“New days” quy tụ tác phẩm rất phong phú, từ chất liệu sơn mài, sơn dầu, tổng hợp, tới đá, sắt, inox, đồng, mica… tại Không gian triển lãm Art Space (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam).
Quy tụ tác phẩm đỉnh cao
“New days” là cuộc hội ngộ của những nghệ sĩ có quá trình sáng tạo nghệ thuật lâu dài, được ghi nhận qua nhiều cuộc triển lãm trong nước và quốc tế. Các tác phẩm được sưu tập rộng rãi bởi các bảo tàng và sưu tập tư nhân.
Sự kiện mang đến những trải nghiệm thú vị bởi sự đa dạng về chủ đề và phong cách rất riêng của 8 nghệ sĩ thuộc thế hệ từ 5X - 7X, mà tên tuổi đã được khẳng định.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Huy Thông, nghệ thuật của họ có phong cách cá nhân rõ rệt, kỹ thuật tạo hình gây được ảnh hưởng đối với không ít nghệ sĩ trẻ. Những nghệ sĩ này đã theo đuổi và tạo dựng tên tuổi trong vài thập kỷ.
Người xem được cùng lúc thưởng lãm từ tranh phong cảnh sơn dầu trữ tình của Đặng Tiến, qua chủ đề Hà Nội biến ảo trong sơn mài của Trịnh Tuân. Đồng thời, tìm hiểu các thử nghiệm mới nhất về chất màu trong tranh trừu tượng siêu hình của Lý Trực Sơn, cảm thức phương Đông trong tranh sơn mài phá cách của Trịnh Quốc Chiến, đến hội họa trừu tượng biểu hiện ào ạt của Trần Lê Nam.
Công chúng còn được đối thoại với các khối điêu khắc kim loại “dồn nén không lời” của Khổng Đỗ Tuyền, hoặc các sáng tác mới nhất trong loạt điêu khắc nghiên cứu biến tấu hình thể, trọng lực và ánh sáng trên chất liệu đá sa thạch, đá granite của Đào Châu Hải. Công chúng cũng không thể rời mắt khỏi các tác phẩm điêu khắc kim loại đồng, inox, kính hiện đại đầy tối giản của Bùi Hải Sơn.
“Thông qua các tác phẩm, tôi muốn gửi đến công chúng thông điệp về sự bất an và mong manh phận người trong cuộc sống hôm nay - khi thế giới đang phải đối mặt với dịch bệnh, chiến tranh”, họa sĩ Trần Lê Namcho biết.
Với công chúng yêu nghệ thuật, sự đa dạng của triển lãm là điều có thể khẳng định trước. Đồng thời tên tuổi của 8 nghệ sĩ như một sự đảm bảo cho cơ hội thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật chất lượng.
Nổi tiếng từ tác giả đến loại hình
Theo Ban tổ chức, 30 tác phẩm hội tụ trong triển lãm được chọn lựa kỹ càng từ hơn 1.000 nghệ sĩ trong nước. Trong đó, Lý Trực Sơn được biết đến là họa sĩ sơn mài nổi tiếng. Ông từng giảng dạy nghệ thuật sơn mài tại Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, có nhiều năm sáng tác tại châu Âu và tạo được dấu ấn riêng biệt.
Tranh sơn mài của ông lấy đề tài và phong cách tạo hình mang đậm âm hưởng của nghệ thuật dân gian Việt Nam, bao trùm bởi một thứ hoài niệm vừa gần gũi vừa xa vời, tạo cho người xem một cảm giác văn hóa lịch sử rõ rệt như ở thi ca và văn học.
Trong khi đó, họa sĩ Đào Châu Hải lại là một trong những điêu khắc gia hàng đầu. Hoạt động điêu khắc của ông đã đạt được những thành tựu ở nhiều chất liệu lẫn khuynh hướng. Đào Châu Hải được coi là người tiên phong trong lĩnh vực điêu khắc Việt Nam với nhiều cách tân mới lạ, truyền cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ.
Còn Trịnh Quốc Chiến lại là họa sĩ sơn mài từng tham dự nhiều triển lãm tầm cỡ tại San Francisco, New York, Miami (Mỹ), Bắc Kinh, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, và nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam. Ông được trao giải thưởng Nghệ thuật Asian năm 1996, giải thưởng Freeman dành cho nghệ sĩ châu Á xuất sắc 1998 -1999 tại Trại sáng tác Vermon (Mỹ).
Tác phẩm của ông được lưu giữ trong nhiều bảo tàng, bộ sưu tập tại Nhật Bản, Canada, Australia và Mỹ. Nghệ thuật sơn mài mà ông tạo dựng nổi bật với khả năng phối hợp không giới hạn các kỹ thuật, giữa sơn mài truyền thống hội họa nhẵn, phẳng, sâu và những cách tân đắp nổi, khắc vạch.
Họa sĩ Bùi Hải Sơn từng nhiều năm giảng dạy tại Đại học Kiến trúc TPHCM. Nghệ thuật điêu khắc của ông mang tính biểu tượng về sự sống, triết lý sáng thế, ngôn ngữ điêu khắc cô đọng hiện đại. Ông tiên phong sử dụng các chất liệu đá, kim loại, kính, mica.
Trong nhiều vai trò, từ giảng viên, nhà tổ chức cho đến giám tuyển nghệ thuật – họa sĩ Trịnh Tuân được biết đến rộng rãi trong nước và khu vực qua rất nhiều triển lãm. Nghệ thuật sơn mài của ông nổi bật ở khả năng kỹ thuật tinh tế, biến ảo.
Trong khi đó, họa sĩ Trần Lê Nam theo đuổi sáng tạo hội họa trừu tượng bằng các đối cực bút pháp. Ở giai đoạn đầu là kỹ thuật sơn dầu chồng lớp màu nguyên sắc dày dặn như đắp nổi trên mặt vải, và hiện tại là sự tinh giản về lượng, chú trọng quá trình gạt bỏ các lớp màu đã vẽ. Ông quan niệm sáng tạo là xóa bỏ hình thể bên ngoài, tìm hiểu và sắp xếp cấu trúc bên trong.
Họa sĩ Đặng Tiến từng có nhiều năm làm việc với vai trò họa sĩ minh họa cho một tòa soạn báo. Nghệ thuật hội họa của Đặng Tiến nổi bật với thể loại tranh phong cảnh trên nền chất liệu sơn dầu. Bút pháp giản lược khỏe khoắn, hòa sắc tươi nhưng ẩn trong đó vẫn man mác u buồn, day dứt.
Cuối cùng là Khổng Đỗ Tuyền - điêu khắc gia nổi bật, hiện là giảng viên dạy điêu khắc tại ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Ông chọn hình thức nghệ thuật khắc khổ, loại bỏ hết sự rườm rà hoa mỹ. Hầu hết tác phẩm được thực hiện theo lối nén khối, gây cảm giác vật chất bị dồn chặt tới mức muốn nổ tung để giải thoát chính mình.