Trung Quốc hiện có khoảng 270 triệu học sinh. Để giúp toàn bộ số học sinh này lên lớp trực tuyến, từ các cơ sở giáo dục, giáo viên cho đến phụ huynh và học sinh đều đang đối mặt với thách thức không hề nhỏ
Bộ Giáo dục Trung Quốc hiện đang áp dụng thời gian khai giảng vào ngày 17-2 tại nhiều địa phương. Tư liệu giảng dạy được lấy sẵn từ kho số hóa cuộc vận động “Một thầy một bài giảng hay, một tiết học một cô giỏi”, được triển khai từ năm 2018.
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ khu vực chưa phủ sóng internet, một chương trình học trực tuyến trên truyền hình đang được gấp rút chuẩn bị. Bên cạnh đó, kết hợp Sở Giáo dục các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải... các trường tiểu học và trung học thuộc đại học danh tiếng như Thanh Hoa, Nhân Dân... đã cung cấp miễn phí các bài giảng trực tuyến.
Nhà xuất bản Nhân Dân cũng cung cấp miễn phí ứng dụng học tập “gia sư số” đến tay người dùng.
Sinh viên Trung Quốc hiện có tới 22 lựa chọn ứng dụng học trực tuyến với 24 nghìn bài giảng của 12 môn học đại học, 18 chuyên ngành cao đẳng. Các môn học thậm chí có thể tích điểm, giúp việc giảng dạy trở nên phong phú với nhiều lựa chọn.
Ngoài kho tư liệu học tập và giảng dậy khổng lồ từ Trung ương đưa xuống, nhiều tỉnh, thành phố đồng thời tổ chức các khóa học trực tuyến phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Tại Bắc Kinh, một số trường trung học đã khởi xướng phong trào ghi hình bài giảng từ cuối tháng 1, các lớp học trực tuyến sẽ bắt đầu từ ngày 10-2.
Tại TP Bình Lương, tỉnh Cam Túc, có tổng cộng 29 trường cấp 3, 134 trường cấp 2, 779 trường cấp 1 và 263 cơ sở giáo dục đang áp dụng mô hình “giảng đường trên không” được khai thông.
Địa phương kết hợp với doanh nghiệp số hóa giáo dục cung cấp các chương trình học trực tuyến, cung cấp những bài giảng chất lượng cho học sinh toàn thành phố.
Nhiều địa phương khác của Trung Quốc cũng áp dụng các mô hình giáo dục trực tuyến tương tự, dựa trên lợi thế sẵn có từ kho ứng dụng phong phú của các doanh nghiệp số.
Ở một đất nước đang bùng nổ làn sóng giáo dục 4.0 như Trung Quốc, có không ít những doanh nghiệp số phát triển công nghệ giáo dục trực tuyến. Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp này đang được thể hiện mạnh mẽ thông qua bài thuốc thử nCoV.
Ngoài các ứng dụng giáo dục đến từ các doanh nghiệp chuyên ngành như Wangyi, Haoweilai, Xindongfang, các ông lớn online của Trung Quốc như Zhifubao, Alizhenzhen, Taobao... cũng tích cực tham gia làn sóng hỗ trợ xã hội và cung cấp miễn phí giáo dục trực tuyến.
Trước đây, phải gọi hàng chục cuộc điện thoại để mời một học viên, thì nay phải tiếp hàng chục cuộc điện thoại của phụ huynh gọi tới xin tư vấn, một nhân viên quảng cáo ứng dụng cho biết.
Tất nhiên, chuyển đổi môi trường từ giáo dục trực tiếp sang giáo dục trực tuyến không đơn giản. Từ giảng đường thực tế tới giảng đường ảo không chỉ là khoảng cách về không gian, mà còn là khoảng cách về ý thức.
Yêu cầu của giảng đường trực tuyến thậm chí cần cao hơn yêu cầu của giảng dậy trực tiếp. Trách nhiệm và thái độ của phụ huynh giờ đây trở thành chủ đạo, việc cần làm là kích thích tính tự giác và tinh thần trách nhiệm của học sinh.
Giáo viên cũng không vì lên lớp gián tiếp mà quên đi trách nhiệm dặn dò, đốc thúc học sinh của mình. Bù lại, đây là cơ hội lớn để Trung Quốc thử nghiệm cải cách mô hình giáo dục thời đại số.