Trừ điểm giấy phép lái xe

GD&TĐ - Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Công an về việc giấy phép lái xe được cấp điểm và người lái xe sẽ bị trừ điểm nếu vi phạm giao thông.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo đó, mỗi giấy phép lái xe được cấp 12 điểm, tương ứng với 12 tháng trong năm. Số điểm này sẽ bị trừ dần nếu tài xế đó vi phạm các quy định về giao thông. 

Có 10 hành vi và nhóm hành vi khi vi phạm, tài xế sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe ngay lập tức và 28 hành vi khi vi phạm, tài xế sẽ bị trừ điểm. Với số lượng “hành vi” đến 38 mục như thế thì việc nhớ từng hành vi, cái nào bị phạt nặng, nhẹ… quả là một bài toán không dễ thuộc cho các tài xế. Các quy định này cũng sẽ được chi tiết ra từng mục để tài xế biết mục nào, vi phạm ra sao thì trừ bao nhiêu điểm.

Nếu trong năm mà bị trừ hết số điểm được cấp thì tài xế đó không được phép ôm vô lăng nữa. Còn nếu trừ không hết số điểm trong giấy phép lái xe thì sẽ được cấp đủ 12 điểm cho năm tiếp theo. Tài xế nào mà trong năm không vi phạm lỗi nào, tức là không bị trừ điểm nào thì sẽ được thưởng điểm. Việc trừ và thưởng điểm này sẽ được đưa lên hệ thống. Cảnh sát giao thông chỉ cần truy cập vào mạng là sẽ biết giấy phép lái xe ấy còn điểm hay không.

Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự thủ tục thực hiện, bảo đảm đơn giản, hợp lý tránh phiền hà cho người dân. Theo Chính phủ, đây chỉ là một biện pháp quản lý chứ không phải là hình thức xử phạt hành chính. Chính phủ giao Bộ Công an tiếp thu ý kiến, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10.

Thoạt nghe chuyện trừ và cộng điểm trên đây có vẻ đơn giản và văn minh. Văn minh thì dĩ nhiên nhưng đơn giản thì không. Vấn đề còn lại là cách thực hiện và sự tự giác ở cả tài xế lẫn lực lượng xử phạt. Điểm bằng lái như một loại “điều ước” trong chuyện cổ tích. Tài xế biết giới hạn của “điều ước” đó nên không dám “ước” vượt quá số lần mà “ông bụt Chính phủ” cấp cho. Đây cũng chính là kẽ hở để tiêu cực chen vào nếu những người thực thi pháp luật không nghiêm minh.

Việc phải đi học và thi lại để lấy bằng lái mới quả là điều mà bất cứ một tài xế nào cũng phải ngại ngần. Nếu vi phạm đến 11 lỗi rồi mà quỹ thời gian trong năm còn xa vời thì ắt phải tính đến chuyện “thỏa hiệp” với lực lượng kiểm tra trên đường.

Anh tài xế sẵn sàng bỏ ra số tiền bằng với số mà anh ta sẽ phải học lại để lấy bằng mới. Người làm nhiệm vụ kiểm tra các phương tiện giao thông nếu không nghiêm thì đây chính là miếng mồi thơm để cho việc thỏa hiệp này có đất nảy sinh tiêu cực. Có khi tiêu cực còn hơn cả việc nhận tiền “lót tay” để bỏ qua lỗi các tài xế vi phạm trên đường hiện nay nữa.

Vấn đề còn lại là ở sự chấp hành nghiêm của cả hai phía - tài xế và lực lượng kiểm tra. Điều này dư luận đã lên tiếng nhiều rồi nhưng các vụ việc tiêu cực vẫn cứ diễn ra giữa tài xế và những người thực thi pháp luật. Thật khó lắm thay!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian