Thực ra, chủ đề trên không phải là vấn đề mới nhưng lúc nào cũng có tính thời sự, khiến nhiều người trăn trở và luôn canh cánh trong lòng. Không muốn nói ra, nhưng thực tế cho thấy, đã có nhiều giáo viên ở một số địa phương xin ra khỏi ngành. Nguyên nhân cơ bản là do lương thấp. Giáo viên mới ra trường có khi được khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Tất nhiên, vấn đề thu nhập không phải là yếu tố quyết định để chúng ta thu hút và giữ chân người tài, nhưng nó là yếu tố có tác động rất lớn đến vấn đề này. Do đó, thực tế nêu trên chính là rào cản khiến ngành Giáo dục khó thu hút được nhân tài hơn so với các ngành khác.
Có thể nói, thời gian qua, ngành Giáo dục đã làm rất nhiều việc, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo ngành đối với đội ngũ thầy cô giáo. Đơn cử như giải phóng những áp lực không đáng có cho giáo viên, đồng thời yêu cầu các đơn vị, cơ sở giáo dục phải tạo điều kiện, môi trường làm việc tốt nhất có thể để giáo viên phát huy khả năng sáng tạo của mình; đồng thời tăng cường quyền tự chủ cho đội ngũ thầy cô giáo.
Bộ GD&ĐT đã và đang làm tất cả những gì thuộc thẩm quyền của mình để hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo viên. Mục đích là để thầy cô yên tâm công tác, dành trọn tâm huyết với nghề. Chủ trương là vậy, vấn đề còn lại là thực hiện ở các đơn vị, cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, nói gì thì nói, vấn đề cốt lõi vẫn là chính sách nhân sự. Nghĩa là, chính sách này có đủ hấp dẫn hay không? Từ vấn đề tuyển dụng, đào tạo phát triển cho đến chế độ đãi ngộ tiền lương… Liên quan đến vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi tại hội trường. Tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã có ý kiến về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài.
Bộ trưởng đề cập đến 2 nhóm vấn đề: Một là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc rà soát và phát hiện người có tài năng trong phạm vi hoạt động công vụ của đơn vị mình. Hai là khung chính sách tập trung vào 5 lĩnh vực, đó là chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quy hoạch bổ nhiệm, chế độ tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi. Chính sách cuối cùng, đó là vấn đề tôn vinh. Chính phủ sẽ ban hành chính sách khung, dựa trên cơ sở chính sách khung này, các địa phương và cơ quan sẽ sử dụng và có chính sách cụ thể của từng cá nhân tại cơ quan, đơn vị mình.
Được biết, Chính phủ đang xây dựng Đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài. Sau khi Đề án được thông qua, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành chính sách, giải pháp cụ thể để thực hiện. Dự án Luật Thu hút, trọng dụng nhân tài cũng được đại biểu Quốc hội nêu ý kiến đề xuất, Quốc hội đã giao Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu và báo cáo với Quốc hội xem xét về sự cần thiết xây dựng dự án Luật này khi đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.