Mỹ thuật trẻ: Quá cẩn trọng, thiếu phá cách và rụt rè sáng tạo

GD&TĐ -Festival mỹ thuật trẻ 2022 xuất hiện nhiều đóng góp mới, nhưng nghệ sĩ trẻ vẫn quá cẩn trọng, thiếu phá cách và rụt rè sáng tạo.

Họa sĩ trẻ vẫn sáng tạo trong tâm thế rụt rè, thiếu hơi thở thời đại.
Họa sĩ trẻ vẫn sáng tạo trong tâm thế rụt rè, thiếu hơi thở thời đại.

Những nhận định của họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, phần nào nêu ra thực trạng mà bấy lâu nay người làm nghệ thuật vướng phải, mãi chưa thể dứt ra, như con cá mắc cạn chưa thể bơi ra biển lớn.

Mạnh truyền thống, ít đương đại

Festival mỹ thuật trẻ năm 2022 là sân chơi thú vị để các nghệ sĩ trẻ khắp ba miền có dịp cùng hội tụ. Ở sân chơi này, nghệ sĩ thể hiện quan điểm, cách nhìn, cá tính nghệ thuật thông qua các tác phẩm mà các tác giả sáng tác trong mấy năm đại dịch Covid-19 vừa qua.

Một festival trẻ trung với nội dung phong phú, loại hình đa dạng. Các thể loại, chất liệu, đặc biệt hình thức thể hiện mới lạ là những ấn tượng trong festival này.

Tuy nhiên dễ thấy các tác phẩm được trao giải chủ yếu thuộc về thể loại mỹ thuật truyền thống như hội họa, điêu khắc, đồ họa. Các thể loại mới mẻ hơn như sắp đặt, trình diễn và video art có rất ít tác phẩm tham gia, chỉ có một giải Nhì cho video art “Vô sinh” của nhóm tác giả tại TPHCM và một giải Ba cho tác phẩm sắp đặt “Trói” của Trịnh Thu Vân (Hà Nội).

Diễn ra tại Trung tâm Triển lãm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội), và sẽ kết thúc vào cuối tháng 8. Ngoài các tác phẩm được trao giải, ban tổ chức còn tuyển chọn thêm gần 100 tác phẩm xuất sắc khác để trưng bày trong triển lãm.

Trùng hợp với festival mỹ thuật trẻ 2022, 24 nghệ sĩ trẻ tốt nghiệp Khoa Hội họa - Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ - giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cũng trưng bày gần 80 tác phẩm hội họa và sắp đặt tại Trung tâm Nghệ thuật VCCA.

Với triển lãm của các nghệ sĩ vừa tốt nghiệp, họ mở rộng phát triển các khả năng biểu đạt với lụa, song song thể hiện quan điểm cá nhân trong các sáng tác của mình. Các tác phẩm không chỉ giới hạn trong những khung tranh, mà tỏa ra với các sắp đặt kết hợp với sơn mài, và các chất liệu ứng dụng đa dạng, ứng tác với không gian.

“Các hình tượng và chủ đề được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, từ lịch sử nghệ thuật theo chiều lịch đại, đồng đại, cho đến góc độ biểu tượng văn hoá, ký hiệu học văn hóa, tâm lý học, nhưng đồng thời cũng thể hiện được “cái đặc biệt” trong từng cá tính sáng tạo”, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho biết.

Hai triển lãm khác nhau – cả về quy mô lẫn mục đích thể hiện, nhưng đang có sự so sánh khá tường tận về chất lượng nghệ thuật của những người sáng tạo trẻ.

Festival mỹ thuật trẻ được tổ chức 3 năm một lần.

Festival mỹ thuật trẻ được tổ chức 3 năm một lần.

Mong tác phẩm “gây khó, thách thức”

Cũng giống festival mỹ thuật trẻ 2017, lần này các sáng tạo của nghệ sĩ vẫn không có gì mới, vẫn quá ít video art, trình diễn, body art. Hội đồng nghệ thuật chỉ chọn được một tác phẩm sắp đặt và hai video art vào triển lãm. Qua 6 lần tổ chức festival mỹ thuật, nhưng giới nghệ thuật vẫn thực sự hiếm thấy những tác giả trẻ xuất sắc, có đột phá vượt bậc.

So về quy mô, trưng bày của 24 nghệ sĩ vừa tốt nghiệp chỉ là triển lãm nhóm. Còn với festival mỹ thuật trẻ 2022 được tổ chức ba năm một lần, dành cho các nghệ sĩ trẻ từ 18 - 35 tuổi - nhằm khuyến khích sáng tạo, đưa nghệ thuật đương đại tiếp cận gần hơn với công chúng.

Đây là hoạt động giúp các nhà quản lý nghệ thuật và xã hội có nhìn nhận sâu sắc hơn về các xu hướng phát triển mới của nghệ thuật đương đại mà các nghệ sĩ trẻ đang nỗ lực tìm kiếm, nhằm đưa mỹ thuật đương đại Việt Nam hòa nhập với thế giới.

Trong festival lần thứ 6 này, tuy có đến 3 giải nhất nhưng họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật festival mỹ thuật trẻ 2022 vẫn phải nhận định “còn nhiều điều đáng tiếc”.

Theo ông Đoàn, dù là nghệ sĩ trẻ nhưng ngôn ngữ nghệ thuật lại quá “già”. Họ vẽ na ná như cha ông ở thế kỷ trước và thậm chí luôn vẽ trong tâm thế rụt rè, không dám thổ lộ hơi thở thời đại.

“Có thể họ vin vào những thăng trầm trong quá khứ để mà cẩn trọng. Nhưng vì quá cẩn trọng nên tác phẩm ngày hôm nay như thể mang tính “thoát hiểm”, để an toàn và được lựa chọn vào triển lãm. Điều này rất không có lợi đối với nghệ thuật”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.

Không chỉ theo một lối mòn trong cách vẽ, tạo hình, nhiều nghệ sĩ trẻ có vẻ không coi trọng các loại hình nghệ thuật như sắp đặt, trình diễn, video art. Có thể các loại hình này từng bị phản đối, từng bị phê bình bỉ bôi ở những thời điểm chưa thích hợp. Nhưng ngày nay, khi thế giới hội nhập và ồ ạt phát triển loại hình này – nghệ sĩ trẻ lại cố xa lánh, chưa vượt qua định kiến cũ để đưa nghệ thuật đương đại lên nấc thang mới.

Vì quá cẩn trọng, thiếu phá cách và rụt rè sáng tạo nên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nói rằng: “…Mong các bạn phải phá cách, phải gây khó khăn cho hội đồng nghệ thuật để chấp nhận được họ. Phải thách thức hội đồng nghệ thuật, thách thức nhà quản lý bằng tác phẩm của mình”.

Tuy chưa hài lòng với sức trẻ, với những sáng tạo đầy rụt rè và đề cao tính an toàn. Nhưng ông Đoàn cũng như giới nghệ thuật cũng thấu hiểu sự cẩn trọng của nghệ sĩ – khi công tác quản lý văn hóa vẫn còn khá nhiều áp lực đối với bản thân nghệ sĩ và các tác phẩm phá cách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ