Mạnh dạn thành lập Bảo tàng Mỹ thuật tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, nữ họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ đã lưu giữ được nhiều bức tranh quý cùng với các cổ vật có giá trị. Hiện, bảo tàng trở thành điểm đến của nhiều họa sĩ và là địa chỉ thân thuộc của các đoàn học sinh xứ Đoài đến thăm quan, học tập...
Duyên với nghề
Họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ sinh năm 1948 tại thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội). Bà từng là Phó Giám đốc UNESCO mỹ thuật và môi trường; hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội; thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn nghệ xứ Đoài – Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Sưu tập tranh mỹ thuật. Hiện, bà là Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật tư nhân Phan Thị Ngọc Mỹ.
Bà còn là cháu đời thứ 15 dòng họ Phan Huy Ích và Phan Huy Chú. Bà kể, cụ Phan Huy Ích có niềm đam mê hội họa. Trong phòng tiếp khách của cụ có treo 8 bức tranh do chính tay cụ vẽ.
Tuy nhiên, cụ không đi theo nghề họa sĩ, mà làm ngoại giao. “Có lẽ tôi có duyên với vẽ tranh và đi theo cụ ở lĩnh vực hội họa và nay đã có chút ít thành công với nghề này. Với tôi đó là cái duyên” - họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ bộc bạch.
Nữ họa sĩ cho biết, từ bé bà đã sống trong môi trường văn hóa, nghệ thuật và hội họa. Vì thế, bà luôn có ý thức giữ gìn những nét văn hóa, hiện vật còn sót lại trong dân gian và của dân tộc, nhất là những bức tranh có giá trị.
Hơn 40 năm qua, bà mê mẩn tìm kiếm những bức tranh đẹp, quý giá của các họa sĩ, đồng thời tìm kiếm những cổ vật còn sót lại trong dân gian mang về để trưng bày trong bảo tàng. Với bà, quê hương luôn là nỗi nhớ hoài niệm khôn nguôi. Chính bởi lẽ đó, bà đã quyết định trở về quê hương để mở bảo tàng mang chính tên mình – Bảo tàng Phan Thị Ngọc Mỹ.
Họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ nhớ lại, bảo tàng được thành lập năm 2006 và là Bảo tàng Mỹ thuật tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Bà dành hơn 500m2 sàn của khu biệt thự 3 tầng để trưng bày tranh, thư pháp và nhiều hiện vật đồ gốm… Bảo tàng nằm ngay khu di tích Chùa Thầy nổi tiếng xứ Đoài. Đây là điểm ghé thăm của hàng nghìn du khách thập phương và giới nghệ sĩ.
Bà Phan Thị Ngọc Mỹ đã có một sưu tập tranh đồ sộ và đầy đủ, bao gồm những bức tranh quý từ thời mỹ thuật Đông Dương cho đến thời kỳ kháng chiến và trong thời bình.
Trong suốt thập kỷ 80 của thế kỷ trước, họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ liên tục mở các cuộc triển lãm sưu tập ở khắp các phòng tranh, phố tranh Hà Nội. Với những tình cảm thắm thiết, bà dành nhiều thời gian sưu tập, vẽ tranh sơn dầu về cảnh quê hương.
Bên cạnh đó là những cảnh sắc mang nhiều dấu ấn truyền thống. Bà vẽ bằng những cảm xúc tạo hình tuyệt tác đối với thiên nhiên xứ Đoài nơi bà sinh ra và lớn lên. Từ các bức thủy đình nơi ghi nhận bao đổi thay của các thời đại trong lịch sử, đến những kiến trúc cổ, rêu phong… tất cả những hình thái sắc màu ấy phản ảnh vào tranh đầy cảm xúc hồn nhiên.
Rất đông học sinh đến nhà họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ để học vẽ. |
Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Tuy không vẽ nhiều về thầy, cô giáo, học trò nhưng đề tài về trường học luôn mang lại cho họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ những cảm xúc tươi mới với những ký ức khó phai mờ. Bà thường vẽ về mái trường xưa với biết bao kỷ niệm vui buồn của một thời cắp sách đến trường. Với bà, đó sẽ mãi là kỷ niệm đẹp, trong sáng, hồn nhiên và thánh thiện. Nó sẽ mãi là chất liệu để bà vẽ lên những bức tranh đẹp nhất có thể.
Bà Mỹ cho biết, theo quy định, bảo tàng được phép thu phí để duy trì họat động. Song đến thời điểm này, bảo tàng của bà vẫn mở cửa miễn phí, hoạt động vì cộng đồng, với mục đích bảo tồn và phát triển văn hoá Việt Nam. “Chúng tôi mong muốn những người đến thăm quan bảo tàng được nâng cao về nhận thức, biết yêu cái đẹp về mỹ thuật. Như thế, tôi đã thấy hạnh phúc lắm rồi”, họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ bày tỏ.
Dù không phải là người dạy vẽ, song nữ họa sĩ luôn đau đáu với việc truyền nghề và dạy nghề. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều học sinh ở khắp vùng Quốc Oai đã đến để mong được bà dạy vẽ.
“Tôi không nề hà và luôn sẵn lòng giúp đỡ, chỉ bảo các cháu từng nét vẽ. Tôi thấy vui khi được nhiều phụ huynh tin tưởng, gửi gắm con em đến học. Quan trọng hơn, tôi thấy hạnh phúc khi có nhiều thế hệ trẻ yêu nghề này. Tôi muốn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, để các em có đam mê, biết trân trọng cái đẹp về mỹ thuật”, họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ nói.
Em Nguyễn Minh Nguyệt, học sinh Trường THCS Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) bộc bạch rằng rất thích được họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ dạy vẽ. Mỗi lần đến học, em thấy nhẹ nhàng, thoả mái, yêu đời. Em học được tính cẩn thận, chỉn chu, nghiêm túc từ bà. Quan trọng hơn, em đã được nuôi dưỡng tâm hồn, sống có lý tưởng và khát vọng.
Nữ họa sĩ cho biết, bà chủ yếu vẽ tranh phong cảnh vì nó thân thuộc quanh mình. Đó có thể là cây đa, bến nước, con đò, cổng làng, đền chùa quê hương - nơi bà gắn cả một miền ký ức về tuổi thơ. Nó được lưu lại trong tâm khảm, với cảm xúc dạt dào và tâm hồn luôn tươi trẻ, trong sáng. Đã có nhiều tác phẩm được giới thiệu mỹ thuật đánh giá cao. “Đó là niềm vui và hạnh phúc với người sáng tác nghệ thuật”, họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ trải lòng.
Đến thăm bảo tàng Phan Thị Ngọc Mỹ, ông Đào Hoàng Lân, ở Hà Nội cho hay: “Cảnh và người trong tranh của họa sĩ khá thân thuộc. Xem tranh của bà như một bản nhạc, gần gũi, thân thương và không bị gò bó, công thức nên người xem cảm thấy yêu đời và có thêm niềm tin vào cuộc sống”.
Với những thành tích và cống hiến không ngừng nghỉ cho nghệ thuật, họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp từ Trung ương đến địa phương.
Bà cũng được nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam. Cho đến giờ, bà vẫn mong ước có được một khu đất rộng hơn để mở rộng quy mô của bảo tàng, góp phần bảo tồn những giá trị văn hoá nghệ thuật hội họa của quê hương, đất nước.