Bộ Giao thông Vận tải đề xuất giữ nguyên
Theo dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) vừa được trình Chính phủ, Bộ Công an đề xuất rút thời hạn cấp GPLX xuống còn 5 năm thay vì 10 năm như đang được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định.
Cụ thể, tại Khoản 9 Điều 46 dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT đường bộ về thời hạn quy định GPLX các hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. GPLX hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp. Cùng với đó, dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT, tại quy định về thời hạn của GPLX, Bộ Công an đề xuất các hạng A1, A2, A3 cấp cho xe máy, xe ba bánh không có thời hạn.
GPLX hạng B (ô tô đến 9 chỗ ngồi, xe tải, máy kéo không vượt quá 3,5 tấn) sẽ rút ngắn thời hạn từ 10 năm như hiện nay xuống còn 5 năm. Các loại GPLX hạng C gồm xe ô tô tải, máy kéo trên 3,5 tấn; hạng D1 gồm xe ô tô chở người từ 10 chỗ đến 30 chỗ; hạng D ô tô trên 30 chỗ; hạng BE, CE, D1E, DE xe đầu kéo, container giữ nguyên thời hạn 5 năm như hiện nay.
Trước đó, Thông tư của Bộ GTVT quy định GPLX hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. GPLX hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam. Trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì GPLX được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. GPLX hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. GPLX hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp.
Liên quan đến đề xuất trên, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, đây là dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT được Bộ Công an xây dựng, đề xuất.
“Còn tại dự thảo Luật GT đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT cũng đã trình dự thảo, trong đó đề xuất giữ nguyên thời hạn GPLX như hiện nay...”, ông Thống nói.
Xác định độ tuổi, hạng GPLX để cấp
Ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho biết, hiện GPLX các hạng B1 và B2 có thời hạn là 10 năm. Các hạng GPLX ô tô khác có thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, các hạng khác số lượng không nhiều.
“Bộ Công an lên cân nhắc đối với lái xe hạng C và E (xe lớn, xe tải liên tỉnh - PV) cấp thời hạn 5 năm. Còn đối với GPLX hạng B căn cứ tùy từng lứa tuổi để hạn chế thời gian cấp GPLX. Có thể 20 - 40 tuổi cấp được bao nhiêu năm? Có thể 10 năm, từ trên 40 - 60 tuổi cấp 5 năm. Như vậy, Bộ Công an cần xác định chia độ tuổi sẽ phù hợp với đề xuất mới đây đối với hạng B...”, ông Hùng nói.
Trước thông tin GPLX hạng B phải đổi lại hạn 5 năm ảnh hưởng đến chi phí, ông Nguyễn Công Hùng cho rằng sẽ có lộ trình, chi phí không cao.
“Một số người lo lắng, bao biện về chi phí, lãng phí, mất thời gian. Tuy nhiên, để đảm bảo kỷ cương, đảm bảo giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) chấp hành giao thông đường bộ, thì việc đổi GPLX, có hạn GPLX cho dù có tốn kém cũng phải làm…”, ông Nguyễn Công Hùng bày tỏ.
Ông Nguyễn Công Hùng nhấn mạnh: “Việc thay đổi biển số xe kinh doanh (nền màu vàng số đen) lúc đầu người dân, lái xe lo tốn kém nhưng thực tế chi phí không cao (100 nghìn đồng/biển số) thủ tục nhanh, thuận tiện. Có đề xuất thì sẽ có lộ trình thay đổi. Để sắp xếp lại kỷ cương văn minh của ngành vận tải, để Nhà nước thu lại hàng tỷ tiền thuế thì số tiền phí 100 nghìn đồng/biển số xe màu vàng thì có đáng không? Quan trọng ý thức người dân phải thay đổi…”, ông Nguyễn Công Hùng lấy ví dụ.
Theo ông Hùng, Bộ Công an đề xuất thay đổi GPLX có hạn 5 năm là có lý, tuy nhiên phải nghiên cứu áp dụng cho cụ thể, phù hợp. “Đối với hạng C (tuyến cố định đường dài) người lái xe ở độ tuổi 50 - 60 trở lên chắc chắn phản xạ sẽ không bằng được với lái xe ở độ tuổi từ 20 – 30. Vì vậy, GPLX có hạn cũng cần căn cứ độ tuổi để cấp phép…”, ông Nguyễn Công Hùng chia sẻ.
Còn luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội) bày tỏ, đề xuất trên có thể thuận tiện cho cơ quan quản lý song sẽ gây bất lợi cho người dân. Theo luật sư Tú, hiện công nghệ cho phép đăng ký và đổi giấy phép trên mạng. Tuy nhiên, người dân vẫn phải đến cơ quan chức năng, vẫn phải nộp giấy tờ và vẫn phải nộp tiền phí. Điều này sẽ dẫn đến tốn thời gian, công sức và phiền hà đến người dân.
Còn Đại tá Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cảnh sát giao thông - Bộ Công an cho biết, đề xuất trên được đưa ra tại dự thảo (lần 5) Luật Đảm bảo trật tự ATGT, với mục đích “quản lý sức khỏe của tài xế tốt hơn”. Tuy nhiên, đây mới là dự thảo để xin ý kiến và cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các góp ý để sửa đổi cho phù hợp.