Vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Đề xuất dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (BĐTT ATGT ĐB) quy định chi tiết về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và địa phương đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm đưa pháp luật về trật tự, giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, ban hành, công bố quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu diesel, nhiên liệu sinh học với chất lượng tương ứng mức tiêu chuẩn khí thải. Phối phợp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và việc sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật…
Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe. Khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô. Phối hợp với Bộ Công an trong công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông đường bộ. Phối hợp kiểm soát, xử lý vi phạm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng chất kích thích, chất cấm.
Chủ tịch tỉnh quy định và tổ chức thực hiện đặt biển báo tốc độ, công bố về tải trọng, khổ giới hạn đường. Tổ chức giao thông; quy định điều kiện, phạm vi hoạt động của xe thô sơ tại địa phương…
Đặc biệt, dự thảo quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an, bên các nhiệm vụ cũ, đề xuất nhiệm vụ mới là: Sát hạch và cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe. Quản lý quá trình chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ sau khi được cấp giấy phép lái xe. Quy định về trừ điểm giấy phép lái xe (đi kèm đề xuất chấm điểm trên GPLX).
Đề xuất có hợp lý?
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết, cơ quan công an thống nhất quản lý từ sát hạch, cấp bằng lái xe cho đến việc chấp hành pháp luật của tài xế khi điều khiển phương tiện trên đường. Bộ Công an sẽ đưa ra các giải pháp để thực hiện đề xuất trên. Đó là tăng cường xã hội hóa công tác đào tạo lái xe. Nâng cao chất lượng chương trình, nội dung đào tạo. Giám sát chặt chẽ và ứng dụng công nghệ để hạn chế sự can thiệp của con người vào việc sát hạch...
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, Luật Giao thông đường bộ đã phân công rõ chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ GTVT với Bộ Công an. Các bộ, ngành có liên quan về quản lý, đào tạo, sát hạch cấp GPLX đang thực hiện rất ổn định.
“Những năm qua ngành GTVT đã tích cực thực hiện rất ổn định, các chủ trương xã hội hóa, áp dụng các công nghệ hiện đại trong quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX cũng như đổi mới và hội nhập quốc tế. GPLX của Việt Nam được sử dụng tại 70 nước trên thế giới. Thực hiện cải cách hành chính trong việc cấp, đổi GPLX được thực hiện dịch vụ công cấp độ 4.
Dư luận xã hội, ý kiến nhận xét của nhân dân và các cấp, các ngành cũng có đánh giá thực hiện chủ trương hành chính rất tốt, tạo điều kiện cho người học, cấp đổi GPLX đánh giá cao, đáp ứng được chỉ đạo của Chính phủ cũng như mong đợi của người dân trong công tác cải cách hàng chính…”, ông Quyền nói.
Theo ông Quyền, đề xuất của Bộ Công an có những lập luận, căn cứ nhất định trong việc đưa ý kiến về chuyển chức năng, nhiệm vụ.
Việc sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe và đăng kiểm phương tiện cơ giới trước năm 1995 do Cục Cảnh sát giao thông - Trật tự (Bộ Nội Vụ, nay là Bộ Công an) đảm nhiệm. Từ 1/8/1995, Bộ Giao thông Vận tải được Chính phủ giao phụ trách lĩnh vực này.
“Nhiệm vụ cấp GPLX liên quan đến quản lý của ngành GTVT để sử dụng đội ngũ lái xe trong các doanh nghiệp, lái xe kinh doanh vận tải. Nhưng quản lý thời gian làm việc, khám sức khỏe định kỳ… là liên quan đến thẩm quyền nhiều bộ ngành. Như vậy, không ngành nào đủ chuyên môn để quản lý trọn vẹn từ đầu đến cuối tất cả các lĩnh vực về mặt quản lý Nhà nước…”, ông Quyền lý giải.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chỉ rõ, Bộ Công an hiện nay được phân công kiểm soát các hoạt động của lái xe trên đường, tuân thủ pháp luật của lái xe.
“Bộ Công an phải tăng cường đổi mới về công tác phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm để bảo đảm thực hiện cho được chức năng trong luật quản lý đường bộ, tức là mọi hành vi, vi phạm phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo luật. Bộ này cần tập trung vào đổi mới các phương thức tuần tra, kiểm soát ở trên đường bằng các phương thức áp dụng công nghệ. Hoàn thiện về mặt thể chế để làm sao hoàn thành quy trình xử lý vi phạm nhanh gọn nhất để phục vụ nhân dân. Chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành nào được phân công, thì nên đi sâu vào đổi mới thuộc lĩnh vực đã được phân công...”, ông Quyền kiến nghị.