Triển lãm mỹ thuật 'Còn mãi với thời gian': Bản hòa thanh hào hùng và bi tráng

GD&TĐ - Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng lịch sử quân sự phối hợp thực hiện nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/1947-27/7/2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Khán giả xem tranh tượng.
Khán giả xem tranh tượng.

Chiêm ngưỡng 69 tác phẩm tranh tượng của 62 tác giả được trưng bày trong triển lãm, người xem như được sống lại những thời khắc ác liệt và hào hùng của hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại.

Đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc triển lãm
Đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc triển lãm
Người đàn bà ở phố Khâm Thiên - Nguyễn Xuân Thủy.

Người đàn bà ở phố Khâm Thiên - Nguyễn Xuân Thủy.

Xem văn công biểu diễn - ký họa của Văn Đa.

Xem văn công biểu diễn - ký họa của Văn Đa.

Ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: "Đây là những tác phẩm được lựa chọn trong sưu tập của hai bảo tàng, thể hiện những góc nhìn chân thực về hình tượng người chiến sĩ và tất cả những người con dân Việt đã tham gia đóng góp sức người sức của vào cuộc chiến giành độc lập tự do cho dân tộc.

Đó cũng là những ký ức không thể nào quên và sẽ “còn mãi với thời gian” của các cuộc chiến đã qua trên dải đất chữ S này. 62 tác giả của 69 tác phẩm này, không ít người đã từng trực tiếp tham gia cuộc chiến.

Tác phẩm của họ khi là những ký họa còn đậm mùi khói súng, khi là những tác phẩm đã được ấp ủ nhiều năm sau đó, với nhiều chất liệu khác nhau: sơn mài, sơn dầu, màu nước; hoặc là các tác phẩm điêu khắc đá, gỗ, kim loại...

Chúng không chỉ là những khúc tráng ca chiến thắng hào hùng, mà còn là những “nốt trầm, nốt lặng” đau thương, mất mát, chia ly và gian khổ khôn cùng…"

Tác giả Lê Duy Ứng đang giới thiệu tác phẩm của mình - Bài ca người mẹ.
Tác giả Lê Duy Ứng đang giới thiệu tác phẩm của mình - Bài ca người mẹ.

Như họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã nói, “đó là bản hòa thanh hào hùng và bi tráng về chiến tranh cách mạng”. Song, vượt lên tất cả vẫn là niềm lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi; là tình cảm quân dân gắn kết chân thành; là truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. 62 tác giả người còn, người mất, nhưng tất cả họ đều như đang hiện diện ở đây, trong không gian triển lãm sang trọng và thiêng liêng này.

Và tất cả những người xem, dù đã trải qua cuộc chiến hay thế hệ trẻ lớn lên trong hòa bình, đều cảm nhận được “bản hòa thanh hào hùng và bi tráng” đó. Bạn trẻ Nhật Minh (Hà Nội) nói: “Cháu chưa hề biết đến bom đạn chiến tranh, nhưng xem triển lãm “Còn mãi với thời gian”, cháu thấy rất xúc động, có lúc người nổi gai ốc. Cảm xúc bao trùm là lòng tự hào và biết ơn”, ơn cả đối tượng được thể hiện trong các tác phẩm, và ơn cả các tác giả đã làm nên những tác phẩm này”.

Quảng Trị năm 1972 - Phạm Ngọc Liệu.
Quảng Trị năm 1972 - Phạm Ngọc Liệu.
Tưởng nhớ các linh hồn thời hậu chiến - Sơn mài Lê Trí Dũng.
Tưởng nhớ các linh hồn thời hậu chiến - Sơn mài Lê Trí Dũng.

Thượng tá Lê Vũ Huy – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết: Triển lãm “Còn mãi với thời gian” đã được hai bảo tàng lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng từ năm trước. Ra mắt trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, triển lãm là một sự phối hợp thật ân tình, thật đẹp của hai bảo tàng chúng tôi. Chúng ta ôn lại thời chiến để càng trân trọng hòa bình.

Và cuộc triển lãm này cũng là dịp để mỗi chúng ta cùng tưởng nhớ, tri ân những người đã không tiếc máu xương trong chiến tranh vệ quốc. Triển lãm cũng là một lời tri ân mà những người thực hiện ở hai bảo tàng chúng tôi gửi đến những thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc đã tham gia kháng chiến, đã hi sinh hay mang trên mình thương tích chiến tranh, đã làm nên những tác phẩm “Còn mãi với thời gian”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ