Trọng dụng, bồi dưỡng nhân tài cho quốc gia hưng thịnh

GD&TĐ - Từ xưa đến nay hiền tài như sự quy tụ, kết tinh những tinh hoa của dân một nước, nó không chỉ tiêu biểu cho trí tuệ, tư tưởng, cho sức sáng tạo mà còn cho đạo đức, đạo lý và văn hóa của xã hội. 

SV ĐH RMIT trong lễ nhận bằng tốt nghiệp
SV ĐH RMIT trong lễ nhận bằng tốt nghiệp

Trữ năng tinh thần, tiềm lực văn hóa, sức sống bền bỉ của một dân tộc biểu hiện qua đội ngũ nhân tài và nguồn phát sinh, phát triển tiềm tàng của nó. Sức mạnh và vốn quý này là vô giá. Vì vậy, tạo dựng, nuôi dưỡng nhân tài là vấn đề chiến lược, đó thực sự là chiến lược sâu xa của phát triển.

1.Đời xưa, Thân Nhân Trung đã để lại một lời bất hủ, ý tưởng sáng suốt mà triết lý thì sâu sắc, còn mãi với muôn đời. Ông nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí mạnh thì thế nước vững. Nguyên khí yếu thì thế nước suy. Bởi vậy chăm lo phát hiện và bồi dưỡng, trọng dụng hiền tài là việc quan tâm hàng đầu của các bậc đế vương”.

Hay ở thế kỷ thứ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng xác định, các nhân tố của phát triển xã hội đã phát hiện ra những dấu hiệu của sự thịnh, suy, trong đó ông đặc biệt chú ý tới kẻ sĩ, trí thức hiền tài. Theo ông, một xã hội bình yên thịnh vượng thì không thể thiếu, không được xem nhẹ Nông - Công - Thương - Trí. Theo đó, “phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt và phi trí bất hưng”. Ông cũng chỉ rõ, triều chính và người cầm quyền không được để quốc gia rơi vào suy thoái, đổ vỡ. Nếu để xảy ra tình trạng “trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt” thì xã hội tất sẽ rối loạn, suy đồi, đổ vỡ.

Còn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn coi đào tạo cán bộ là công việc gốc của Đảng. Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được thành lập, trong lúc còn bộn bề khó khăn, thù trong, giặc ngoài, Bác đã quan tâm tìm người tài để xây dựng đất nước và Người chính là tấm gương sáng cho việc tìm nhân tài và trọng dụng nhân tài. Bác xem việc đào tạo nhân tài là một quá trình liên tục và việc đào tạo này không chỉ nhằm mục đích giải phóng đất nước, giải phóng con người, mà còn phát triển năng lực của mỗi con người.

Ngày 14/11/1945, trên báo Cứu quốc, Bác đã viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Và trong những năm tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác đã ban hành Sắc lệnh 76/SL ngày 20/5/1950 quy định về nghĩa vụ và quyền lợi của công chức, thể hiện rõ tư tưởng về sự tôn vinh tài năng, đạo đức và yêu cầu về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.

Bác cho rằng, một quốc gia, một đất nước không biết sử dụng nhân tài là một khuyết điểm to, làm lãng phí một vốn quý của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và kiến thiết. Để tìm được người tài, Bác đã yêu cầu các địa phương trong vòng một tháng phải điều tra và báo cáo với Chính phủ những “người tài đức, những người có thể làm được những việc ích nước, lợi dân” để trọng dụng.

Đi đôi với việc tìm người tài, đức giúp ích cho đất nước, Bác yêu cầu người lãnh đạo, quản lý phải biết trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. Người cho rằng, phải biết chăm lo phát hiện nhân tài, phải biết đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và phải biết sử dụng nhân tài một cách hợp lý. Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Bác là phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”.

Theo Bác, con đường hình thành và phát triển đội ngũ trí thức là “Đào tạo tri thức mới. Cải tạo trí thức cũ. Công nông trí thức hóa”. Vì thế vấn đề then chốt quyết định đòi hỏi ở đội ngũ những người làm công tác giáo dục. Bởi vì giáo dục sẽ trực tiếp nâng cao trình độ học vấn, trình độ khoa học, cả khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, trình độ tổ chức quản lý... Giáo dục sẽ giúp cho con người có một vốn liếng về lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam và thế giới, nếu không có nó thì sẽ không giữ vững được nền độc lập dân tộc, không thể tham gia một cách tích cực và có hiệu quả vào công việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giáo dục sẽ giúp cho mỗi người dân có kiến thức mới để “biến một nước dốt nát, khổ cực thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”…

2.Ngày nay, nước ta đang đang từng bước tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) - một sân chơi lớn với nhiều cơ hội cũng như thách thức khắc nghiệt, đòi hỏi phải có những bước đi thích hợp và tầm nhìn dài hạn. Đặc biệt, cần có những giải pháp cụ thể để chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa lợi thế, giảm thiểu tác động tiêu cực từ cuộc cách mạng này.

Là nước đi sau, nhân cơ hội “đi tắt đón đầu”, chúng ta chỉ có thể tạo ra sự bứt phá bằng việc thực hiện mục tiêu chiến lược về nguồn lực con người. Hay nói cách khác đó là cần có một đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đảm lãnh nhiệm vụ lãnh đạo đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Song việc phát hiện, tuyển chọn đội ngũ cán bộ tài năng là công việc đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức với cái nhìn thực sự công tâm, sáng suốt. Đây là công việc không đơn giản được ví như việc “đãi cát tìm vàng”. Nên công tác trọng dụng nhân tài trước yêu cầu phải thực hiện đột phá để phát triển nhanh và bền vững, bao quát cả một hệ vấn đề rộng lớn và phức tạp.

Đó là giáo dục nhận thức và hình thành dư luận xã hội tích cực, đồng thuận, sao cho toàn dân, cả nước, cả dân tộc đều quan tâm tới nhân tài. Đổi mới nhận thức xã hội về vấn đề nhân tài đòi hỏi trước hết sự đổi mới nhận thức mạnh mẽ trong Đảng và Nhà nước, trong cơ quan lãnh đạo cấp cao, ở tầm vĩ mô, chiến lược, trong các cơ quan tổ chức hoạch định chính sách.

Đó còn là công phu tổ chức thực hiện chính sách, xác định thể chế, tìm tòi cơ chế tạo động lực phát triển các tài năng, thu hút trọng dụng nhân tài, trọng đãi hiền tài, đào tạo bồi dưỡng, phát hiện nuôi dưỡng những tài năng, có tầm nhìn và hành động sao cho trong thế kỷ XXI xuất hiện, nảy nở nhiều tài năng lớn, kiệt xuất, lỗi lạc, ngang tầm quốc tế.

Nhất là những nhân tài chính trị, những chính khách, lãnh tụ lỗi lạc ở tầm vóc nhà tư tưởng, nhà chiến lược có tầm vóc dân tộc, quốc tế và thời đại; những nhân tài kinh tế, những doanh nhân tầm cỡ để khẳng định thương hiệu Việt Nam; những nhân tài khoa học - công nghệ và trí thức giáo dục với những trí tuệ uyên bác, những nhà bác học, những học giả có uy tín lớn được thế giới công nhận; những nhân tài văn hóa - nghệ thuật có tài năng lớn, có tác phẩm để đời, tương xứng với lịch sử và tầm vóc dân tộc, góp vào đời sống văn hóa thế giới những tinh hoa ưu tú của Việt Nam… và để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, ngoài tiềm lực quốc phòng - an ninh phải hết sức chăm lo, đầu tư đủ mạnh các nguồn lực để phát triển, lại phải có những nhân tài quân sự trí tuệ, những tướng lĩnh mưu lược, dũng cảm, được đào tạo và đào luyện trong môi trường hiện đại, phi truyền thống…

Đặc biệt là việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trẻ tuổi, làm phát lộ sớm những mầm mống tài năng và cả những thiên tài trong tương lai. Vì vậy, cần thay đổi nhận thức về giáo dục, xây dựng một triết lý giáo dục hiện đại cũng như triết lý phát triển xã hội nói chung làm cơ sở lý luận cho việc đổi mới toàn diện, căn bản, mạnh mẽ nền giáo dục Việt Nam.

Toàn diện và đồng bộ trong giáo dục, đòi hỏi phải bắt đầu từ giáo dục mầm non, phổ thông tới đại học và đào tạo sau đại học. Phải phục hưng lại giá trị và nhân cách giáo dục ở đội ngũ những người thầy. Chấn hưng đạo đức trong giáo dục là mắt xích quan trọng để chấn hưng nền giáo dục nói chung, từ đó mà chấn hưng dân tộc. Và nhất là để có một cuộc cách mạng không chỉ về mục tiêu, nội dung giáo dục mà còn là phương pháp giáo dục để có nhân tài và phát triển nhiều nhân tài, thì điều quan trọng là tạo ra chính sách và cơ chế sao cho tài năng, nhân tài được bộc lộ, được trọng dụng, được tôn trọng.

Năm 1950, Bác Hồ đã chỉ thị phải tuyển chọn những thanh niên có đủ những tiêu chí cần thiết, gửi sang Trung Quốc, Liên Xô, Đông Âu học tập để đào tạo thành trí thức bậc cao cho đất nước; ra quyết định mở trường khoa học cơ bản, trường sư phạm cao cấp trên đất bạn... để tạo dựng một lớp người có tài có đức, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khi hòa bình lập lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.