Hội thảo Quốc tế về Vận tải biển và Logistics châu Á lần thứ 12 (ICASL 2019) vừa diễn ra tại Trường ĐH RMIT Việt Nam (cơ sở Nam Sài Gòn) đã tạo diễn đàn để các chuyên gia đến từ Maersk, Expeditors, DHL Global Forwarding cùng giảng viên cấp cao của trường thảo luận về thách thức cũng như cơ hội đối với Vận tải biển và Logistics châu Á trong Công nghiệp 4.0, đồng thời đề xuất một số giải pháp ngắn và dài hạn giúp Việt Nam tận dụng cơ hội hiệu quả nhất.
Việt Nam cần đầu tư ngay vào hạ tầng
Các chuyên gia đều đồng quan điểm và nhấn mạnh rằng Việt Nam cần đầu tư vào hạ tầng ngay để có thể sẵn sàng chớp lấy cơ hội trong tương lai.
Theo ông Henry Vo, Phụ trách Xuất khẩu biển của Expeditors (Mỹ), 12 thỏa thuận tự do thương mại ký kết với nhiều quốc gia và khu vực trong thời gian gần đây đem đến cho Việt Nam rất nhiều cơ hội xuất nhập khẩu.
“Ngày càng nhiều khách hàng tìm đến Việt Nam và bày tỏ ý định chuyển nhà máy sang khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam”, ông Henry nói.
“Cơ sở hạ tầng [cho ngành vận tải biển và logistics] tạm ổn nhưng vấn đề nằm ở kết nối giữa các địa điểm”, ông Henry phân tích. “Lấy cảng Cát Lái và Cái Mép làm ví dụ, trong khi Cát Lái luôn tấp nập và tắc nghẽn, Cái Mép chỉ mới đạt khoảng 70% công suất vì chưa kết nối hiệu quả với các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh”.
Đồng tình với phân tích của ông Henry, Giáo sư Robert McClelland – Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị thuộc Khoa Quản trị và Kinh doanh RMIT Việt Nam – nhấn mạnh rằng Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia nào trong ứng dụng những công nghệ mới nhất vào kinh doanh.
“Việt Nam đang phát triển vượt bậc với sự ra mắt hàng loạt doanh nghiệp thương mại điện tử ứng dụng công nghệ cao như Lazada, Grab, các trang đặt kỳ nghỉ trực tuyến, v.v.”. Theo Giáo sư, công nghệ có thể phát triển nhanh vì không liên quan nhiều đến hạ tầng, nhưng vận chuyển hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển.
Ông Tobias Gruemmer, Giám đốc vận hành khu vực phụ trách Việt Nam, Campuchia và Myanmar của Maersk, cũng khẩn thiết mong Chính phủ hãy tập trung vào phát triển ba khu phức hợp cảng trọng yếu ở các vùng miền, đồng thời đẩy nhanh tiến độ khai thác sân bay Long Thành để tăng kết nối và giúp vận chuyển container lớn thuận lợi hơn.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Cần động thái tích cực trong giao dịch, vận hành
Từ chuyển động kinh doanh bền vững đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu cũng như IMO 2020, quy định mới của Tổ chức Hàng hải quốc tế IMO giới hạn tối đa lưu huỳnh trong hàm lượng nhiênliệu của vận tải biển trên toàn cầu đến năm 2020 xuống 0,5% thay vì 3,5% như hiện nay, ngành vận tải và logistics Việt Nam cũng cần có động thái tích cực hơn trong giao dịch và vận hành.
Giáo sư McClelland nhấn mạnh vào việc đã đến lúc doanh nghiệp cần đưa CSR - Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp [cam kết của doanh nghiệp với đạo đức kinh doanh và đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung] vào các giao dịch của mình.
“Chính phủ có thể đẩy mạnh đầu tư và cải thiện cơ sở hạ tầng, nhưng doanh nghiệp cũng cần tự cân nhắc áp dụng các tiêu chuẩn CSR vào vận hành doanh nghiệp và thỏa thuận kinh doanh”, Giáo sư McClelland đề xuất.
Chuyên gia quốc tế cho rằng tuy các quy chuẩn CSR toàn cầu có thể còn xa lạ với doanh nghiệp Việt, áp dụng CSR có thể giúp nâng cao giá trị và tăng độ tin cậy của những doanh nghiệp Việt đang hướng đến trở thành những doanh nghiệp toàn cầu, chứ không chỉ giới hạn trong các doanh nghiệp quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam như hiện nay.
Trước sự bùng phát của nhiều công nghệ mới như Internet vạn vật, blockchain, trí tuệ nhân tạo, ngành vận tải biển và logistics cũng thay đổi mạnh mẽ nhằm bắt kịp đòi hỏi của người dùng thời thương mại điện tử. Ví như Maersk, nhà vận tải lớn trên thế giới, nhờ đưa Internet vạn vật vào việc vận chuyển container, khách hàng có thể theo dõi vị trí lô hàng, rút ngắn thời gian xử lý vận đơn và tăng cường an ninh hơn.