Phiên họp diễn ra ngày 26/12, do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì.
Phát triển năng lực, phẩm chất học sinh
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng nhấn mạnh, năm học 2024 – 2025 là năm học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 1 đến lớp 12.
Chương trình là bộ phận cấu thành trong các nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Vì vậy, chương trình được ví như xương sống, chi phối toàn bộ quá trình thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông.
Khi chương trình được thực hiện trọn vẹn ở các cấp học, cần có sự rà soát, đánh giá toàn diện. Bộ GD&ĐT mong muốn được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về việc thực hiện đánh giá, nội hàm phát triển chương trình, những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung, quan điểm về định hướng, thời điểm phát triển chương trình.
Thứ trưởng lưu ý, định hướng, phát triển chương trình phải được thực hiện thống nhất trên cơ sở không làm xáo trộn, không gây khó khăn cho thầy - trò, không gây khó khăn về cơ sở vật chất, chương trình, phương pháp, tài liệu và sách giáo khoa.
Báo cáo tại phiên họp, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Hệ thống môn học được thiết kế theo hướng bảo đảm cân đối nội dung các lĩnh vực giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học, khắc phục sự trùng lặp giữa các môn; giảm số môn học và hoạt động giáo dục, giảm số tiết học; đồng thời áp dụng một số biện pháp nhằm khắc phục tình trạng quá tải, tích hợp sâu ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên.
Tính kết nối giữa các lớp, cấp học, giữa các chương trình môn học được bảo đảm. Nội dung môn học cơ bản được tinh giản, giảm tính hàn lâm, tăng cường thực hành, vận dụng thực tế và gắn với thực tiễn đời sống.
Bước tiến phù hợp
Ông Nguyễn Xuân Thành cho hay, việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã đạt được thành công bước đầu. Việc đổi mới phương pháp giáo dục được thể hiện ở từng nội dung giáo dục, được chuẩn bị từ trước khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục có sự chuyển biến tích cực.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có phẩm chất và năng lực khá tốt từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục của đất nước.
Nội dung, chất lượng và cung ứng, phát hành sách giáo khoa được các nhà xuất bản thực hiện đa dạng, với nhiều phương thức và kênh phát hành. Việc đổi mới phương pháp giáo dục đã được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục, hình thức tổ chức dạy học được đa dạng hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Vai trò chủ động của học sinh được phát huy. Giáo viên tự tin, làm chủ lớp học tốt hơn, năng động, tích cực hơn trong từng giờ dạy, thể hiện rõ vai trò người tổ chức, kiểm tra, định hướng.
Việc đánh giá học sinh chuyển dần từ tập trung vào kết quả và xếp loại học sinh theo chuẩn kiến thức sang xem xét quá trình học tập, đánh giá sự tiến bộ, khả năng và phẩm chất của học sinh một cách toàn diện. Hình thức đánh giá đa dạng hơn, kết hợp giữa đánh giá quá trình, đánh giá tổng kết, có sự tham gia đánh giá từ nhiều bên.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn cho biết, lần đầu tiên ngành Giáo dục triển khai và thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.
Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế quốc tế. Việc triển khai chủ trương này đã tác động nhiều đến các hoạt động trong nhà trường, cách dạy, học của giáo viên và học sinh.
Giáo viên có thể tham khảo lựa chọn nhiều cách dạy, cách tiếp cận, có nhiều thông tin hơn, tăng cường trách nhiệm trong việc lựa chọn sách giáo khoa và lựa chọn văn bản ngữ liệu phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tế của nhà trường…
Từ kinh nghiệm quốc tế, GS.TS Nguyễn Văn Minh - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là bước tiến phù hợp với xu thế của thời đại và trên thế giới. Tuy nhiên, xã hội thay đổi nên chúng ta phải thay đổi.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình Đinh Văn Khâm kiến nghị, cần đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên, liên tục chuẩn bị nguồn nhân lực, giáo viên thực hiện chương trình, nhất với là những môn học mới, môn học tích hợp; đồng thời cung cấp đủ kinh phí bố trí cho công tác này.
Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng công phu, bài bản và được đánh giá cao. Những đánh giá, bổ sung, căn chỉnh cần phải được thực hiện kỹ lưỡng và toàn diện Muốn vậy, cần có những căn cứ về khoa học và thực tiễn.
Thứ trưởng lưu ý, cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện chương trình. Cùng với đó, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Sư phạm đáp ứng yêu cầu của chương trình.