Anh nông dân làm giàu từ sáng chế khoa học

GD&TĐ - Anh Trương Văn Thủy (SN 1972), người dân tộc Sán Dìu, hiện đang sống ở Còi Mò, xã Tân Tiến, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn). Tuy chưa học hết lớp 6 nhưng anh đã sáng chế thành công nhiều máy móc, tạo ra năng suất lao động cao, phát triển kinh tế gia đình và người dân quanh vùng.

Anh Trương Văn Thủy với chiếc máy xẻ gỗ cải tiến của mình
Anh Trương Văn Thủy với chiếc máy xẻ gỗ cải tiến của mình

Xuất phát từ thực tiễn

Anh Trương Văn Thủy là người dân tộc Sán Dìu, ở Bình Sơn, TP Sông Công (Thái Nguyên) nhưng có duyên với đất Còi Mò. Năm 1997, hết hạn nghĩa vụ quân sự, về quê làm ruộng, Trương Văn Thủy đã đến phụ giúp nghề mộc cho xưởng gỗ của người cậu ruột tại Còi Mò.

Hàng ngày, anh Thuỷ cùng cậu sản xuất giường, tủ, cửa, chạn bát, bàn ghế… Từ thực tiễn cuộc sống ấy đã nhen nhóm và tiếp thêm động lực để anh Thủy chọn và gắn bó với nghề tự lúc nào không hay. Anh nhanh chóng quyết định lập nghiệp ở quê hương thứ hai - Bắc Kạn.

Với cách nói hóm hỉnh, dễ mến, anh Thủy chia sẻ, thời gian đầu tách ra mở xưởng mộc, không có vốn làm ăn, hoàn toàn sản xuất đồ gia dụng thủ công, không có máy móc trợ giúp, công việc của thợ mộc rất vất vả. Hầu như một mình phải khuân vác, xẻ các khúc gỗ to, vượt quá sức nặng cơ thể nhiều lần.

Chính vì thế, anh Thủy quyết tâm vay vốn ngân hàng, đầu tư mua máy móc và thuê 3 nhân công trợ giúp. Đơn đặt hành cứ nhiều dần nhưng mỗi lần nhìn gỗ xẻ thủ công bị cong vênh, phải loại bỏ lại càng xót. Đây chính là động lực để Thủy bắt tay vào mày mò, cải tiến máy xẻ gỗ, từ thủ công sang chạy mô tơ điện, giảm được chi phí sản xuất mà lại tăng năng suất lao động.

Thành quả ngọt ngào

“Trong thực tiễn lao động, tôi thấy máy xẻ gỗ và bào thẩm tách riêng, với giá thành cao, khoảng gần 150 triệu đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ với một thanh niên dân tộc thiểu số lập nghiệp ban đầu.

Nghiên cứu cơ chế vận hành, cuối cùng tôi quyết định cải tiến và thay toàn bộ dàn mặt phẳng của máy Hàn Quốc để đưa gỗ vào máy xẻ và bào”, anh Thủy chia sẻ.

Giới thiệu về máy xẻ gỗ cải tiến của mình, anh Thủy bộc bạch, máy xẻ gỗ chạy bằng mô tơ điện tạo ra nhiều ưu điểm như không tốn nhiều chi phí, giảm sức lao động. Đồng thời, tăng năng suất và có thể điều chỉnh linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh lao động, an toàn lao động.

Ưu thế vượt trội của chiếc máy cải tiến đó là cùng một khối lượng công việc, máy xẻ Việt Nam cần 16 công nhân thì máy xẻ cải tiến của Trương Văn Thủy lại chỉ cần 3 công nhân làm việc. Giá thành rẻ hơn. Đặc biệt hơn, thanh gỗ khi xẻ đạt được độ thẳng tối đa, độ chuẩn xác và phẳng hoàn hảo, tạo chất lượng sản phẩm đẹp hơn trước.

Lò sấy gỗ cải tiến của anh Thủy
Lò sấy gỗ cải tiến của anh Thủy 

Không dừng lại ở máy xẻ gỗ, anh Trương Văn Thủy còn chế tạo thành công lò hấp sấy gỗ lọc qua hơi nước, lò đốt rác không gây ô nhiễm môi trường.

Lò hấp sấy gỗ lọc qua nước, cuối tháng 10 vừa qua đã đem lại cho anh Thủy giải Nhì tại cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn, hiện đang dự thi cấp quốc gia.

Nói về thành công này, anh Thủy cho biết: Năm 2018 khi về Hà Nội dự Hội nghị tuyên dương nông dân tiêu biểu, lúc giải lao tại sảnh thấy một anh có điếu cày hút thuốc lào chỉ to bằng bao thuốc lá, đúc bằng đồng, đặt mua tại Nam Định. Hình ảnh chiếc điếu cày đó khiến anh Thủy liên tưởng và bắt tay vào chế tạo lò hấp gỗ.

Gỗ phơi nắng tự nhiên phải mất 3 tháng mới sử dụng được nhưng vẫn bị mối mọt, màu sắc không đẹp. Nhưng khi hấp gỗ bằng máy do anh Thủy chế tạo thì ưu điểm là không có khói, thân thiện với môi trường. Gỗ được sấy khô, màu sắc đẹp và độ lì cao, không lo mối mọt. Hơn nữa, máy sấy do anh Thủy chế tạo chỉ hết 15 triệu đồng, trong khi nếu mua trên thị trường là 300 triệu đồng.

Giờ đây, ở tuổi 47, anh Trương Văn Thủy đã có một xưởng mộc khang trang với diện tích sản xuất 1.500m2, đem lại doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm. Mỗi năm, gia đình anh thu được lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng, thu hút 8 lao động thường xuyên, 16 lao động thời vụ, thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

  Giải thưởng anh Trương Văn Thủy giành được:

- Giải Ba sáng tạo cải tiến máy xẻ gỗ của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn lần thứ 4.

- Giải Khuyến khích Hội khoa học Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14.

- Nông dân xuất sắc toàn quốc năm 2018.

- Giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn lần thứ 5 (năm 2018). 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ