Triệu chứng và cơ chế lây nhiễm của bệnh đậu mùa khỉ

GD&TĐ - Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên ở bệnh đậu mùa khỉ hay gặp tổn thương da toàn thân và hạch to hơn ở đậu mùa. Yếu tố nguy cơ bị lây nhiễm: ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ...

Một trong những triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: GETTY.
Một trong những triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: GETTY.

Virus đậu mùa khỉ lần đầu tiên được phát hiện ở người tại CHDC Congo năm 1970, song hiện chưa rõ nguyên nhân virus này lây lan ra ngoài châu Phi.

Theo các nhà khoa học, bệnh dịch này đã bùng phát tại trên 10 nước. Trên 100 ca mắc và nghi mắc đã được báo cáo, phần lớn tại các nước châu Âu.

Để chủ động giám sát các ca bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế sẽ đề nghị Sở Y tế các địa phương tăng cường giám sát phát hiện các ca nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, đặc biệt là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ: Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo, Sierra Leone và Nam Sudan.

Đồng thời, các cơ sở y tế cũng tăng cường giám sát phát hiện trường hợp nghi ngờ, trường hợp có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ (theo định nghĩa của WHO). Khi phát hiện, báo cáo ngay Sở Y tế để phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.

Cơ chế lây của bệnh đậu mùa khỉ

Trên Báo điện tử Chính phủ, đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như chăn ga gối đệm.

Bệnh đậu mùa khỉ thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc những người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh thường từ 6 đến 13 ngày nhưng cũng có thể từ 5 đến 21 ngày.

Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên ở bệnh đậu mùa khỉ hay gặp tổn thương da toàn thân và hạch to hơn ở đậu mùa. Các yếu tố nguy cơ bị lây nhiễm là ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.

Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ

Thông tin trên Báo SK&ĐS, bệnh đậu mùa khỉ có liên quan tới bệnh đậu mùa vốn đã được xóa sổ vào năm 1980. Bệnh đậu mùa khỉ khó lây hơn, triệu chứng nhẹ hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn so với đậu mùa.

Bệnh thường kéo dài từ 2-4 tuần và các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể từ 5-21 ngày sau khi nhiễm virus.

Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ lúc khởi phát thường là sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) , triệu chứng điển hình về sau mới giúp các bác sĩ phân biệt bệnh đậu khỉ với thủy đậu hay đậu mùa.

Một khi đã bị sốt, biểu hiện lâm sàng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ là nổi phát ban mẩn ngứa từ 1-3 ngày sau đó, thường bắt đầu nổi mụn mủ trên mặt và sau đó lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Số lượng mụn mủ nước có thể từ xuất hiện từ một vài nốt cho tới hàng nghìn nốt.

Những nốt mụn mủ này sẽ "chín" lên rồi vỡ ra rất xấu xí. Ban đầu mụn nổi lên từ nốt phẳng nhỏ xíu rồi trở thành mụn nước (bên trong mụn chứa đầy dịch), rồi trở thành mụn mủ (bên trong nốt chứa đầy mủ) và cuối cùng đóng vảy trước khi biến mất.

Theo WHO, định nghĩa các ca bệnh mắc đậu mùa khỉ cụ thể như sau:

Ca bệnh nghi ngờ: Là người ở mọi lứa tuổi, đang sinh sống tại quốc gia không lưu hành bệnh đậu mùa khỉ, bị phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân và bị một hoặc nhiều triệu chứng sau kể từ ngày 15/3/2022 như đau đầu, sốt (> 38,5 độ C), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, suy nhược. Các phát ban này không điển hình cho các triệu chứng của các bệnh thông thường gây ra như: Thủy đậu, hepes, sởi, Zika, sốt xuất huyết, chikungunya và các bệnh nhiễm trùng khác.

Ca bệnh có thể: Là ca bệnh nghi ngờ và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ như tiếp xúc trực tiếp với người mắc; tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da, bao gồm cả quan hệ tình dục; hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường hoặc đồ dùng của ca bệnh có thể hoặc xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ trong 21 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng; có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng; có nhiều bạn tình trong 21 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng; có kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với virus orthopoxvirus (trong trường hợp chưa tiêm phòng bệnh đậu mùa hoặc chưa tiếp xúc với các chủng virus orthopoxvirus đã biết khác); có các triệu chứng trên đến mức phải nhập viện.

Ca bệnh xác định: Là ca bệnh nghi ngờ hoặc có thể và có kết quả xét nghiệm Realtime PCR dương tính với virus đậu mùa khỉ.

Ca bệnh loại trừ: Là ca bệnh nghi ngờ hoặc có thể nhưng có kết quả xét nghiệm Realtime PCR âm tính với virus đậu mùa khỉ.

Cũng theo khuyến cáo của WHO, các trường hợp bị nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ đều phải được điều tra và nếu được xác định phải cách ly cho đến khi các tổn thương trên da của người mắc khô, bong vảy và lành hẳn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, các cuộc điều tra dịch tễ vẫn đang được tiến hành. Các trường hợp được báo cáo cho đến nay vẫn chưa mối liên hệ du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh.

 Tổ chức Y tế thế giới dự đoán sẽ có nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác định do việc giám sát mở rộng ở các nước không có dịch bệnh. Các bằng chứng hiện có cho thấy những người có nguy cơ cao nhất là những người đã tiếp xúc thân thể gần gũi với người bị bệnh đậu mùa khỉ khi họ đang có triệu chứng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.