Ngành logistics Việt Nam trong “tâm bão” 4.0

GD&TĐ - Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam cần gấp rút đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ số trong lĩnh vực logistics nếu thực sự muốn trở thành “công xưởng mới của thế giới”.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Các chuyên gia đến từ Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Bangladesh và Việt Nam đã thảo luận 29 chủ đề khác nhau tại Hội thảo Quốc tế Vận tải biển và Logistics châu Á (ICASL 2019), do Đại học RMIT Việt Nam vừa đăng cai tổ chức.

Việt Nam cần mở rộng sân bay, đầu tư 3 cụm cảng biển

Theo ôngg Tobias Gruemmer, Giám đốc Vận hành khu vực của Maersk Việt Nam, không thể phủ nhận sức hút của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả khi thương mại toàn cầu đang có xu hướng giảm. Với vị trí đắc địa, dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hơn 6%, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp khu vực lẫn quốc tế.

“Tuy nhiên, để giữ vững sức hút đó về lâu dài, ngay từ bây giờ Việt Nam cần tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng. Phải nhấn mạnh rằng hạ tầng hiện nay của Việt Nam tạm đủ để đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngắn hạn, nhưng về lâu dài thì chắc chắn thiếu hụt rất lớn,” ông Tobias nhận định.

Theo chuyên gia, Việt Nam nên mở rộng sân bay và tập trung đầu tư 3 cụm cảng biển cho ba miền. Các diễn giả đều đồng tình rằng hạ tầng công nghệ số cũng cực kì quan trọng, từ việc áp dụng Internet vạn vật (IoT) đến big data hoặc mới nhất là công nghệ blockchain. Đây là xu hướng chung của ngành logistics thế giới, thêm vào đó các báo cáo gần đây cho thấy blockchain có thể giúp doanh nghiệp vận tải giảm đến 15% chi phí vận hành.

Các chuyên gia tham dự Hội thảo
 Các chuyên gia tham dự Hội thảo

Phải tăng tính kết nối các cụm logistics

Một vấn đề khác về cơ sở hạ tầng mà Việt Nam đang gặp phải chính là việc các cụm cảng, kho bãi logistics còn hoạt động rời rạc và thiếu tính kết nối. Ông Henry Võ, Quản lý vận chuyển đường biển tại Công ty Expeditors (Mỹ), lấy ví dụ cụm cảng Cái Mép và Cát Lái – trong khi Cát Lái luôn tấp nập, thậm chí là vượt công suất, thì lượng hàng hóa tại Cái Mép lại chỉ đạt 70% công suất.

“Lí do chính là vì Cái Mép nằm xa các khu công nghiệp, mà lại chỉ một con đường duy nhất để tới đây. Theo tôi, ngoài việc phát triển hạ tầng tại chỗ thì chúng ta cần tăng tính kết nối của các cụm logistics với nhau, giúp vận chuyển hàng hóa dễ dàng và nhanh chóng hơn,” ông Henry nhấn mạnh.

Chi phí logistics cao, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện và việc áp dụng công nghệ số mới đang ở bước đầu, là những rào cản khiến Việt Nam còn khó cạnh tranh với các nước khác. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam vừa ký kết 12 hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia và cộng đồng kinh tế lớn.

“Các Hiệp định thương mại này sẽ đặt ra những thách thức mới cho hạ tầng ngành logistics Việt Nam. Ngay từ bây giờ, Việt Nam cần đầu tư hạ tầng với tầm nhìn đến năm 2035, và cũng nên lưu ý đến các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của khu vực và quốc tế như EEDI hoặc SEEMP,” GS Jong Khil Han, nguyên chủ tịch Hiệp hội Logistics và Vận tải biển Hàn Quốc, cho biết.

Số liệu từ các tổ chức quốc tế cũng cho thấy ngành logistics Việt Nam chưa theo kịp tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế, dẫn đến chi phí vận chuyển, hậu cần còn ở mức cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Cụ thể, theo Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics của Việt Nam hiện chiếm khoảng 20,9% GDP, cao hơn Trung Quốc là 19%.

Theo Trường ĐH RMIT Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.