Trợ lực địa phương thực hiện Chương trình GDPT mới hiệu quả hơn

GD&TĐ - Năm học 2024 - 2025 là năm cuối của chu trình đổi mới giáo dục phổ thông - triển khai Chương trình GDPT 2018.

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Thực tiễn triển khai chu trình trong hơn 4 năm qua cho thấy Bộ GD&ĐT đóng vai trò thiết kế, còn triển khai, thi công ra sao, chất lượng thế nào phụ thuộc lớn vào sự quyết tâm và năng lực thực thi của các địa phương.

Trong bối cảnh đổi mới diễn ra với tốc độ nhanh, nhiều tỉnh/thành đã ưu tiên nguồn lực, đầu tư đúng thời điểm, chuẩn bị tốt các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục. Một số nơi đã tăng đầu tư ngân sách, có chính sách riêng trong xây dựng trường lớp, thu hút và tuyển dụng giáo viên các môn mới…

Như TPHCM, ngân sách cho hoạt động thường xuyên của ngành GD-ĐT tăng theo từng năm, hiện chiếm 28% ngân sách chi thường xuyên và 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố. Mỗi năm, địa phương này đầu tư 2.000 tỷ đồng cho xây dựng trường lớp. Nhiều tỉnh vùng khó khăn đã thông qua chính sách hỗ trợ xăng xe cho giáo viên dạy liên trường như Quảng Trị; huy động xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất như Yên Bái…

Một trong những điểm mới của Chương trình GDPT 2018 là tăng cường trách nhiệm của địa phương trong thực hiện. Không chỉ phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và chỉ đạo triển khai Chương trình GDPT 2018, các địa phương còn thêm cả nhiệm vụ lựa chọn SGK; xây dựng Tài liệu giáo dục của địa phương; hỗ trợ các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Trong đó, nội dung giáo dục địa phương là vấn đề khó, phức tạp. Nhiều tỉnh, thành đã khắc phục tồn tại, chủ động, linh hoạt, tìm ra giải pháp phù hợp để biên soạn kịp thời, triển khai dạy học đáp ứng yêu cầu như Quảng Ninh, Phú Thọ, Ninh Bình...

Bên cạnh địa phương quyết tâm, chủ động, linh động, sáng tạo trong triển khai để sự nghiệp đổi mới đi đúng hướng, vẫn có một số nơi chậm nhịp trong việc chuẩn bị các điều kiện như đội ngũ giáo viên, trường, lớp. Một số tỉnh/thành thực hiện dồn ghép cơ sở giáo dục một cách cơ học; quy hoạch, dành quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học chưa phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn trường học.

Công tác mua sắm thiết bị dạy học không bảo đảm tiến độ, ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học trong các nhà trường. Quá trình biên soạn, thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương của một số nơi còn chậm muộn, gây khó khăn cho việc thực hiện chương trình.

Còn nhiều tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 thời gian qua và chặng đường sắp tới chưa hết gian nan, khi các điều kiện bảo đảm thực hiện chương trình còn những bất cập, thiếu thốn. Theo Bộ GD&ĐT, tình trạng thiếu trường, lớp còn tồn tại ở một số địa phương, đặc biệt tại khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn. Đội ngũ giáo viên vừa thiếu vừa chưa đồng bộ về cơ cấu, chất lượng không đồng đều…

Quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 vừa qua đã cho thấy vai trò địa phương cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành bại của đổi mới. Nơi nào cấp ủy, UBND, HĐND quan tâm sâu sát thì tình hình đổi mới giáo dục ở nơi đó tốt. Bài học kinh nghiệm này cần tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy vậy để Chương trình GDPT 2018 đạt được mục tiêu, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của các địa phương, cần sự trợ lực từ Chính phủ và các bộ, ngành.

Hy vọng, tới đây những chính sách đặc thù về biên chế, vốn đầu tư, hỗ trợ học sinh, giáo viên ở địa bàn khó khăn (mà cơ sở phản ánh, Bộ GD&ĐT kiến nghị)... sẽ sớm được xem xét, ban hành, giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, tiếp tục thực hiện chương trình mới hiệu quả hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ