Thu hút và trọng dụng nhân tài - cần được luật hóa

GD&TĐ - Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần có chính sách thu hút và giữ chân người tài.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Theo đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), việc phát hiện và trọng dụng nhân tài không phải là vấn đề mới. Đại biểu dẫn giải, ngày xưa cha ông ta đã làm và gọi họ là những nguyên khí của quốc gia.

Dưới chính thể mới, ngay từ khi mới bắt đầu xây dựng chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng việc tìm kiếm, tiến cử và trọng dụng nhân tài. Người cho rằng, phát hiện nhân tài không chỉ qua đào tạo ở trường hay tuyển chọn qua thi cử bằng cấp mà còn phải tìm trong nhân dân...

Đại biểu đề nghị nên luật hóa những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân tài bằng việc bổ sung vào Điều 6 quy định, những tiêu chí cơ bản để xác định thế nào là nhân tài, để từ đó làm căn cứ cho Chính phủ quy định chi tiết cơ chế, chính sách phát triển, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài. Đồng thời, nêu phương thức phát hiện nhân tài theo hướng tuyển chọn tiến cử đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.

Đại biểu Tô Văn Tám
Đại biểu Tô Văn Tám

Tán thành với việc giao Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách thu hút và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng, đại biểu Ka H’Hoa (đoàn Đắk Nông) góp ý: Trên cơ sở quy định khung của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quy định cụ thể phù hợp với ngành, lĩnh vực địa phương mình. Vì hiện nay do đặc thù của mỗi địa phương khác nhau dẫn đến nhu cầu tuyển chọn, đãi ngộ nhân tài khác nhau.

Tuy nhiên, nhiều chính sách về tuyển chọn, đãi ngộ nhân tài chưa có tính thống nhất giữa chính sách của nhà nước với chính sách đặc thù của địa phương nên việc thu hút nhân tài tại nhiều địa phương khó thực hiện và thực hiện chưa hiệu quả.

Từ thực tiễn nêu trên, đại biểu cho rằng, không thể quy định hết về chính sách đối với người có tài năng trong luật được.

“Tuy nhiên, để bảo đảm chính sách thu hút được nhân tài, tôi đề nghị Ban soạn thảo trước hết phải giải thích làm rõ khái niệm thế nào là người có tài năng, để trên cơ sở đó thì các bộ, ngành, địa phương mới có thể có những chính sách phù hợp” – đại biểu Ka H’Hoa nói.

Đại biểu Ka H’Hoa
Đại biểu Ka H’Hoa

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Hà Thị Minh Tâm (đoàn Hà Nam) cho rằng, việc thu hút người tài năng tham gia vào bộ máy nhà nước, hệ thống chính trị là cần thiết, nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, để thực hiện một trong 3 khâu đột phá chiến lược nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước mà Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng đã đề ra.

Theo đại biểu, Chính phủ đã có những văn bản quy định thu hút nhân tài trong một số lĩnh vực và chính quyền địa phương có nhiều văn bản quy định các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài và trọng dụng nhân tài.

Đại biểu Hà Thị Minh Tâm
 Đại biểu Hà Thị Minh Tâm

“Thực tế có một số địa phương làm tốt việc này, ví dụ như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Song, việc các địa phương chủ động ban hành chính sách dẫn đến hiện tượng mất cân đối nguồn nhân lực giữa các địa phương, vùng miền do không có khung tiêu chí chung về vấn đề này.

Hiện tượng vừa thừa, vừa thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và người tài năng tham gia hoạt động trong bộ máy nói riêng, dẫn đến sự mất cân đối” – đại biểu Hà Thị Minh Tâm nêu thực trạng.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị cần có khung tiêu chí để xác định người tài năng và những chính sách cơ bản quy định ngay trong luật vừa để phân bổ hợp lý nguồn nhân lực, vừa giữ chân người tài trong bộ máy và không gây lãng phí, thiếu nhân lực làm việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ