Triển lãm, ra mắt sách về ‘ông vua chép tranh lụa’

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cố họa sĩ Ngô Minh Cầu được giới nghệ thuật mệnh danh là ‘ông vua chép tranh lụa’, bởi thường được bảo tàng nhờ chép tranh lụa của các danh họa.

Triển lãm, ra mắt sách về ‘ông vua chép tranh lụa’

Kỷ niệm lần thứ 95 ngày sinh của cố họa sĩ Ngô Minh Cầu, một cuộc triển lãm và ra mắt sách mang tên ‘Ngô Minh Cầu – Cách nhìn phong cách đặc biệt’ sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 6 – 12/12.

Triển lãm giới thiệu gần 50 tác phẩm được sáng tác với nhiều chất liệu: Sơn mài, sơn dầu, lụa… Đây là cuộc triển lãm thứ hai về nghệ thuật hội họa của họa sĩ Ngô Minh Cầu, tròn 30 năm sau cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của ông tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm 1992, và cũng là dịp kỷ niệm lần thứ 95 ngày sinh của cố họa sĩ.

Triển lãm cũng là sự hội ngộ của các tác phẩm Ngô Minh Cầu từ các nhà sưu tập nghệ thuật ở Hà Nội, TPHCM và những tác phẩm đang được lưu giữ tại gia đình họa sĩ.

Tác phẩm "Du kích Châu Yên" - sơn mài/1992.

Tác phẩm "Du kích Châu Yên" - sơn mài/1992.

Theo Ban tổ chức, tên triển lãm và ra mắt sách ‘Ngô Minh Cầu – Cách nhìn phong cách đặc biệt’ - trên thực tế được rút ra từ một lời đánh giá của họa sĩ bậc thầy Tô Ngọc Vân về Ngô Minh Cầu - trong thời gian Ngô Minh Cầu đang theo học tại Trường Mỹ thuật Việt Nam khóa Kháng chiến ở Việt Bắc do Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng.

“Việc chọn tiêu đề đó có thể phù hợp, vì qua quá trình nghiên cứu về sự nghiệp hội họa của Ngô Minh Cầu, chúng ta có thể thấy dù ông ở đâu và vào lúc nào cũng “có một cách nhìn phong cách đặc biệt, không giống ai… lối nhìn giản dị để tạo dựng hình, màu minh bạch, rõ ràng”, đại diện ban tổ chức cho biết.

Họa sĩ Ngô Minh Cầu sinh ngày 10/5/1927 tại Hà Nội. Ông là 1 trong 21 người của Trường cao đẳng Mỹ thuật kháng chiến đầu tiên do danh họa Tô Ngọc Vân thành lập ở Việt Bắc (1949 - 1954), là hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Tác phẩm "Đập lúa" - sơn mài/1991.

Tác phẩm "Đập lúa" - sơn mài/1991.

Được mệnh danh là ‘ông vua chép tranh lụa’, bởi từ năm 1960 - 1975 họa sĩ Ngô Minh Cầu thường được các bảo tàng mỹ thuật nhờ chép tranh lụa, đặc biệt là tranh của Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tường Lân, Lê Văn Đệ, Nguyễn Tiến Chung... Tuy nhiên, sự nghiệp sáng tác tạo dấu ấn mạnh nhất ở Ngô Minh Cầu là mảng tranh ký họa nhân vật và sơn mài.

Các tác phẩm Về nông thôn sản xuất (1958), Chiều về bản (1963), Cầu treo qua suối (1963)... tiêu biểu cho phong cách ký họa đời sống hằng ngày của ông. Sau năm 1975, tại TPHCM, họa sĩ Ngô Minh Cầu là một trong ít người triển lãm tranh sơn mài. Nhiều tác phẩm sơn mài của ông được đánh giá cao, như: Bình minh Tam Bạc (1990), Khỏa thân chăn trắng (1989), Khỏa thân và gối (1989)...

Bên cạnh các giải thưởng mỹ thuật, ông cũng được trao Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật, Huy chương vì sự nghiệp mỹ thuật.

Ngày 11/10/2009, họa sĩ Ngô Minh Cầu qua đời, hưởng thọ 83 tuổi.

Từ đó đến nay, tranh của ông được giới sưu tập săn đón, một số tác phẩm còn được lưu giữ tại gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ