000 chỉ tiêu – tương đương 6,5% tổng chỉ tiêu trong các trường hàng đầu – được dành cho học sinh từ các tỉnh kém phát triển hơn. Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục, các trường buộc phải cắt giảm chỉ tiêu với đối tượng học sinh thành thị có hộ khẩu “đúng tuyến”.
Một chính sách hướng tới nâng quyền lợi cho người nghèo nhưng vấp phải sự phản đối lớn như vậy là một thách thức lớn với chính phủ Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích thì chính phủ Trung Quốc cần đẩy nhanh hơn nữa việc mở rộng năng lực đào tạo của những trường tốp đầu thay vì “cắt” bớt chỉ tiêu dành cho học sinh thành thị.
Trong 2 năm qua, chính phủ đã mở hàng trăm cơ sở đào tạo đại học mới và số lượng tuyển sinh đại học đã tăng từ 3,4 triệu năm 1998 lên 26,2 triệu năm 2015 – nhưng phần tăng chủ yếu là chương trình đào tạo bách nghệ 3 năm.
Vào thời điểm hiện tại, viễn cảnh việc làm của cử nhân vẫn đang mờ mịt như vài năm gần đây. Chỉ sinh viên tốt nghiệp các trường như Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh là dễ dàng có được việc làm. Điều này khiến phụ huynh lo lắng phí tiền bạc com cóp được vào những trường kém tên tuổi. Vô hình trung gia tăng sức ép đối với học sinh buộc phải thi vào những trường tốp đầu.